Đà Nẵng sẽ lắp đặt điện mặt trời mái nhà đạt 80-90% tại trụ sở công
Nhân Tâm
(TBKTSG Online) – Đà Nẵng sẽ nâng tỷ lệ sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, bao gồm năng lượng mặt trời, trong tổng cung năng lượng sơ cấp trên địa bàn đạt khoảng 5% vào năm 2030, 7% vào năm 2045 và nâng tỷ lệ lắp đặt điện mặt trời mái nhà đạt 80-90% trên tổng số các trụ sở công tại thành phố.
![]() |
Đà Nẵng có số giờ nắng trung bình 2.100 giờ/năm, cường độ bức xạ trung bình 4,89kWh/m2/ngày, một tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo. (Ảnh nhỏ) Hệ thống điện năng lượng mặt trời tại một hộ gia đình tại Đà Nẵng. Ảnh: Nhân Tâm |
Bên cạnh đó, thành phố khuyến khích đầu tư điện mặt trời áp mái tại các bãi đỗ xe, các nhà xưởng, mái nhà để xe cho công nhân của doanh nghiệp sản xuất trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp…
Những nội dung này được đề cập trong Quyết định số 2987/QĐ-UBND kế hoạch thực hiện Chương trình số 49-Ctr/TU về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn. Kế hoạch nhằm bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng, cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, liên tục, bền vững, an toàn, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Đà Nẵng có số giờ nắng trung bình 2.100 giờ/năm, cường độ bức xạ trung bình 4,89kWh/m2/ngày. Qua đó, tiềm năng từ năng lượng mặt trời (NLMT) để sản xuất điện là 0,733kWh/m2/ngày, theo Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và tư vấn chuyển giao công nghệ Đà Nẵng. Như vậy, có thể thấy rằng NLMT tại Đà Nẵng có tiềm năng lớn, phù hợp với việc khai thác, sử dụng loại năng lượng này để phát triển trong thời điểm hiện nay và cả trong tương lai.
Khuyến khích loại hình điện mặt trời mái nhà
Theo ông Trần Nguyễn Bảo An, Phó giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Điện lực Đà Nẵng (PC Đà Nẵng), tuy khách hàng đầu tư điện năng lượng mặt trời và bán lại cho công ty còn khiêm tốn nhưng đang tăng dần qua từng năm. Đến nay, PC Đà Nẵng thanh toán hơn 7 tỉ đồng tiền điện mặt trời mua lại từ điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) của các hộ gia đình, doanh nghiệp.
“Thông thường đối với hộ gia đình nhỏ, công ty nhỏ có thể đầu tư hệ thống điện năng lượng từ 1,5 đến 8 kWp. Suất đầu tư khoảng 20 triệu – 25 triệu đồng/kWp với thiết bị từ các hãng có thương hiệu và uy tín trên thế giới. Trung bình mỗi 01 kWp tạo ra được 4,89 kWh/ngày”, ông An nói và chia sẻ thêm hiện nay công ty có hơn 1.000 khách hàng lắp đặt ĐMTMN, tổng công suất lắp đặt 10.363 kWp và tổng sản lượng phát ngược lên lưới là hơn 1,7 triệu kWh.
Để khuyến khích khách hàng sử dụng ĐMTMN, PC Đà Nẵng đã áp dụng cơ chế chung. Theo đó, khách hàng sẽ được lắp đặt miễn phí công-tơ 2 chiều, cơ chế mua bán điện theo chiều giao và chiều nhận riêng biệt nếu hệ thống pin mặt trời đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện đấu nối lưới điện hiện hữu theo quy định.
Trong khi đó, theo báo cáo của Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC), 7 tháng năm 2020, công ty có 4.517 khách hàng lắp đặt ĐMTMN, tổng công suất đặt 197,95 MWp, đạt 99% so với kế hoạch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giao (200 MWp).
