Thứ tư, 25/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Đà Nẵng sau trận ngập lịch sử: Cải thiện hạ tầng và hỗ trợ người dân bị thiệt hại

Nhân Tâm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Theo tính toán mới nhất từ UBND thành phố Đà Nẵng, thành phố biển miền Trung thiệt hại về tài sản khoảng 1.500 tỉ đồng sau trận ngập lịch sử cuối tuần qua do cơn bão Sonca gây ra. Hỗ trợ đời sống người dân bị thiệt hại nặng nề, khắc phục hư hại của hệ thống hạ tầng và cải thiện hệ thống thoát nước là những ưu tiên của Đà Nẵng.

Một hầm chui tại Đà Nẵng bị ngập sau cơn bão Sonca. Ảnh: Đào Tuấn

Những thông tin này được ghi nhận sau buổi làm việc chiều qua 19-10, giữa lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về khắc phục thiệt hại sau cơn bão Sonca vừa qua, theo Cổng Thông tin điện tử Đà Nẵng.

Cụ thể, tại buổi làm việc, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, cho hay bão số 5 gây mưa lớn diện rộng, nhiều nơi lượng mưa cao lịch sử hàng trăm năm, cộng thêm triều cường, dẫn đến ngập lụt lớn đã gây thiệt hại nặng nề về nhà cửa, tài sản của người dân và cơ sở hạ tầng trên phạm vi toàn thành phố, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất.

Ảnh hưởng của bão và mưa lũ lớn đã khiến 4 người thiệt mạng; thiệt hại về tài sản ước tính ban đầu khoảng 1.500 tỉ đồng. Trong đó, tổng số nhà bị ngập gần 70.000 nhà; hư hỏng 74 ha rau màu; gần 60.000 gia cầm và gia súc chết trôi; 14 trường học bị ngập, hư hỏng nặng; trên 2.000 ô tô và 30.000 xe máy của người dân, doanh nghiệp bị ngập.

Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đề xuất, kiến nghị Trung ương hỗ trợ các hộ gia đình thiệt hại về người và tài sản; hỗ trợ sách giáo khoa và thiết bị học tập cho các trường học để đưa học sinh trở lại trường; hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình khẩn cấp để ổn định lâu dài.

Cùng với đó, thành phố Đà Nẵng đề nghị Trung ương hỗ trợ đầu tư sớm 3 dự án là dự án kiên cố hóa đường Hoàng Sa – khu vực bán đảo Sơn Trà; Dự án chống ngập nước khu vực Sân bay và Dự án Đầu tư, gia cố hệ thống kè dọc tuyến đường ven biển Hoàng Sa – Trường Sa – Võ Nguyên Giáp để ổn định lâu dài trong công tác phòng chống thiên tai.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Đà Nẵng tập trung hỗ trợ cho người dân, đảm bảo các yêu cầu thiết yếu.

“Chúng ta phải tập trung hỗ trợ, đảm bảo cuộc sống sinh hoạt cho người dân sau mưa lũ với tinh thần “Không để người dân thiếu đói, thiếu chỗ ở và các điều kiện sinh hoạt thiết yếu như điện, nước, giao thông, y tế”. Đặc biệt, không để bùng dịch sau mưa lũ. Các cấp, ngành phải lo cho người dân trở lại cuộc sống bình thường, sớm ổn định cuộc sống, dọn dẹp vệ sinh môi trường, đưa cuộc sống trở lại bình thường”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu.

Cùng với đó, Chủ tịch nước đề nghị Đà Nẵng nhanh chóng khắc phục cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, đảm bảo sách vở, trang thiết bị học tập cho các em học sinh. Khắc phục sạt lở do vùi lấp đất đá, nhất là tại nghĩa trang lớn nhất Đà Nẵng.

Về lâu dài, Đà Nẵng cần nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, đầu tư bài bản hệ thống thoát nước. Đồng thời, kết hợp làm tốt công tác dự báo, thực hiện tốt hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo ứng phó với các tình huống khẩn cấp xảy ra do đặc thù địa phương ven biển, tiềm ẩn nhiều thiên tai.

Về các đề nghị của Đà Nẵng, Chủ tịch nước đề nghị Chính phủ xem xét giải quyết theo thẩm quyền, chú ý đến những vấn đề ổn định, lâu dài bằng những nguồn lực phù hợp, hỗ trợ thành phố ứng phó thiên tai hiệu quả, đảm bảo đời sống nhân dân và phát triển kinh tế xã hội.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng cho Đà Nẵng 20 căn nhà giúp người dân khắc phục hậu quả bão số 5. Ảnh: Mai Quang

Tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng cho Đà Nẵng 20 căn nhà giúp người dân khắc phục hậu quả bão số 5. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi tặng Đà Nẵng 20 căn nhà; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tặng 10 căn nhà.

Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam hỗ trợ 300 thùng hàng nhu yếu phẩm và 300 triệu đồng. Bộ Giáo dục và Đào tạo hỗ trợ 4.000 bộ sách giáo khoa. Tập đoàn Điện lực Việt Nam hỗ trợ 2 tỉ đồng; Điện lực miền Trung hỗ trợ 500 triệu đồng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới