Đà Nẵng sẽ phát triển du lịch cộng đồng dựa vào làng chài
Nhân Tâm
(TBKTSG Online) - Sở Du lịch Đà Nẵng đang tiến hành quy hoạch 1/500 để tạo điều kiện xúc tiến kêu gọi đầu tư du lịch cộng đồng tại bãi biển Thọ Quang – Mân Thái, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng sau khi đã được UBND thành phố phê duyệt dự án.
Khu vực Thọ Quang - Mân Thái, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng sẽ phát triển thành làng du lịch cộng đồng. Ảnh: Sở Du lịch Đà Nẵng cung cấp |
Đề án sẽ được phát triển trong ba giai đoạn và đến năm 2023 sẽ biến khu vực này thành làng du lịch cộng đồng quốc tế gắn với biển và làng chài. Theo nhiều ý kiến, muốn phát triển thành công, cần quy hoạch tốt cảng cá và bến thuyền đánh cá hiện hữu nơi đây.
Thông tin này được ông Tán Văn Vương, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, chia sẻ với TBKTSG Online hôm nay (12-6). Ông Vương cho biết Sở Du lịch giao cho Ban Quản lý Sơn Trà và các bãi biển Đà Nẵng phối hợp cùng với các đơn vị quy hoạch và nghiên cứu của thành phố để thực hiện sớm quy hoạch 1/500 này.
Được biết, đề án lấy kinh nghiệm từ việc phát triển du lịch cộng đồng của các điểm đến nước ngoài như đảo Boracay (Philippines), Bali (Indonesia) và mô hình hợp tác xã dịch vụ du lịch chèo thuyền tại vịnh Hạ Long, Quảng Ninh. Theo báo cáo tại đề án, khu vực Thọ Quang – Mân Thái có vị trí thuận lợi khi nằm trên tuyến du lịch tham quan bán đảo Sơn Trà với làng nghề thủy sản truyền thống phù hợp với mục đích phát triển du lịch cộng đồng. Một số công trình tôn giáo, tín ngưỡng, đình làng có giá trị kiến trúc và bản sắc văn hóa địa phương sẽ là điểm nhấn trong làng du lịch.
Tuy nhiên, tại khu vực này vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn trong việc phát triển du lịch cộng đồng như: hệ thống cấp điện, cấp thoát nước trên vỉa hè chưa được đầu tư. Ở đây cũng chưa có nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn du lịch để phục vụ du khách, chưa có quầy thông tin hướng dẫn, bãi đỗ/giữ xe, điểm tập kết thu gom rác. Ở phía biển, ngoài khu vực thể thao, hiện nay chưa có dịch vụ vui chơi giải trí, dịch vụ tiện ích để phục vụ du khách và người dân. Một trở ngại nữa là nguồn nhân lực phục vụ du lịch còn hạn chế, người dân địa phương chưa được đào tạo qua các lớp nghiệp vụ du lịch, kỹ năng phục vụ du khách.
Ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó Chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng và Phó Tổng Giám đốc Furama Resort Đà Nẵng cho biết, việc phát triển làng du lịch cộng đồng sẽ rất tốt cho du lịch Đà Nẵng, giúp tạo ra sản phẩm mới. Tuy nhiên, ông cũng quan ngại việc đầu tư nửa vời, không đến nơi đến chốn sẽ làm mất đi cảnh quan của làng chài.
Theo một số người trong cuộc, để triển khai hiệu quả đề án này, thành phố cần triển khai các giải pháp cơ bản như: xây dựng cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, hoạt động kinh doanh tại khu vực (hỗ trợ về giá thuê đất, chuyển đổi ngành nghề, sản xuất – kinh doanh sản phẩm lưu niệm, vay vốn, đào tạo, quảng bá); liên kết phát triển du lịch tại khu vực này đồng bộ với các khu vực khác trên tuyến biển Hoàng Sa – Trường Sa (Phạm Văn Đồng, Mỹ Khê, Mỹ An…); kết nối du lịch sinh thái (bán đảo Sơn Trà, khu vực phía Tây thành phố…), du lịch văn hóa – lịch sử khám phá các bảo tàng, di tích (danh thắng Ngũ Hành Sơn, Thành Điện Hải, Hải Vân Quan, K20, đình làng…), du lịch trải nghiệm làng quê – làng nghề…tạo nên sự phát triển đồng bộ, đa dạng dịch vụ. Đồng thời cần nghiên cứu và xây dựng các giải pháp khắc phục tính mùa vụ do ảnh hưởng của thời tiết, thu hút du khách vào mùa thấp điểm…
Bên cạnh đó, việc phát triển du lịch Đà Nẵng cần có sự đồng bộ và thống nhất trong công tác quy hoạch các khu điểm du lịch trên địa bàn, đảm bảo yêu cầu về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, tạo điều kiện để người dân địa phương cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập, đa dạng hóa sản phẩm du lịch – dịch vụ.
Đà Nẵng có lợi thế bãi biển dài, tạo điêu kiện thuận lợi cho các hoạt động gắn với biển, trong đó có làng du lịch cộng đồng. Ảnh: Nhân Tâm |
Vì vậy, bên cạnh đề án phát triển du lịch cộng đồng tại thôn Tà Lang – Giàn Bí, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang và bãi biển Thọ Quang – Mân Thái, Sở Du lịch hiện đang triển khai hực hiện đề án phát triển du lịch cộng đồng Nam Ô, đề án phát triển du lịch và sản phẩm du lịch tại huyện Hòa Vang đến năm 2030, đề án quản lý và khai thác dịch vụ du lịch tuyến Nguyễn Tất Thành 2018-2020, phương án thành lập phố đi bộ từ cầu sông Hàn đến cầu Rồng và cầu Nguyễn Văn Trỗi.
Dựa trên những điều kiện hiện có, thành phố đã đề ra những định hướng về đầu tư cơ sở hạ tầng (hệ thống cấp điện, nước, bãi/hầm đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng…); định hướng quy hoạch phát triển khu vực bãi biển Thọ Quang – Mân Thái thành sáu cụm dịch vụ với diện tích mỗi cụm là 840 m2, bao gồm các loại hình dịch vụ như cafe, bar tại bãi biển, massage truyền thống, ẩm thực bãi biển, quầy lưu niệm, “thử làm ngư dân”, nghệ thuật sắp đặt thuyền thúng, mô hình chụp ảnh lưu niệm, khu vực tổ chức sự kiện – sinh hoạt cộng đồng, dịch vụ thể thao – giải trí biển, ẩm thực hải sản (kết nối với chợ Mai buôn bán các loại hải sản tươi sống và chế biến).
Tại khu vực phía Tây đường Hoàng Sa – Võ Nguyên Giáp thuộc hai phường Thọ Quang, Mân Thái, vận động người dân, quy hoạch sắp xếp tổ chức các lại hình dịch vụ, tiện ích phục vụ du lịch như khu phố bích họa, nhà dân bán hải sản, loại hình lưu trú homestay, du lịch tín ngưỡng dân gian, điểm bán đặc sản làng nghề truyền thống…
Đề án cũng định hướng tập trung vào khai thác thị trường khách du lịch nội địa yêu thích loại hình dịch vụ du lịch trải nghiệm, khám phá và đối với thị trường khách quốc tế sẽ tập trung vào thị trường khách truyền thống (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc) và thị trường khách tiềm năng (châu Âu, châu Mỹ).