Để tạo điều kiện cho khách hàng đầu tư ĐMTMN, EVNCPC chỉ đạo các công ty điện lực trên địa bàn miền Trung – Tây Nguyên triển khai công tác tuyên truyền, công bố thông tin, thỏa thuận đấu nối, đầu tư lưới điện… tạo thuận lợi để khách hàng dễ dàng truy cập, tra cứu thông tin, lựa chọn vị trí đầu tư phù hợp để phát triển ĐMTMN.
Những yêu cầu đặt ra
Bên cạnh Sở Công Thương, UBND thành phố Đà Nẵng cũng có những yêu cầu đầu tư cho các sở, ban, ngành khác.
Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng nghiên cứu đầu tư các khu công nghiệp mới theo mô hình khu công nghiệp sinh thái, phát triển ngành chế tạo thiết bị phục vụ ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất sử dụng năng lượng tái tạo để giảm mức tiêu thụ nguồn điện truyền thống.
Sở Giao thông Vận tải triển khai thí điểm vận chuyển khách du lịch bằng ô tô điện trên một số tuyến đường trung tâm có kết nối điểm du lịch, khu du lịch, khu vui chơi giải trí, khu mua sắm. Sở Xây dựng triển khi thí điểm việc sử dụng năng lượng mặt trời để cấp điện cho hệ thống điện chiếu sáng.
Sở Kế hoạch và Đầu tư đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị thông minh, nhất là trong các lĩnh vực quản lý đô thị như giao thông, cấp thoát nước, xử lý chất thải, lưới điện, hệ thống điện chiếu sáng, cảnh báo thiên tai…
Sở Xây dựng quy hoạch bố trí cáp ngầm có điện áp danh định đến cấp trung áp đi dọc cầu đường bộ nhằm tận dụng hạ tầng kỹ thuật dùng chung, tiết kiệm không gian, chi phí đầu tư cho xã hội trên cơ sở đảm bảo các điều kiện về an toàn liên quan theo quy định.
Sở Khoa học và Công nghệ nghiên cứu ứng dụng thành tựu khoa học, chuyển giao công nghệ mới trong việc phát triển các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng khai thác từ biển. Khuyến khích liên kết giữa lực lượng nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo với các doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo trong lĩnh vực năng lượng thông qua các chương trình khoa học và công nghệ.
Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường phòng ngừa, kiểm soát các đối tượng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn môi trường theo quy định của pháp luật; thông tin tuyên truyền kịp thời và đầy đủ về công tác bảo vệ môi trường trong ngành năng lượng. Đồng thời, nghiên cứu phát triển hệ thống quản lý, xử lý chất thải trong sản xuất năng lượng với công nghệ tiên tiến, phù hợp với điều kiện của thành phố.
Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) phối hợp cùng Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng và Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) vừa phối hợp đưa vào sử dụng công trình trạm sạc ô tô điện dùng năng lượng mặt trời tại cửa hàng xăng dầu PVOIL trên đường Lê Văn Hiến, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Đây là trạm sạc dành cho ô tô điện đầu tiên được ra mắt ở thành phố Đà Nẵng. Theo đó, trạm sạc ô tô điện do Trung tâm Sản xuất thiết bị đo điện tử Điện lực miền Trung (CPCEMEC) nghiên cứu, chế tạo có công suất 13,86 kWp. Thiết bị chính gồm 36 tấm pin năng lượng mặt trời công suất 385 kWp và 1 bộ biến tần hòa lưới 3 pha công suất 12 kW. Trạm sạc ô tô điện có công suất 60 kW sử dụng nguồn cung cấp 380 VAC từ lưới điện hạ 3 pha 4 dây, đáp ứng nhu cầu sạc nhanh trong vòng 20 – 30 phút tùy theo dung lượng pin của từng loại xe điện. Trạm sạc ô tô điện được tích hợp phương thức thanh toán phí bằng mã QR Code trên Mobile Banking với nhà cung cấp VNPay. |