(KTSG Online) – Chiều 28-10, Sở Du lịch Đà Nẵng đã tổ chức “Chương trình triển khai kế hoạch khôi phục hoạt động du lịch Đà Nẵng trong giai đoạn bình thường mới” nhằm từng bước phục hồi hoạt động du lịch, thúc đẩy sự liên kết, hợp tác và cam kết của các doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng trong việc sẵn sàng đón du khách, bao gồm nội địa và quốc tế, trở lại trong điều kiện an toàn mới.
- Đà Nẵng kêu gọi doanh nghiệp tham gia kích cầu mua sắm
- Quảng Nam lên phương án đón khách quốc tế theo quy trình khép kín
Theo ý kiến của những người trong cuộc, những kế hoạch và cam kết này cũng là bước chuẩn bị quan trọng. Tuy nhiên, ngành du lịch thành phố cũng như các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này chờ quyết định chính thức của Chính phủ về mở cửa bầu trời du lịch trong nước và quốc tế, sau đó là hướng dẫn chi tiết từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
“Kế hoạch này của Đà Nẵng là cơ sở để doanh nghiệp chúng tôi có một sự chuẩn bị hiệu quả”, ông Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc công ty Omega Tours, chia sẻ. “Bên cạnh đó, chúng tôi chờ quyết sách từ Chính phủ, những hướng dẫn chi tiết từ Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng như địa phương để có thể thực thi việc khôi phục du lịch”.
Đại diện cho giới du lịch Đà Nẵng, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, cũng cho biết cái doanh nghiệp cần hiện nay là cơ chế chính sách để nhanh chóng trở lạ, đặc biệt là hộ chiếu vaccine.
Theo ông Dũng, Đà Nẵng có điều kiện để đón khách “hộ chiếu vaccine”, khách công vụ vì đủ cơ sở và các điều kiện về y tế. Bên cạnh đó, ông cũng đề nghị thành phố đề xuất với Tổng Cục Du lịch và các bên liên quan để tạo khung pháp lý riêng để phối hợp với tỉnh Quảng Nam đón khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế.
“Doanh nghiệp kiệt sức rồi. Lần trở lại này của doanh nghiệp rất khác so với những lần trở lại trước. Chúng tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì độ bao phủ vaccine đang rất cao và sự chuẩn bị kỹ của các địa phương”, ông Dũng nói và cho biết thêm doanh nghiệp cũng lo. Họ cân nhắc về độ lớn của doanh thu, nguồn khách và chi phí bỏ ra để khôi phục lại, bao gồm nhân viên, cơ sở và dịch vụ.
“Có thể là trong tuần này sẽ có chủ trương của Chính phủ và hướng dẫn từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch”, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, cho biết khi công bố kế hoạch khôi phục du lịch của thành phố miền Trung này.
Kế hoạch này sẽ được chia làm 2 giai đoạn, bao gồm các hoạt động tức thời trong qúi 4 này và các nhiệm vụ dài hạn thực hiện giai đoạn 2022-2025.
Theo ông Bình, hiện nay việc đón khách nội địa cơ bản đã bắt đầu triển khai. Khách du lịch đến Đà Nẵng có thể đi lẻ hoặc theo chương trình du lịch của công ty lữ hành và đảm bảo thực hiện đúng các quy định về người ra/vào thành phố.
“Tuy nhiên các đơn vị còn dè dặt trong việc mở cửa trở lại do điều kiện thời tiết mưa bão, tâm lý khách chưa sẵn sàng để đi du lịch và trẻ em chưa tiêm vaccine. Do đó việc mở cửa vận hành trở lại còn khó khăn”, ông Bình nói và thông tin thêm một số đơn vị đã mở cửa như một số khu điểm do nhà nước quản lý (Danh thắng Ngũ Hành Sơn, Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Mỹ Thuật, Bảo tàng Điêu khắc Chăm); công viên nước Mikazuki mở lại một số dịch vụ. Và phần lớn các doanh nghiệp đang trong giai đoạn chuẩn bị để đảm bảo công tác mở cửa trở lại từ tháng 11-2021.
Trong chương trình hôm nay, Sở Du lịch Đà Nẵng công bố ra mắt ứng dụng VR360 “Một chạm đến Đà Nẵng” tại địa chỉ http://vr360.danangfantasticity.com giúp kết nối với du khách dễ hơn và đem đến trải nghiệm mới cho du khách.
Tại chương trình cũng diễn ra Lễ ký kết hợp tác phát triển du lịch về hợp tác chuyển đổi số trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch giữa Trung tâm Xúc tiến Du lịch thành phố Đà Nẵng và Viettel Đà Nẵng - Chi nhánh Tập đoàn công nghiệp - viễn thông quân đội Viettel; lễ ký kết cùng khởi động hoạt động du lịch và quyết tâm phục hồi du lịch trong giai đoạn bình thường mới giữa Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng và các đơn vị như Quỹ Xúc tiến Phát triển Du lịch; Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng (ACV); Tập đoàn Sun Group; Tập đoàn Sovico; Tập đoàn BRG; Công ty Cổ phần Đầu tư DHC Group; Công ty Cổ phần Đầu tư khai thác nhà ga quốc tế Đà Nẵng (AHT); Công ty Cổ phần Vinpearl; Công ty TNHH ODK Mikazuki Việt Nam; Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines); Công ty Cổ phần Hàng không Viet Jet - Chi nhánh miền Trung; Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways); Công ty TNHH Hàng không Lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines).
Phát biểu tại sự kiện, bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, đề nghị các doanh nghiệp đặt công tác phòng chống dịch lên cao nhất, cam kết quy trình phục vụ khách khi mởi cửa lại du lịch. “Sở Du lịch sẽ tổ chức tập huấn cho các doanh nghiệp, đào tạo miễn phí nhân viên du lịch. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần sáng tạo sản phẩm du lịch mới”, bà Hạnh cho biết.