Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Đà tăng giá cả bắt đầu chạm đến điểm giới hạn của người tiêu dùng Mỹ

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Các nhà bán lẻ thời trang và các cửa hàng bách hóa Mỹ đang chứng kiến doanh số tăng trưởng chậm lại khi mức tăng giá bán của họ chạm đến điểm giới hạn của người tiêu dùng ở nền kinh tế lớn nhất thế giới. Đây là dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng bắt đầu hạn chế chi tiêu khi lạm phát ở Mỹ tăng lên mức cao nhất trong bốn thập niên.

Người tiêu dùng Mỹ bắt đầu phản ứng trước đà tăng giá quá nhanh của hàng hóa bằng cách mua ít lại hoặc từ bỏ kế hoạch mua. Ảnh: Getty

Jeff Gennette, Giám đốc điều hành chuỗi cửa hàng bách hóa Macy’s, có trụ sở ở New York, cho biết công ty ông đã tăng giá một số sản phẩm nệm và ghế sofa thêm 100 đô la, nhưng bị khách hàng phản ứng. Steven Millman, Giám đốc thương hiệu của Macy’s, thừa nhận: “Nếu tăng giá cao hơn nữa, chúng tôi sẽ chỉ bán được một nửa so với doanh số trước đây”.

Với lạm phát ở mức cao nhất trong 40 năm, trong thời gian qua, các doanh nghiệp Mỹ ở khắp các lĩnh vực đã tăng giá bán cao hơn để bù đắp chi phí gia tăng mà vấp phải rất ít sự phản đối từ người tiêu dùng. Xu hướng đó bắt đầu thay đổi, đặc biệt là đối với hàng may mặc và đồ nội thất ở phân khúc giá thấp.

Theo Bộ Thương mại Mỹ, doanh số bán lẻ trong tháng 2 đã tăng chậm lại so với tháng 1. So với cùng kỳ năm ngoái, doanh số bán hàng trong tháng trước tăng 17,7%, nhưng phần lớn là do giá bán tăng. Theo Neil Saunders, Giám đốc điều hành hãng tư vấn GlobalData, ở ngành hàng thời trang, một số công ty bán lẻ chứng kiến doanh số đi xuống khi nhiều người mua sắm chuyển hướng sang những đối thủ bán hàng giá rẻ. Ông giải thích: “Điều này có lẽ là do ngân sách chi tiêu của người tiêu dùng đang bị ép chặt”.

Theo hãng nghiên cứu thị trường NPD Group, doanh số bán hàng theo đơn vị (doanh số bán hàng mà một công ty kiếm được trong một kỳ báo cáo nhất định) của các mặt hàng thông thường như quần áo, giày dép, đồ chơi và dụng cụ thể thao tại Mỹ đã giảm trong 9 của 10 tuần từ ngày 26-12 đến ngày 5-3 so với cùng kỳ năm trước.

Khoảng 43% người tiêu dùng được NPD khảo sát vào tháng 2 nói rằng nếu giá tiếp tục tăng, họ sẽ trì hoãn việc mua các mặt hàng ít quan trọng hơn để duy trì kỷ luật ngân sách.

Marshal Cohen, cố vấn trưởng ngành bán lẻ của NPD, nói: “Chúng tôi nhận thấy nhu cầu suy giảm khi người tiêu dùng phải mua hàng với giá cao hơn. Sự nhạy cảm về giá đang bắt đầu xuất hiện. Có một ngưỡng giá mà người tiêu dùng xem là giới hạn của họ”.

Calloway Cook, 28 tuổi, người kinh doanh thực phẩm bổ sung thảo dược ở Northampton, bang Massachusetts, chi tiêu khá thoải mái trong suốt đại dịch Covid-19. Nhưng anh bắt đầu giảm chi tiêu trong hai tháng qua khi giá cả tăng cao hơn và thị trường chứng khoán biến động mạnh trước cuộc tấn công quân sự của Nga ở Ukraine. Thay vì mua một chiếc áo khoác mùa đông, anh vẫn “trung thành” với chiếc áo cũ và anh cũng từ bỏ ý định mua đôi giày thể thao mà anh đã nhắm đến.

Anh nói: “Đây là thời điểm cần phải chi tiêu dè sẻn hơn”.

Các nhà bán lẻ hàng may mặc nằm trong số những công ty hưởng lợi lớn nhất từ ​​sức chi tiêu mạnh mẽ của người tiêu dùng khi các hạn chế liên quan đến Covid-19 được nới lỏng và mọi người làm mới tủ quần áo của họ để tham gia nhiều cuộc gặp gỡ trực tiếp và các sự kiện xã hội hơn.

Các chuỗi cửa hàng bách hóa từ Macy's cho đến Target ghi nhận doanh số bán hàng tăng mạnh mẽ vào dịp lễ Giáng sinh năm ngoái. Và họ đã cắt giảm các chương trình khuyến mãi đồng thời tăng giá bán. Anne Mehlman, Giám đốc tài chính hãng giày dép Crocs, cho biết giá bán trung bình các sản phẩm của công ty ông đã tăng gần 19% trong năm ngoái một phần do ít chiết khấu hơn.

Trong một báo cáo gần đây về tác động của lạm phát đối với các công ty kinh doanh hàng may mặc, nhà phân tích Paul Lejuez của Ngân hàng Citigroup cho rằng dù thị trường việc làm mạnh mẽ và lương của người lao động Mỹ tăng, “ví tiền của người tiêu dùng không phải là vô hạn”.

Roketa Dumas, một blogger tài chính 38 tuổi, sống ở Charlotte, bang Bắc Carolina, đã lên kế hoạch làm mới tủ quần áo của mình vào mùa xuân này. Nhưng trong các chuyến mua sắm gần đây, cô bị sốc với mức giá bán niêm yết trên các sản phẩm áo quần. Thay vì mua bốn chiếc quần jean, cô quyết định chỉ một một chiếc. Cô cũng mua 2 chiếc áo ngực mới thay vì năm chiếc như dự tính.

“Ngân sách để dành của tôi không đủ giúp tôi chi tiêu khi giá cả tăng lên”, cô nói.

Phản ứng giá của người tiêu dùng Mỹ xảy ra khắp nhiều ngành hàng, song ngành hàng xa xỉ vẫn có thể tăng giá mà không chứng kiến nhu cầu suy giảm rõ rệt. Các xa xỉ phẩm đang trở nên khan hiếm vì các vấn đề của chuỗi cung ứng và điều này giúp các thương hiệu có thể tăng giá bán.

Các nhà bán lẻ đang tìm cách xác định mức độ tăng giá bán không làm mất khách hàng và phát triển các giải pháp ứng phó khi việc tăng giá không khả thi.

Brian Ehrig, đối tác trong lĩnh vực tiêu dùng của Công ty tư vấn Kearney, cho biết một số thương hiệu đang giảm chi phí bằng cách sử dụng da thuộc chất lượng thấp hơn, bông vải (cotton) nhẹ hơn hoặc phụ kiện đính quần áo rẻ hơn.

Một số thương hiệu chuyển sang sử dụng các kỹ thuật sản xuất có chi chi thấp hơn. Nhưng các thương hiệu cao cấp đi theo xu hướng ngược lại: tăng thêm chất lượng cho sản phẩm với hy vọng người tiêu dùng sẽ chấp nhận mức giá bán cao hơn.

Theo Wall Street Journal

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới