Thứ tư, 22/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

“Dã tràng” cũng nên chuyện

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

“Dã tràng” cũng nên chuyện

Nguyên Tấn

Ông Bùi Tường Vũ. Ảnh: Nguyên Tấn

(TBKTSG) - Đang làm phóng viên của một tờ báo lớn, Bùi Tường Vũ bất ngờ chuyển sang kinh doanh. Nghề mới, lĩnh vực kinh doanh cũng mới: dịch vụ cung cấp văn bản pháp luật…

Lấy ngắn nuôi dài

Đó là thời điểm cuối năm 2003. Bùi Tường Vũ bấy giờ đã là một phóng viên có kinh nghiệm. Lúc đầu anh công tác ở báo Pháp Luật trung ương, sau đó về đầu quân cho Pháp Luật TPHCM. “Trong quá trình làm báo, tôi nhận thấy hệ thống văn bản pháp luật của mình quá rối rắm. Muốn tìm một văn bản, dù chỉ một điều luật, quả thật như chui vô rừng rậm. Một lần lang thang trên mạng Internet, tôi chợt nghĩ “tại sao có báo mạng mà lại không có văn bản mạng?”.

Ý tưởng cung cấp dịch vụ tìm kiếm văn bản pháp luật trực tuyến của Vũ được Vũ Văn Quý, một người bạn “rất rành về công nghệ thông tin”, hết sức ủng hộ. Và cả hai đã rủ thêm một người bạn nữa cùng thành lập Công ty Luật LawSoft.

Vốn đầu tư ban đầu hầu như không đáng kể, cái chính là nhiệt huyết của tuổi trẻ và sự kết hợp ăn ý của cả hai. Quý phụ trách về kỹ thuật, còn Vũ phụ trách chung, vừa là tổng giám đốc điều hành, vừa kiêm chủ tịch hội đồng quản trị. Vũ kể: điều thú vị là lúc lên gặp sếp để xin nghỉ việc, anh được ông Nam Đồng, Tổng biên tập Pháp Luật TPHCM hồi đó, động viên: “Nghỉ làm báo để chuyển sang kinh doanh một ngành dịch vụ có ý nghĩa xã hội như thế thì lãnh đạo rất sẵn lòng”.

Ý tưởng nghe thì hay, tuy nhiên, bắt tay vào làm lại gặp những trở ngại tưởng như không thể vượt qua. Đó là việc tìm dữ liệu để số hóa các văn bản pháp luật. Vũ cho biết chỉ có cách này mới giúp cho người sử dụng khai thác dễ dàng các văn bản pháp luật. Nếu vẫn để văn bản này dưới hình thức như hiện nay phải cần tới 2 triệu tờ giấy mới có thể in hết lượng văn bản trong hệ thống. Thế nhưng, làm cách nào thu thập được tất cả văn bản pháp luật trong khi không có bất kỳ một đầu mối nào lưu giữ đầy đủ?

Trên thị trường hồi đó cũng có một vài đơn vị cung cấp văn bản pháp luật, kể cả dưới dạng đĩa dữ liệu, nhưng lượng văn bản rất hạn chế, hơn nữa nếu có nguồn văn bản chính thống thì độ tin cậy vẫn cao hơn. Vũ và anh em trong công ty đành phải làm một công việc tưởng như “dã tràng” là gõ cửa các cơ quan, người quen xin cóp nhặt từng văn bản để tạo nguồn dữ liệu. Thư viện báo Pháp Luật TPHCM, Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM, Công an quận Tân Bình, Thư viện Khoa học Tổng hợp… hay các luật sư có kho lưu trữ tài liệu đều vui vẻ giúp đỡ khi nhóm tìm đến.

Trở ngại ban đầu được giải quyết nhưng khó khăn mới lại nảy sinh. Cóp nhặt văn bản giống như chuyện mò kim đáy bể. Đây là một công việc lâu dài, vậy lấy gì để duy trì bộ máy nhân sự 12-13 nhân viên? Sách lược “lấy ngắn nuôi dài” được vạch ra và áp dụng triệt để. Công ty nhận thiết kế trang web, bán phần mềm… để có tiền trang trải. “Chúng tôi còn thiết kế cả phần mềm quản trị nghiệp vụ tòa soạn cho các cơ quan báo chí. Tôi nhớ phần mềm đầu tiên bán cho báo Sài Gòn Tiếp Thị, được mấy trăm triệu đồng…”, Vũ kể.

Cuối cùng LawSoft cũng hoàn thành phiên bản “Thư viện pháp luật” đầu tay sau hai năm trời miệt mài làm công việc “dã tràng se cát”. Với kho dữ liệu gần 40.000 văn bản pháp luật Việt Nam có từ trước năm 1945 đến nay, có lẽ đây là sản phẩm tại Việt Nam có số lượng văn bản số hóa lớn đến vậy.

Vừa trình làng vào tháng 7-2005, đến tháng 9 năm đó, sản phẩm của LawSoft đã giật giải “Cúp vàng SoftMark” lần thứ V, một hội chợ chuyên về phần mềm và giải pháp công nghệ thông tin do Sở Khoa học Công nghệ TPHCM tổ chức. Chính Vũ cũng không ngờ về thành công này. Tuy nhiên, điều khiến anh vui hơn cả là được chứng kiến sản phẩm của mình thực sự hữu ích cho mọi người, từ luật sư, thẩm phán, kiểm sát viên, công an đến cả những người dân bình thường.

“Có hôm, 2 giờ sáng vẫn có người gọi điện thoại dựng dậy: “Anh ơi, còn thức không, giúp em chút được không?”, tiếng nói của một cô gái vang lên. Chất giọng ngọt ngào trong điện thoại khiến tôi đang ngủ cũng… bật dậy. Nghe tôi trả lời, cô gái mừng rỡ kêu lên: “Mẹ ơi, anh ấy còn thức nè”. Hóa ra, một bà cụ muốn nhờ tôi chỉ cách sử dụng phần mềm văn bản mà bà vừa mua của công ty để xem cán bộ phường trả lời về một vụ tranh chấp đất đai có đúng hay không”, Vũ kể.

Không ngừng sáng tạo

Nhưng Vũ và các cộng sự vẫn chưa bằng lòng với sản phẩm của mình. Anh băn khoăn: giữa văn bản này với văn bản kia có mối quan hệ ra sao, tình trạng hiệu lực pháp lý đến đâu, chúng có còn hiệu lực áp dụng nữa hay không? Rõ ràng, phiên bản “Thư viện pháp luật” đầu tay vẫn chỉ là một kho dữ liệu văn bản rời rạc, chưa đáp ứng được những yêu cầu trên. Trăn trở của những người đam mê với khát khao hoàn thiện sản phẩm đã giúp LawSoft làm cuộc “cách mạng” thứ hai là xây dựng phiên bản “Thư viện pháp luật 2007”. Vũ gọi đây là một “kỳ công”, còn hơn cả lần tạo ra sản phẩm đầu tay.

“Với phiên bản cũ, chúng tôi chỉ cần nhập liệu, số hóa văn bản là xong. Còn lần này, phải huy động nguồn lực rất lớn để phân tích văn bản. Có văn bản khi ban hành ghi rõ tên những văn bản hết hiệu lực nhưng cũng có văn bản chỉ nói chung chung là “những văn bản ban hành trước đây trái với văn bản này thì bãi bỏ” hoặc thậm chí không ghi gì cả. Để làm rõ tình trạng hiệu lực của hàng chục ngàn văn bản là cả một vấn đề cực kỳ nan giải”, Vũ giải thích.

Vũ phải thành lập hội đồng phân tích, xử lý, mời các chuyên gia có kinh nghiệm về pháp luật tổ chức bàn tròn để họ tư vấn cách làm. Mọi việc dần dần thông suốt. Để chạy đua với thời gian, anh cho tuyển thêm người. Bộ phận nhân sự của LawSoft có lúc lên tới 60 người “làm ngày làm đêm”. Mất thêm hai năm vật lộn với khối lượng công việc lớn và khá phức tạp, năm 2007, phiên bản “Thư viện pháp luật” lần hai ra đời, được bổ sung thêm nhiều tính năng mới.

Mới đây, năm 2009, LawSoft lại tiếp tục cho ra đời phiên bản thế hệ ba. Phiên bản mới này chứa một kho dữ liệu lên tới 80.000 văn bản pháp luật, cho phép khách hàng không chỉ khai thác thoải mái mà còn dễ dàng nhận biết tình trạng và mối quan hệ của từng văn bản để áp dụng, xử lý.

Trong hoàn cảnh Nhà nước chưa đủ nguồn lực để đáp ứng việc cung cấp văn bản pháp luật thì đây quả là một thành tích có ý nghĩa về mặt xã hội. “Sản phẩm của chúng tôi giúp tiết giảm đáng kể chi phí. Tiền mua một bộ Công báo như năm 2008 tốn 3,5 triệu đồng, chưa kể chi phí mặt bằng lưu trữ, thời gian tìm kiếm. Trong khi khai thác kho dữ liệu của chúng tôi chỉ mất khoảng 500.000 đồng/năm với vài cú nhấp chuột là thấy”, Vũ phân tích.

Nhờ “gãi” đúng nhu cầu thị trường, đến nay LawSoft đã thu hút được 163.000 khách hàng thông qua việc mua sử dụng phần mềm “Thư viện pháp luật” hoặc khai thác trên trang web www.thuvienphapluat.vn của công ty. Trong số đó, khách cơ quan chiếm 40% (trong đó có 60% văn phòng luật sư, 57% tòa án cấp huyện); lượng khách hàng doanh nghiệp và cá nhân, mỗi loại chiếm 30%.

Một người bạn của Vũ kể: cách đây khoảng bảy, tám năm, trong bữa tiệc, Vũ đã tuyên bố: “Đến năm 40 tuổi, tôi sẽ trở thành tỉ phú”. Hỏi lại chuyện xưa, anh cười lý sự: “Năm nay tôi 36 tuổi, còn bốn năm nữa kia mà!”. Rất khó dự đoán được, chỉ biết rằng Vũ đang có những kế hoạch kinh doanh khá “hoành tráng” cho bước đi tiếp theo của LawSoft.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới