Đại biểu QH: “Chúng tôi phải chờ lâu quá”
Tư Hoàng
![]() |
Nhiều bức xúc về dân sinh, kinh tế được các đại biểu phản ánh. Ảnh TH |
(TBKTSG Online) - “Chúng tôi đã phải chờ lâu quá! Con đường dài nhất ở Việt Nam không phải là từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau mà là từ “lời nói” tới “việc làm” của nhiều cấp chính quyền và công chức”.
Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc đã phải thốt lên như vậy tại buổi thảo luận tại hội trường của Quốc hội về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2015; kết quả thực hiện 5 năm 2011-2015 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020.
Ông Lộc trích báo cáo về tình hình lao động và việc làm của Tổng cục Thống kê cho biết gần 48% trong tổng số 1,12 triệu người thất nghiệp trong độ tuổi từ 15 – 24 tuổi. Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp trong toàn quốc là 6,47%, cao gấp 5 lần tỷ lệ thất nghiệp của những người từ 25 tuổi trở lên, và 17,47 triệu lao động đang làm việc ở khu vực phi chính thức với thu nhập thấp và không ổn định chiếm tỷ lệ 56,4%; và mỗi năm, có hơn 1,2 triệu người bước vào tuổi lao động cộng với cả chục triệu người sẽ không còn kế sinh nhai trong khu vực nông nghiệp sẽ trở thành áp lực ngày càng lớn đối với đất nước.
Ông Lộc kêu gọi phải phát triển khu vực doanh nghiệp tư nhân: “Cỗ máy tạo việc làm lớn nhất chính là khu vực kinh tế tư nhân trong nước”.
Ông đề nghị cần một chương trình quốc gia về phát triển doanh nghiệp với mục tiêu có được ít nhất 1,5 đến 2 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả vào năm 2020. Nếu tính bình quân 1 doanh nghiệp có thể tạo ra 20 chỗ làm việc cho nền kinh tế, thì với 1,5 – 2 triệu doanh nghiệp, chúng ta có thể tạo ra 30 – 40 triệu việc làm bền vững ở Việt Nam.
“Vì vậy, tôi đề nghị, kế hoạch 5 năm (2016-2020) nên là kế hoạch 5 năm khởi nghiệp quốc gia, 5 năm cả nước tập trung sức phát triển doanh nghiệp”, ông nói.
Tuy nhiên, ông than phiền nhiều bộ trưởng và người đứng đầu địa phương đã không triển khai nghiêm túc chương trình hành động thực hiện cải cách thể chế theo nghị quyết của Chính phủ.
Chẳng hạn, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan được phân công theo dõi, đôn đốc tình hình thực hiện Nghị quyết 19, có đến 18 bộ ngành và 50 tỉnh, thành phố đã không gửi báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết này trong quý 1 theo đúng quy định.
“Sức nóng và sự thôi thúc của công cuộc cải cách đối với nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước đã chưa ra khỏi phòng họp Chính phủ và khuôn viên của văn phòng Chính phủ”, ông nói.
Góc nhìn này nhận được sự đồng cảm của đại biểu Lê Như Tiến, Phó chủ nghiệm Ủy ban Văn hóa gia đình. Theo ông Tiến, chủ trương chính sách tốt đẹp bị khâu thực hiện làm băng hoại.
Nhiều nơi đã làm khó nhà đầu tư bằng cách cắt điện, cắt nước, dựng rào cản, chặn cổng. Một số người thi hành công vụ đã vòi vĩnh, nhũng nhiễu trắng trợn đòi tiền lót tay, tiền bôi trơn làm cho doanh nghiệp khốn đốn, doanh nhân nản lòng.
“Thế là mời gọi nhà đầu tư nhưng trên trải thảm, dưới rải đinh”, ông Tiến nói.
Ông Tiến nhận xét, một khi cơ chế xin-cho còn đất sống thì người dân và doanh nghiệp còn bị nhũng nhiễu.
“Tham nhũng lớn, tham nhũng vặt đến mức người đứng đầu Đảng phải đặt ra câu hỏi: “cái gì cũng chạy, chạy chức, chạy quyền, chạy cả luân chuyển, vậy ai chạy, chạy ai?”
Trong khi đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đầy suy tư khi khẳng định thực tế hiện nay có không ít trí thức giỏi không về nước làm việc, doanh nhân thành đạt muốn ra đi, một bộ phận cán bộ công chức về hưu hay đương chức cũng tìm cách cho con, cháu mình được ra nước ngoài.
Ông Nghĩa nói khuôn khổ pháp lý không an toàn, các quyền tự do dân chủ không đảm bảo đầy đủ, đất nước có nguy cơ lệ thuộc.
“Điều này ai cũng thấy và cũng biết. Phải đảm bảo cho người dân chưa giàu cũng phải thấy được tự do dân chủ, an toàn, an ninh, công bằng, công lý; được xã hội quan tâm, sống với nhau có tình nghĩa, văn hóa, đạo đức tốt đẹp, làm cho người dân thấy tự hào về người Việt Nam, nước Việt Nam cho dù chúng ta còn nghèo và chưa phát triển”, ông Nghĩa nói.
Để phát triển kinh tế, ông đề nghị doanh nghiệp nội địa không vì lợi ích thiển cận, ích kỷ mà dìm nhau, phá nhau trên thị trường, thậm chí đầu độc nhau bằng thực phẩm chế biến độc hại. Cần chấm dứt các dự án gây ô nhiễm, tàn phá thiên nhiên, qua đó hủy hoại môi trường sống của mình và con cháu mình.
“Cán bộ công chức phải giảm bớt lãng phí, thề không tham nhũng khi nhậm chức và trước mắt cố gắng giảm bớt tham nhũng”, ông nói.