(KTSG Online) – Hệ thống đặt hàng qua kênh siêu thị, cửa hàng quá tải, lực lượng shipper không đáp ứng điều kiện giao hàng, hotline giao hàng trá hình hay giá cả tăng cao bất hợp lý là những vấn đề phát sinh Đà Nẵng đang tìm cách giải quyết khi áp dụng chủ trương “ai ở đâu ở đó” thêm 10 ngày nữa.
Những thách thức trong cung ứng hàng hóa
Chị Kim Thanh (quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng) hôm nay bắt đầu cài ứng dụng (app) của siêu thị Co.opmart để mua thực phẩm cũng như hàng thiết yếu cho 10 ngày (từ ngày 26-8 đến 5-9 Đà Nẵng tiếp tục thực hiện giãn cách ở mức cao nhất) khi hàng hóa dự trữ 10 ngày giãn cách trước đã cạn dần.
Tuy nhiên, chị nhắn tin trên app và gọi điện theo số hotline nhiều lần trong sáng nay đều không thành công. Vì vậy chị xoay xở bằng nhiều cách như nhờ tổ trưởng tổ dân phố và tình nguyện viên mua hàng hóa ở các cửa hàng bên ngoài.
Chị Kim Hồng, em của chị Thanh, ở quận Hải Châu may mắn hơn khi sáng nay có thể liên lạc được Co.opmart qua số hotline để đặt hàng. Tuy nhiên, chị được thông báo phải chờ 3 ngày vì đơn hàng hiện nay tại siêu thị rất nhiều và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên để giao. Trong thời gian này, chị tạm chấp nhận dùng đồ dự trữ và chờ vì tổ dân phố hiện nay cũng quá tải đơn hàng.
Theo ghi nhận, những trường hợp như chị Thanh và chị Hồng là không hiếm trong hai ngày nay vì theo đại diện của các siêu thị như Coopmart, Lotte Mart, Big C hay Mega, họ phải giải quyết hàng ngàn đơn hàng hằng ngày từ các khu phố gửi đến do người dân cần tích trữ hàng thiết yếu trong 10 ngày đến. Vì vậy, hệ thống hotline tại các siêu thị thậm chí có lúc bị “tê liệt” là điều dễ hiểu.
Ông Nguyễn Hữu Hạnh, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cũng thừa nhận lượng dự trữ thực phẩm trong dân đã hết, nhu cầu mua hàng của người dân tăng cao dẫn đến tình trạng quá tải đơn hàng tại các đơn vị cung ứng.
Bên cạnh đó, khả năng đáp ứng của các siêu thị, siêu thị mini, chuỗi cửa hàng tiện lợi, doanh nghiệp phân phối đã quá tải, chỉ đáp ứng được 15-20% nhu cầu của người dân.
Và theo thực tế ghi nhận, trong bối cảnh người dân không được ra đường, áp lực mua lương thực, thực phẩm càng dồn về ban điều hành các khu dân cư. Điều này đã đến những trở ngại trong việc đi chợ và tình trạng quá tải của các chuỗi cung ứng, siêu thị trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh những thách thức trên, shipper không đủ điều kiện, hotline lừa đảo và giá cả tăng là những vấn đề khác
Được biết, việc cho các shipper (người giao hàng) của các siêu thị, đơn vị cung ứng đi giao hàng hóa cũng không thể đáp ứng được nhu cầu của Đà Nẵng một phần vì không phải shipper nào cũng đáp ứng các điều kiện khắt khe để được hoạt động.
Một thách thức khác mà Sở Công Thương phát cảnh báo là có thông tin một số đối tượng lừa đảo để chiếm đoạt tài sản của người dân thông qua việc mua, bán hàng online bằng các số điện thoại không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội.
Và trong tình cảnh này, một số thương lái đã tăng giá các mặt hàng thực phẩm cao gấp 2-3 lần so với bình thường với các lý do: nhập hàng từ địa phương khác, chi phí vận chuyển khó khăn… Một doanh nhân (xin phép giấu tên - PV) chia sẻ với KTSG Online rằng khi mua 100kg thịt heo để phân phát cho một số hộ dân, anh đã phải trả giá cao gấp đôi so với mức giá ngày bình thường.
Chờ hiệu quả từ các phương án
Giải thích về vấn đề này, đại diện Sở Công Thương cho biết giá cao không phải do giá các mặt hàng cao mà tổng giá trị combo còn cao so với thu nhập của người dân. Do đó, Sở Công Thương đã đề nghị các siêu thị, cửa hàng phải tổ chức đa dạng hơn các combo thực phẩm với giá từ 100.000 - 500.000 đồng để phục vụ nhu cầu của các hộ gia đình.
Tuy nhiên, việc thống nhất danh mục combo chung cho toàn thành phố là rất khó thực hiện, do mỗi hệ thống bán lẻ có những nhà cung ứng khác nhau, nguồn hàng khác nhau.
Theo ghi nhận, hiện các cửa hàng, siêu thị đã điều chỉnh, thiết kế đa dạng các loại combo rau củ, thịt, cá trái cây có giá từ 60.000 đồng, 100.000 đồng hoặc 120.000 - 130.000 đồng đến 500.000 đồng để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cơ bản của người dân.
Bên cạnh giá cả, Sở Công Thương vừa công bố một số phương án để giải quyết phần nào những thách thức trên.
Cụ thể, thành phố hỗ trợ 50.000 suất hàng hóa thiết yếu (gạo, mì gói, thịt hộp, cá hộp, cá khô, trứng gà…) cho các hộ dân đặc biệt khó khăn, hỗ trợ 1.000 tấn rau củ quả cho toàn bộ người dân thành phố và kêu gọi tài trợ các mặt hàng thiết yếu.
Các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, doanh nghiệp phân phối hoạt động tối đa 100% công suất, tăng cường vai trò giao nhận từ khu phố và cho lực lượng shipper công nghệ hoạt động là những giải pháp khác.
Bên cạnh đó, để giúp giảm tải cho các kênh siêu thị cũng như đáp ứng nhu cầu người dân, Đà Nẵng cho phép các chợ truyền thông và cửa hàng tạp hóa hoạt động trở lại với những điều kiện khắt khe, bao gồm có tiêm vaccine và xét nghiệm PCR âm tính. Bên cạnh đó, tất cả đơn hàng cũng đều phải qua ban điều hành tại các khu phố.
Đà Nẵng cũng cho phép mỗi phường tổ chức các đợt xe tải bán hàng lưu động tại các khu phố để giải quyết nhu cầu cho người dân.
Theo các nguồn tin, Công an thành phố Đà Nẵng đã đề xuất và được Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 thành phố đồng ý để Công an thành phố phối hợp với lực lượng quân sự và UBND các quận, huyện bố trí vị trí của 30 container do công an thành phố huy động để bán hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu bình ổn giá cho nhân dân toàn thành phố theo nguồn hàng hóa do Công an thành phố huy động không thông qua các doanh nghiệp cung ứng, các siêu thị.
Dự kiến bắt đầu triển khai vào ngày 28-8 tại 30/42 phường trên địa bàn toàn thành phố.
Bên cạnh đó, Cục Hậu cần Quân khu 5 cũng đã bố trí lực lượng hỗ trợ Sở Công thương trong việc cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân. Trước mắt, lực lượng Quân khu 5 thành lập lò mổ cung cấp thịt heo tươi cho người dân trên địa bàn, dự kiến công suất lò mổ 2 tấn/ngày, nguồn heo sẽ do Sở Công thương Đà Nẵng cung cấp và giám sát. Quân khu 5 cũng đã lên kế hoạch vận chuyển lương thực, thực phẩm ở các tỉnh lận cận cung cấp cho người dân Đà Nẵng.
Những phương án đã được Đà Nẵng đưa ra và bắt đầu thực thi. Những người dân như chị Thanh, chị Hồng có thêm niềm tin để có thể chấp hành “ai ở đâu thì ở đó” thêm 10 ngày nữa mà không phải lo nghĩ việc thiếu thốn thực phẩm và các dịch vụ thiết yếu khác.
"Chúng tôi đã trải qua gần một tháng phải ở nhà để phòng chống dịch. Tôi biết nhiều người dân đang gặp hết sức khó khăn trong cuộc sống hằng ngày. Vì vậy tôi hy vọng các giải pháp sẽ thực sự hiện quả với đại đa số người dân", chị Thanh chia sẻ.
Huy động tổng lực cho an sinh xã hội, và đưa phương án xuống từng hộ dân, chứ không chỉ là hô hào và làm quy mô nhỏ rồi viện lý do