Đà Nẵng khai thác tiềm năng du lịch cộng đồng và văn hóa bản địa
Nhân Tâm
(TBKTSG Online) – Để tạo thêm sản phẩm du lịch mới dành cho khách địa phương và nội địa trong bối cảnh hiện nay cũng như khách quốc tế trong tương lai, ngành du lịch Đà Nẵng tìm cách phối hợp với chính quyền các quận, huyện khai thác các tuyến du lịch nông nghiệp và du lịch cộng đồng một cách bài bản.
Đà Nẵng muốn phát triển du lịch nông nghiệp, cộng đồng theo hướng tuyến du lịch với sản phẩm, du lịch trọn vẹn, bao gồm trải nghiệm, lưu trú và tìm hiểu văn hóa địa phương chứ không chỉ là check-in. Ảnh: Nhân Tâm |
Một tuyến du lịch bắt đầu từ trải nghiệm đi thuyền đường sông, xuất phát tại một bến sông Bạch Đằng, đối diện Cổ Viện Chàm (Bảo tàng Chăm), đến một bến tại quận Cẩm Lệ. Sau đó, khách lên bờ, tham quan làng rau La Hường dọc bờ sông, mua đặc sản khô mè địa phương, đến các điểm check in thấy rõ máy bay cất cánh và hạ cánh tại huyện Hòa Vang, thưởng thức buffet rau sạch được hái, mua từ bà con nông dân và xem các lễ hội, văn hóa dân gian.
Đây là một trong những tuyến du lịch gắn liền với nông nghiệp và cộng đồng địa phương được ông Nguyễn Như Nam, Tổng Thư ký Hội Lữ Hành Đà Nẵng (thuộc Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng – DATA), chia sẻ với TBKTSG Online sau cuộc họp gần đây giữa đại diện Sở Du lịch, DATA với đại diện các quận, huyện trên địa bàn thành phố, bàn về hướng phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp, sản phẩm du lịch cộng đồng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, tập hợp ý kiến, đề xuất lên lãnh đạo thành phố Đà Nẵng.
“Nếu chỉ có check in tại các điểm mới tại các điểm du lịch, khu vực nông thôn, cộng đồng thì không có lợi”, ông Nguyễn Như Nam, Tổng Giám đốc Công ty du lịch Vietnam TravelMart, nói và chia sẻ các bên phải cùng nhau tạo ra các sản phẩm cộng đồng, lưu trú cùng nhà dân và sản phẩm nông nghiệp, tạo ra nguồn thu thì mới phát triển tốt nhưng mô hình này.
Tại buổi họp, đại diện ngành du lịch cũng đồng ý rằng những tuyến này có thể hướng đến khách địa phương và quốc nội trong thời điểm này. Và nhìn xa hơn, sau này khách du lịch quốc tế sẽ thích thú khi đến tham quan các vườn rau hữu cơ tại Hòa Vang, ăn buffet rau tại chỗ và trải nghiệm một buổi sáng thức giấc trong môi trường sinh thái của làng quê.
Để làm được điều này, theo đề nghị của các quận, huyện cần có cơ chế thoáng hơn dành cho đất nông nghiệp để có thể xây dựng các cơ sở lưu trú hoặc tương tự để khách có thể lưu trú. Huy động những người dân có đất nông nghiệp rộng làm du lịch nông nghiệp, cộng đồng bằng cách xâu dựng nhà tranh vách đất, dựng lều và điểm check-in ngay trên mảnh đất của họ để hút khách bên cạnh phải đảm bảo có các công trình vệ sinh, nhà ăn thì mới đảm bảo kéo khách đến trong ngày.
Bên cạnh đó, ngành du lịch và địa phương tìm cách phát triển khu vực có tiềm năng về sản phẩm địa phương theo chương trình OCOP (One Commune One Product - mỗi địa phương một sản phẩm).
Được biết, trước đó, Sở Du lịch Đà Nẵng đã phối hợp với đơn vị tư vấn triển khai khảo sát tài nguyên du lịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, bao gồm các tài nguyên phục vụ phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp và du lịch cộng đồng và đưa ra rất nhiều sản phẩm mới tại một số nơi như huyện Hòa Vang và quận Sơn Trà, Cẩm Lệ, Liên Chiểu và Ngũ Hành Sơn.
Đơn cử, huyện Hòa Vang có đủ điều kiện để phát triển mô hình du lịch cộng đồng và nông nghiệp. Cụ thể, thôn Tà Lang – Giàn Bí (xã Hòa Bắc) phát triển loại hình du lịch cộng đồng gắn với sinh thái, các dịch vụ thể thao mạo hiểm (leo núi, lội suối…), văn hóa dân tộc người Cơ tu, kèm các dịch vụ trải nghiệm sinh hoạt của người Cơ tu, các hoạt động du lịch tình nguyện…
Thôn Túy Loan – Thái Lai (Hòa Phong và Hòa Nhơn) phát triển loại hình du lịch cộng đồng gắn với nghỉ dưỡng, ẩm thực, văn hóa, du lịch thủy nội địa kèm các dịch vụ trải nghiệm sinh hoạt nông thôn…
Thôn Túy Loan – Thái Lai cũng có thể phát triển loại hình làng nghề nông nghiệp, tham quan vườn trái cây, học cách làm nông (làm bánh tráng Túy Loan, Mỳ Quảng Túy Loan). Hay cụm An Định – Phò Nam – Lộc Mỹ (Hòa Bắc) phát triển loại hình trải nghiệm nông nghiệp công nghệ cao, ăn uống thực dưỡng…