(KTSG Online) – Một số đại biểu Quốc hội đã có đề nghị là không xây nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp, thay vào đó, chính quyền địa phương bố trí quỹ đất xây nhà công nhân nhằm phù hợp với quy định hiện hành.
- Còn nhiều tồn tại, hạn chế trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi
- Đã có 100 dự án thuộc diện vay gói tín dụng nhà ở xã hội 120.000 tỉ đồng
- Doanh nghiệp cần hỗ trợ để xây nhà lưu trú cho công nhân
Theo baochinhphu.vn, ngày 31-7, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã làm việc với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan về tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi (dự thảo luật). Trong nhiều ý kiến tham gia có ý kiến về việc không xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp.
Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội bày tỏ quan điểm về quy định trách nhiệm của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại trong phát triển nhà ở xã hội cần thực hiện linh hoạt đối với từng dự án như dành quỹ đất ngay trong dự án, có khu đất riêng, hoặc đóng góp bằng tiền. Thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội thống nhất quy định trách nhiệm của chính quyền địa phương bố trí quỹ đất xây nhà ở xã hội trên địa bàn.
Đồng tình với ý kiến của Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, đại diện Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng đề nghị xem xét lại quy định xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp do mâu thuẫn với các luật về quy hoạch, đất đai, đầu tư, môi trường…
Về chính sách nhà ở xã hội, theo các đại biểu, dự thảo luật cần bổ sung đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội là công nhân, người lao động làm việc tại các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp, chỉnh lý, làm rõ điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, hình thức phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang, ưu đãi chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, xác định giá bán, giá thuê mua, giá thuê nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang được đầu tư xây dựng không phải bằng nguồn vốn đầu tư công, quy hoạch, bố trí quỹ đất phát triển nhà lưu trú công nhân, nhà ở cho lực lượng vũ trang…
Theo Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, mỗi người dân đều quyền có nhà ở, vì vậy, Luật Nhà ở cần tạo điều kiện thuận lợi để các cá nhân, hộ gia đình sẽ có nhà ở tuỳ theo mức độ thu nhập, khả năng chi trả khác nhau, nhất là làm rõ thêm chính sách phát triển nhà ở xã hội. Do đó, cần tính toán kỹ chính sách nhà ở cho các đối tượng khác nhau như người có thu nhập thấp ở đô thị và nông thôn, người thuộc diện tái định cư, lực lượng vũ trang, người lao động, sinh viên… nhằm xây dựng tiêu chí phù hợp, cụ thể và bình đẳng.