Thứ ba, 14/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Đại biểu Quốc hội bàn về giá đặt cọc bất động sản

Trúc Đào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Liên quan đến giải pháp ngăn chặn bỏ cọc đấu giá bất động sản, một số đại biểu đưa ra kiến nghị tại kỳ họp thứ 8 như cần tăng giá tiền đặt cọc theo từng vòng, theo lũy tiến để buộc người đấu giá phải cân nhắc khi bỏ cọc; cần tăng điều kiện của những người tham gia đấu giá.

Tình trạng đầu cơ thổi giá, đẩy giá là nguyên nhân chính dẫn đến giá nhà đất tăng cao như thời gian qua. Ảnh minh họa: Hùng Lê

Sáng 28-10, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội nghe thảo luận về “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”.

Theo thông tin từ chinhphu.vn, liên quan đến việc đặt cọc đấu giá bất động sản, đại biểu Dương Văn Phước, đến từ đoàn đại biểu tỉnh Quảng Nam đưa ra giải pháp là cần tăng giá tiền đặt cọc theo từng vòng, theo lũy tiến để buộc người đấu giá phải cân nhắc khi bỏ cọc. Điều này giúp khắc phục tình trạng bỏ cọc, trục lợi đối với thị trường bất động sản. Bên cạnh đó là có chế tài nhiều hơn để cấm các doanh nghiệp tiếp tục đấu giá trên một số lĩnh vực như vật liệu xây dựng, từ đó, giúp hạn chế được các trường hợp bỏ cọc.

Tranh luận tại đây, đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn đại biểu Hà Nội cho rằng, hiện nay phí đặt cọc đang được quy định từ 5-20%. Do đó, ông kiến nghị, không nên tăng phí đặt cọc mà cần tăng điều kiện của những người tham gia đấu giá. Người mua có thể minh chứng tài sản thông qua việc sao kê tài khoản ngân hàng hoặc thông qua các bất động sản như sổ đỏ. Nếu người mua bỏ cọc thì sẽ bị xử lý bằng tài sản tương đương giá trị đấu giá.

Theo đại biểu, quy định này phải làm trước khi minh chứng được hồ sơ và hoàn toàn có đủ điều kiện và có đủ thời gian để người tham gia đấu giá chuẩn bị cũng như cơ quan quản lý đấu giá có thể kiểm soát.

Cũng tại hội trường, nhiều đại biểu cũng nêu lên hiện tượng thổi giá, tạo sóng, gây nhiễu loạn thông tin thị trường; giá bất động sản tại một số thành phố lớn tăng cao trong thời gian qua.

TTXVN đưa tin, bà Nguyễn Thị Thủy, đại biểu đến từ đoàn Bắc Kạn nêu thực trạng giá nhà đất tại một số thành phố lớn tăng rất cao thời gian qua khiến cho thị trường bất động sản vừa mới phục hồi thì lại xuất hiện những dấu hiệu bất ổn. Đại biểu cho rằng, tình trạng đầu cơ thổi giá, đẩy giá là nguyên nhân chính dẫn đến giá nhà đất tăng cao như thời gian qua. Do đó, Chính phủ cần tiếp tục có những chính sách ưu đãi để khuyến khích các doanh nghiệp phát triển phân khúc nhà ở thương mại phù hợp với túi tiền của phần đông người lao động.

Một số đại biểu đưa ra đề xuất như yêu cầu doanh nghiệp kê khai giá bán lần đầu trên thị trường thứ cấp;  xây dựng cơ chế quản lý sàn giao dịch bất động sản tại một số thành phố lớn, nhằm quản lý minh bạch hoạt động của thị trường…

Trước đó, báo cáo kết quả giám sát chuyên đề trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, thị trường bất động sản và nhà ở xã hội còn nhiều tồn tại, mất cân đối cung - cầu. Giá bất động sản còn cao so với thu nhập của đa số người dân. Nhiều khu đô thị bỏ hoang; quản lý chung cư mini còn nhiều bất cập. Các loại hình bất động sản mới gặp nhiều vướng mắc pháp lý.

Theo đó, Đoàn Giám sát kiến nghị giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cơ quan, tổ chức có liên quan tiếp tục rà soát những hạn chế của chính sách trong quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội để gỡ vướng kịp thời. Mục tiêu hướng tới là phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững, đa dạng hóa sản phẩm cho thị trường này…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới