Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đà Nẵng thu hút nhiều dự án trăm triệu đô

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đà Nẵng thu hút nhiều dự án trăm triệu đô

Nhân Tâm

(TBKTSG Online) – Thành phố Đà Nẵng đã và đang thu hút nhiều dự án có giá trị hơn trăm triệu đô la Mỹ trong thời gian qua.

Đà Nẵng thu hút nhiều dự án trăm triệu đô
Dự án Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine của Công ty TNHH Universal Alloy Corporation Viet Nam (UAC Viet Nam) tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng. Ảnh: DHPIZA

Doanh nghiệp Mỹ quan tâm Đà Nẵng

Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng (DHPIZA) vừa thông báo đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án “Nhà máy sản xuất vật liệu bán dẫn United States Enterprises” với tổng vốn đầu tư 110 triệu đô la Mỹ. Trước mắt, giai đoạn 1 có quy mô 61.578 m2, vốn đầu tư 66 triệu đô la Mỹ, dự kiến khởi công xây dựng quí 2-2021 và hoạt động chính thức vào quí 2-2023.

Dự án đầu tư nước ngoài (FDI) này được đăng ký thực hiện bởi hai nhà đầu tư là ông Ha Vinh Ly và bà Nhe Thi Le (quốc tịch Mỹ), hiện là chủ sở hữu của Công ty Hayward Quartz Technology Inc. có trụ sở tại California, Hoa Kỳ. Theo tìm hiểu đây là nhà cung cấp vật liệu cho các OEM (Original Equipment Manufacturer – Nhà sản xuất thiết bị gốc) trong phân khúc kinh doanh chất bán dẫn.

Được biết, dự án này nằm trong khu sản xuất của Khu công nghệ cao Đà Nẵng, chuyên sản xuất khối silic tinh thể, các chi tiết, cụm chi tiết bằng silic, gốm, thạch anh, đá sa phia, thủy tinh, kim loại, hợp kim, phi kim, nhựa polymer và bằng các vật liệu bán dẫn khác cho các loại máy móc thiết bị sản xuất trong ngành công nghiệp bán dẫn/điện tử như hệ thống máy móc thiết bị để xử lý wafer.

Đây được xem là dự án FDI lớn thứ 2 cũng đến từ Mỹ đầu tư vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng sau dự án Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine của Công ty TNHH Universal Alloy Corporation Viet Nam (UAC Viet Nam).

Trước đó, ngày 29-3-2020, UAC Viet Nam đã khánh thành giai đoạn 1 nhà máy sau một năm khởi công xây dựng. Nhà máy với tổng số vốn đầu tư 170 triệu đô la Mỹ có các phân khu sản xuất các bộ phận chi tiết dùng trong ngành hàng không vũ trụ, sản xuất nguyên liệu thô và lắp ráp bằng vật liệu hợp kim nhôm. Giai đoạn 2 của dự án dự kiến được hoàn thành vào tháng 4-2023, mở rộng sản xuất bộ phận chi tiết dùng trong ngành hàng không và sản xuất vật liệu composite. Nhà máy dự kiến đạt công suất 12.470 tấn hệ mét/ năm khi hoàn thành.

Nhà máy đặt mục tiêu đến năm 2021, giá trị xuất khẩu đạt 25 triệu đô la Mỹ, năm 2022 đạt 82 triệu đô la Mỹ và từ năm 2026 đạt hơn 180 triệu đô la Mỹ.

Đây là hai trong số khoảng 70 dự án của các nhà đầu tư Hoa Kỳ tại Đà Nẵng, với tổng vốn đăng ký hơn 700 triệu đô la Mỹ; trong đó, không ít dự án của các tập đoàn lớn như Crown Cork & Seals, Key Tronic EMS, Coca-Cola, hay Kimberly-Clark…

Được biết, trong tháng 6-2020, UBND thành phố Đà Nẵng đã phối hợp với Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) khai trương Chi hội AmCham tại Đà Nẵng. Theo ông Phạm Trường Sơn, Trưởng ban DHPIZA, đây là cơ hội để Đà Nẵng thu hút nhiều hơn các dự án công nghệ cao, đặc biệt từ thung lũng Silicon của Hoa Kỳ.

Dự án đầu tư tăng chất

Vào tuần trước Công ty TNHH Đà Nẵng TELALA thuộc tập đoàn Inoue Ribbon Industry (Nhật Bản) chính thức đi vào hoạt động sản xuất tại vị trí mới tại KCN Hòa Khánh, thành phố Đà Nẵng. Dự án chuyên sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may như: dây băng cuộn, dây dạng vòng, dây treo, dây đeo, dây rút; móc cài, nẹp áo, dây, ren được DHPIZA chấp thuận cho di dời địa điểm đầu tư đến đường số 9 KCN Hòa Khánh vào tháng 2-2020 với vốn đầu tư 152,3 tỉ đồng (tương đương 6,6 triệu đô la). Dự án đi vào hoạt động sẽ giải quyết cho hơn 140 người lao động, doanh thu hàng năm khoảng 77,6 tỉ đồng, giá trị xuất khẩu đạt 3,5 triệu đô la.

Ông Sơn cho biết đây là một trong bảy dự án kêu gọi đầu tư năm 2020 tại khu công nghệ cao và các KCN được ký kết tại Tọa đàm mùa Xuân 2019. Năm 2020, với nhiều biến động do thiên tai dịch bệnh nhưng Dự án vẫn triển khai xây dựng và đi vào hoạt động thể hiện quyết tâm của các nhà đầu tư FDI đầu tư vào thành phố Đà Nẵng, trong đó các nhà đầu tư Nhật Bản đứng đầu các dự án FDI đầu tư vào khu Công nghệ cao và các KCN với 52 dự án đầu tư với vốn đăng ký là 644,396 triệu đô la.

Một nhà máy của Nhật nằm trong Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Ảnh: Nhân Tâm

Trong khi đó, theo báo cáo mới nhất của DHPIZA, giai đoạn 2016-2020, đơn vị này đã thu hút 153 dự án, trong đó 109 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 9.872 tỉ đồng và 44 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 507,63 triệu đô la. Bình quân một dự án có vốn đầu tư 11,5 triệu đô la.

Trong giai đoạn này, các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI đóng góp bình quân hơn 9% giá trị gia tăng toàn nền kinh tế; khu vực ngoài Nhà nước đóng góp 49,529% và khu vực FDI đóng góp 10,39% cho nguồn vốn đầu tư phát triển; tạo việc làm cho hơn 90.000 lao động và thúc đẩy nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thành phố. Đồng thời đóng góp tăng bình quân 10%/năm vào tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố giai đoạn 2016-2019 với 5,994 tỉ đô la, riêng khu vực FDI đóng góp bình quân 53,07% tổng giá trị xuất khẩu.

Trong khi đó, trong giai đoạn 2011-2015, thành phố đã thu hút được 202 dự án FDI với tổng vốn cấp mới đạt hơn 646,6 triệu đô la và 85 dự án tăng vốn với tổng số vốn tăng thêm đạt hơn 706 triệu đô la. Bình quân mỗi dự án có giá trị đầu tư hơn 3 triệu đô la.

Trong đó, lĩnh vực kinh doanh bất động sản chiếm 68,48% tổng vốn đầu tư, công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 27,8%. Các dự án đầu tư cấp mới tập trung chủ yếu ở lĩnh vực dịch vụ, công nghệ thông tin, điện tử, cơ khí, logistics…

Lũy kế cuối năm 2020, Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng thu hút 493 dự án; trong đó có 364 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký là 26.183 tỉ đồng và 129 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1.708,7 triệu đô la Mỹ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới