(KTSG Online) – Đà Nẵng kêu gọi các nhà đầu tư Hàn Quốc “đổ tiền” nhiều hơn vào các dự án có hàm lượng công nghệ tại các khu công nghệ cao, công nghệ thông tin (CNTT) tập trung và phần mềm đang được phát triển hoặc khu đổi mới sáng tạo tại thành phố.
Ở phía ngược lại, theo các doanh nghiệp Hàn Quốc, họ cần sự ổn định kèm các điều kiện khác để đầu tư vào thành phố miền Trung này.
Cụ thể, tại Diễn đàn Xúc tiến đầu tư ICT Hàn Quốc vào Đà Nẵng diễn ra sáng 30-11, ông Lê Sơn Phong, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng, giới thiệu dự án Trung tâm Đổi mới sáng tạo Đà Nẵng đến các nhà đầu tư Hàn Quốc. Dự án có diện tích 17 ha với tổng mức đầu tư dự kiến 12.000 tỉ đồng, thu hút các dự án nghiên cứu và phát triển (R&D), khu sản xuất phần mềm, văn phòng, căn hộ, khu dân cư, biệt thự và các dịch vụ liên quan. Bên cạnh đó, tại đây sẽ có cổng quốc tế cho các trung tâm kết nối và lưu trữ dữ liệu với hạ tầng trạm trao đổi internet hiện đại và Trung tâm Dữ liệu lớn.
Ông Phong cũng cho biết các nhà đầu tư Hàn Quốc có thể đầu tư các dự án công nghệ tại khu công nghệ cao, ba khu CNTT đang kêu gọi đầu tư hoặc khu công viên phần mềm số 2 dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2022 kèm nhiều ưu đãi.
Theo ông Phạm Trường Sơn, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, tùy quy mô, các dự án đầu tư trong các khu trên có thể được miễn tiền thuê đất nguyên vòng đời hoạt động.
Bên cạnh đó, dự án có tổng vốn đầu tư từ 3.000 tỉ đồng trở lên sẽ được giảm 10% thuế trong vòng 30 năm cũng như miễn tiền bồi hoàn giải phóng mặt bằng. “Chúng tôi đang kiến nghị miễn thuế thu nhập cho các chuyên gia tại các dự án này”, ông Sơn chia sẻ thêm.
Về tiềm năng đầu tư, ông Lee Byoung Moog, Phó giám đốc Trung tâm Hợp tác Công nghệ thông tin Hàn Quốc tại Hà Nội, chia sẻ các lĩnh vực có khả năng thu hút đầu tư doanh nghiệp ICT Hàn Quốc vào Đà Nẵng. Đó là y tế và chăm sóc sức khỏe kỹ thuật số, trung tâm R&D toàn cầu, trung tâm dữ liệu đám mây và trung tâm đào tạo giáo dục ICT. “Chúng tôi cũng sẽ kết nối thu hút doanh nghiệp liên quan đến kết nối và xây dựng trung tâm tín dụng quốc tế”, ông Moog cho biết.
Theo thông tin tại diễn đàn, Hàn Quốc là quốc gia đứng thứ nhất trong số các quốc gia đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư là 73,91 tỉ đô la với 9.186 dự án. Đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực sản xuất (74%), bất động sản (13,2%) và xây dựng (3,9%).
“Đầu tư công nghiệp sản xuất, chế biến - chế tạo của Hàn Quốc tại Việt Nam đã chuyển từ ngành dệt may (trước đây vốn là ngành chủ đạo) sang ngành Công nghệ thông tin và truyền thông”, ông Kim Ountae, Tổng giám đốc Cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) tại Đà Nẵng nói và cho biết thêm đầu tư Hàn Quốc tại khu vực miền Trung chiếm tỉ lệ không đáng kể so với 2 khu vực còn lại (5,7% so với 59,1% tại miền Bắc và 35,2% tại miền Nam.
Theo ông Ountae, khu vực miền Trung cần có các chính sách để tăng cường thu hút
đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến - chế tạo và giải quyết được các trở ngại lớn hiện tại của các doanh nghiệp Hàn Quốc như tỷ lệ nhảy việc cao, tiêu chuẩn thuế không rõ ràng, khó khăn trong việc thu mua nguyên liệu tại địa phương và các chính sách kiểm dịch khác nhau theo từng địa phương cùng với chi phí phòng chống dịch cao. “Chúng tôi thấy dấu hiệu nhà đầu tư có sự thay đổi tiêu chí đánh giá đầu tư thời kỳ hậu Covid-19, từ lợi thế chi phí cạnh tranh sang sự ổn định”, ông cho hay.
Chia sẻ tại sự kiện, ông Trần Phước Sơn, Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, cho biết với định hướng phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành một đô thị sinh thái thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á, Đà Nẵng tập trung phát triển 03 trụ cột chính là du lịch, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển. Trong đó, công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số sẽ tiếp tục là lĩnh vực mũi nhọn được chú trọng phát triển.
Đà Nẵng phấn đấu đến năm 2025 sẽ thu về 2,34 tỉ đô la USD tổng doanh thu toàn ngành ICT và đến năm 2030, ngành công nghiệp ICT sẽ đóng góp 15% trong tổng GRDP của thành phố.
“Đà Nẵng xác định Hàn Quốc là một trong những đối tác trọng điểm có tiềm lực mạnh về tài chính, kỹ thuật và mong muốn đẩy mạnh kết nối, kêu gọi sự quan tâm đầu tư nhiều hơn từ các doanh nghiệp Hàn Quốc vào lĩnh vực ICT của thành phố”, ông Sơn cho biết. “Chúng tôi hy vọng sẽ đón tiếp ngày càng nhiều các doanh nghiệp Hàn Quốc đến đầu tư và phát triển cơ hội kinh doanh mới. Chính quyền thành phố cam kết sẽ luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Hàn Quốc đến tìm hiểu môi trường đầu tư, thiết lập và triển khai dự án đạt hiệu quả tại Đà Nẵng”.
Do Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm và Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Phước Sơn đồng chủ trì tại hai điểm cầu trực tiếp Hà Nội và thành phố Đà Nẵng, Diễn đàn Xúc tiến đầu tư ICT Hàn Quốc vào Đà Nẵng thu hút được sự quan tâm đăng ký tham dự của hơn 200 doanh nghiệp, nhà đầu tư tiềm năng tại Việt Nam và Hàn Quốc thông qua phần mềm trực tuyến ZOOM. Các tập đoàn, doanh nghiệp tiêu biểu (VNPT, Viettel, FPT, LG, DITP….) cùng tham dự và kết nối với nhà đầu tư Hàn Quốc.