Thứ Ba, 16/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Đại biểu kiến nghị thêm chính sách hỗ trợ để thu hút nhà đầu tư

Trúc Đào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Dự báo việc áp thuế tối thiểu toàn cầu sẽ có khả năng làm giảm sức hấp dẫn của môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam, các đại biểu Quốc hội trong phiên họp ngày 20-11 đề xuất việc  ban hành thêm nghị quyết về các chính sách ưu đãi, hỗ trợ để vừa thúc đẩy được dòng vốn đầu tư vừa đảm bảo cam kết quốc tế.

Các đại biểu nêu ra những kiến nghị tại phiên họp ngày 20-11. Ảnh: TTXVN

TTXVN đưa tin, tiếp tục kỳ họp thứ 6, chiều 20-11, các đại biểu thảo luận dự thảo nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Vũ Tiến Lộc từ Hà Nội lý giải, dự báo việc ban hành nghị quyết này sẽ có khả năng làm giảm sức hấp dẫn của môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam, đặc biệt là với các nhà đầu tư chiến lược trong bối cảnh cạnh tranh rất gay gắt trong thu hút đầu tư nước ngoài hiện nay.

Do vậy, cùng với việc ban hành nghị quyết về thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, Quốc hội cũng cần ban hành thêm nghị quyết về các chính sách ưu đãi, hỗ trợ để đảm bảo duy trì môi trường đầu tư hấp dẫn. Điều này vừa thúc đẩy được dòng vốn đầu tư chất lượng cao vào nền kinh tế nước ta vừa không vi phạm các cam kết quốc tế. Các lĩnh vực, dự án được ưu tiên, thu hút gồm lĩnh vực công nghệ cao thân thiện với môi trường, hoạt động nghiên cứu phát triển, năng lượng tái tạo…

Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Nguyễn Quang Huân từ Bình Dương cho rằng, Chính phủ sớm có đánh giá toàn diện tác động, trong đó nghiên cứu đề xuất các chính sách hỗ trợ, nhấn mạnh chính sách với công nghiệp hỗ trợ, bởi ngành này đang giữ chân các doanh nghiệp FDI tốt nhất và trong bối cảnh Việt Nam cũng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Thuế tối thiểu toàn cầu không phải điều ước quốc tế, không phải cam kết quốc tế, không bắt buộc các quốc gia phải áp dụng. Tuy nhiên, nếu Việt Nam không áp dụng thì vẫn phải chấp nhận việc các quốc gia khác áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, có quyền thu thuế bổ sung đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam mà đang được hưởng mức thuế suất thực tế thấp hơn mức thuế tối thiểu toàn cầu là 15%, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Thuế tối thiểu toàn cầu có bản chất là thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung và các nước cần quy định trong hệ thống pháp luật của mình cho phù hợp.

Cũng theo bản tin trên, đại biểu Trần Hoàng Ngân từ TPHCM cho rằng, việc áp dụng mức thuế tối thiểu toàn cầu sẽ giúp đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam; thu được một khoản thuế bổ sung từ thuế tối thiểu toàn cầu; đảm bảo tính công bằng giữa các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; thể hiện sự tiến bộ trong hệ thống quản lý thuế, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam tiệm cận với xu thế chung của thế giới; đồng thời, giữ nguyên được các chính sách ưu đãi đối với các trường hợp không thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới