Thứ Năm, 10/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Đà Nẵng: ‘Nội soi’ ba dự án lớn ‘bất động’ trong thập kỷ qua

Nhân Tâm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) -  Hai dự án bất động sản “lấn” sông Hàn tại thành phố Đà Nẵng và một dự án làng đại học nằm trên đất Đà Nẵng và Quảng Nam đều có vốn đầu tư ngàn tỉ và đều chưa thể hoàn thành trong 10 năm qua vì nhiều lý do khác nhau.

Phối cảnh dự án Làng Đại học Đà Nẵng.

Gỡ vướng cho dự án nằm trên đất hai địa phương

Dự án Làng Đại học Đà Nẵng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch từ năm 1997. Sau đó, dự án được Bộ Giáo dục và đào tạo phê duyệt chung vào năm 2004. Khái toán tổng chi phí của dự án ước tính khoảng 8.620 tỉ đồng gồm các hạng mục: bồi thường, giải phóng mặt bằng trong phạm vi quy hoạch dự án; bồi thường, giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng các khu tái định cư; đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và cơ sở vật chất của Đại học Đà Nẵng... Nguồn vốn này nằm trong nguồn vốn ODA trị giá 100 triệu đô la mà Chính pủ đã phê duyệt.

Theo quy hoạch, dự án – do Đại học Đà Nẵng làm chủ đầu tư – có tổng diện tích 300 ha, trong đó diện tích nằm tại Quảng Nam chiếm 190 ha và hơn 110 ha còn lại nằm trên địa phận thành phố Đà Nẵng. Đến nay, Đà Nẵng mới giải phóng được 38,8 ha trên tổng số khoảng 100 ha, còn phía Quảng Nam chưa giải phóng được mặt bằng.

Những nguyên nhân chính được nhắc đến là do tài chính, giải phóng măt bằng, tái định cư và cơ chế đầu tư công. Cụ thể, Quảng Nam chưa có vốn rót từ Trung ương để thực hiện dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng tại phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn với tổng mức đầu tư 181 tỉ đồng. Đà Nẵng cũng gặp khó khăn tương tự nên chưa thể làm nhanh hoạt động giải phóng mặt bằng.

Thông tin này được ghi nhận trong buổi gặp mặt diễn ra hôm 15-11 giữa Đoàn công tác của Quốc hội do Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội, làm Trưởng đoàn, và lãnh đạo thành phố Đà Nẵng liên quan đến dự án này.

Theo quy định của pháp luật đầu tư công, dự án giải phóng mặt bằng phải có cấu phần xây dựng nên cần vốn đầu tư lớn, kế hoạch đầu tư và sử dụng rõ ràng nên thủ tục chuẩn bị đầu tư phức tạp, khả năng tiếp cận nguồn vốn khó khăn hơn. Việc hoàn thành giải phóng mặt bằng toàn bộ phạm vi quy hoạch Đại học Đà Nẵng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trong 1 giai đoạn trung hạn là khó khả thi, cần phải phân kỳ cho nhiều giai đoạn.

Vì vậy, Đại học Đà Nẵng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án Đại học Đà Nẵng từ nguồn nguồn ngân sách Trung ương trong kế hoạch vốn trung hạn 2021-2025 để tập trung thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng nhằm sớm chấm dứt tình trạng quy hoạch “treo” kéo dài.

Theo ông Trần Quang Phương, vướng mắc lớn nhất hiện nay đối với các dự án đầu tư công là giải phóng mặt bằng, tái định cư. Hiện nay, Quốc hội đã giao Chính phủ tổ chức thí điểm tách dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án chung để dự án sớm được triển khai.

Cân nhắc việc bồi thường 2.000 tỉ đồng khi phải thay đổi quy hoạch

Cũng trong ngày 15-11, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với điều chỉnh quy hoạch dự án bất động sản - bến du thuyền và dự án Olalani, nằm nối tiếp nhau ven sông Hàn tại quận Sơn Trà.

Dự án Marina Complex lấn sông Hàn, Đà Nẵng. Ảnh: Nhân Tâm

Dự án đầu tiên còn được biết với cái tên Marina Complex hiện do Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai góp vốn đầu tư (nhận chuyển nhượng từ VinaCapital); trong khi đó dự án thứ 2 do Sun Group đầu tư thông qua Công ty Cổ phần Mỹ Phát.

Dự án Marina Complex được UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt quy hoạch chi tiết lần đầu vào năm 2011, điều chỉnh vào các năm 2015, 2016, và lần gần đây nhất tại Quyết định số 5197/QĐ-UBND ngày 15-9-2017. Hiện dự án có diện tích gần 120.000 m2 đã đầu tư hoàn thành khu vực phía đông đường Lê Văn Duyệt, khu vực ven sông (phía tây đường Lê Văn Duyệt) đã thi công bờ kè ven sông, san nền.

Dự án Olalani được UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt quy hoạch chi tiết lần đầu vào năm 2008, điều chỉnh vào các năm 2012, 2013, và gần nhất tại Quyết định số 713/QĐ-UBND ngày 24-1-2014. Hiện nay, dự án có diện tích hơn 81.000 m2 đã đầu tư hoàn thành cơ bản các hạng mục hạ tầng kỹ thuật.

Trong thời gian qua, hai dự án này nhận nhiều ý kiến của giới chuyên gia liên quan đến việc đánh giá tác động về môi trường khi phát triển dự án.

Phát biểu tại hội nghị ngày 15-11, ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, cho biết, theo điều chỉnh quy hoạch chung được duyệt, khu vực phía Tây đường Trần Hưng Đạo và Lê Văn Duyệt tại vị trí 2 dự án ven sông quy hoạch đất đơn vị ở kết hợp thương mại dịch vụ; sát bờ sông là vệt đất quy hoạch cây xanh công cộng được định hướng trong thiết kế đô thị là trục cảnh quan ven sông; tại phía Bắc dự án Olalani có công trình hầm vượt sông Hàn từ cuối dường Đống Đa đến đường Vân Đồn đi ngang qua.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, phương án điều chỉnh quy hoạch các dự án ven sông đã được UBND thành phố thống nhất báo cáo Ban Cán sự Đảng UBND thành phố có ưu điểm là tạo thêm một số không gian công cộng ven sông phục vụ lợi ích cộng đồng, hình thành tuyến đường đi bộ ven sông rộng 20m xuyên suốt phục vụ cho người dân tiếp cận không gian ven sông. Tuy nhiên, về mặt kiến trúc cảnh quan, việc tổ chức nhà thấp tầng dàn trải, kéo đài, sẽ không phát huy được lợi thế của dự án tại vị trí ven sông có tầm nhìn thoáng rộng, hiệu quả chiếu sáng về đêm cho sông Hàn không cao. Bên cạnh đó, việc thành phố phải bỏ ra khoảng 2.000 tỉ đồng để bồi thường khi phải thay đổi quy hoạch là điều cần phải cân nhắc trong bối cảnh hiện nay.

Đối với phương án quy hoạch do các chủ đầu tư đề xuất, UBND thành phố xét thấy cơ bản phù hợp với định hướng của đồ án điều chỉnh quy hoạch chung. Nhưng cũng cần nghiên cứu các giải pháp về quy hoạch để có thêm diện tích cho các không gian mở kết nối thông suốt từ đường Trần Hưng Đạo và Lê Văn Duyệt về phía sông, dành không gian cho trục cảnh quan ven sông kết nối xuyên suốt phục vụ công cộng; đồng thời, cần quan tâm các giải pháp chiếu sáng cho các công trình cao tầng, góp phần tôn tạo cảnh quan sông Hàn về đêm.

Đối với việc nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch dự án bất động sản và bến du thuyền (dự án Marina Complex - PV), dự án Olalani, theo quan điểm của UBND thành phố, nguyên tắc đầu tiên là phải phù hợp với quy hoạch chung thành phố tại Quyết định số 593/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, cần xem xét đồng bộ, hài hòa cảnh quan tổng thể; ưu tiên dành không gian xanh phía sông cho công viên và phục vụ công cộng; bố trí đường cảnh quan ven sông kết nối xuyên suốt.

1 BÌNH LUẬN

  1. Hiện tượng “Làng Nhô” lấn sông, lấn biển. “Nhà Hô” chiếm đường, chiếm hè. Cũng như hiện tượng ” Vườn Xô ” phá núi phá rừng, gần như xảy ra khắp mọi nơi trong cả nước. Giải pháp “Sai sắp sửa” có chắc chữa được dứt điểm căn bệnh kinh niên “Sắp sửa sai” ? Nên chăng cần có giải pháp quyết liệt và quyết đoán hơn về những sự việc như thế này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới