(KTSG Online) – Ngày 21-6, thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đã nêu nhiều tồn tại, hạn chế trong thực hiện các quy định của pháp luật đất đai hiện hành liên quan đến thu hồi, giải phóng mặt bằng, công tác tái định cư, phương pháp tính giá, đồng thời góp ý, đề xuất giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế này.
- Đề nghị hạn chế áp dụng giao dịch điện tử với lĩnh vực đất đai, thừa kế
- Doanh nghiệp mất 32,2 giờ để thực hiện một thủ tục đất đai
- Nghiên cứu, chỉnh sửa nhiều nội dung mâu thuẫn liên quan đến luật đất đai
Theo Quochoi.vn, các đại biểu Quốc hội đánh giá, sứ mệnh của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là tìm cách khắc phục tối đa các tồn tại, hạn chế trong thực hiện các quy định của pháp luật đất đai hiện hành liên quan thu hồi, giải phóng mặt bằng.
Một trong những hạn chế của dự thảo luật lần này là mới chỉ quy định rõ được mục tiêu, mục đích, xác định những trường hợp nào vì mục đích quốc gia, công cộng, còn làm rõ các tiêu chí cụ thể, thế nào là thật cần thiết, vẫn chưa được đề cập. Điều này dẫn đến nhiều trường hợp, dự án vì mục đích phát triển kinh tế – xã hội, vì mục tiêu, lợi ích quốc gia, công cộng vẫn còn cách hiểu khác nhau, địa phương này phải thỏa thuận, địa phương khác lại thu hồi, khiến người dân so sánh và khiếu kiện, khiếu nại.
Liên quan đến nội dung giải phóng mặt bằng, tái định cư trong dự thảo luật, TTXVN đưa tin, các đại biểu Quốc hội cho rằng quy định phải giảm thiểu bất lợi cho người dân vẫn chưa rõ ràng, người dân không chỉ cần nơi ở, căn nhà mà còn quan tâm các vấn đề dân sinh, hạ tầng giao thông.
Tại các khu vực nông thôn mới, khi đất được quy hoạch thành đất ở, đa số người dân chỉ chuyển đổi mục đích sử dụng một phần đất lên đất ở trong hạn mức, phần diện tích còn lại sẽ giữ nguyên mục đích là đất vườn, trồng cây lâu năm. Như vậy thửa đất chưa chuyển mục đích sẽ không được thỏa thuận, trong khi thửa đất này có vị trí tương đồng, có quy hoạch tương tự thửa đất liền kề đã được chuyển mục đích sử dụng đất lên đất ở.
Dự thảo luật sửa đổi cần chú trọng bảo đảm lợi ích thật tốt của người dân đã nhường đất cho các dự án; cần tái định cư tại chỗ hoặc gần nơi ở cũ, vì họ quen môi trường sống và đảm bảo sinh kế cho họ.
Cũng theo TTXVN, việc yêu cầu phải hoàn thành bố trí tái định cư trước khi thu hồi dẫn đến tình trạng một số đối tượng lợi dụng quy định, không đồng ý với các phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được phê duyệt, gây trì hoãn, khó khăn trong công tác thu hồi đất, làm chậm tiến độ ảnh hưởng đến dự án phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là những công trình trọng điểm quốc gia.
Vì thế, các đại biểu đề nghị nên quy định riêng đối với trường hợp đất khác không phải là đất ở, miễn là phù hợp với các loại quy hoạch, đủ điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất và các điều kiện khác để thực hiện dự án, thì quy định cho phép thực hiện việc thỏa thuận, như vậy sẽ tháo gỡ được những vướng mắc, bất cập.
Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu có cơ chế, biện pháp can thiệp của nhà nước để giải quyết tình trạng chây ỳ giao đất, không nhận bồi thường hoặc “thổi giá” để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của số đông người có quyền sử dụng đất và nhà đầu tư. Đồng thời ngăn chặn một bộ phận nhỏ lợi dụng chính sách, làm ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Liên quan đến nguyên tắc, phương pháp xác định giá, theo Quochoi.vn, thảo luận ở hội trường, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các phương pháp xác định giá đất theo giá thị trường, bởi cơ sở để xác định giá đất tiệm cận với giá thị trường vẫn mơ hồ, xác định thế nào để không bị thất thoát là rất khó.
Mặt khác, cơ sở để xác định giá đất phải hài hòa được lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và người dân cũng chưa rõ ràng, cụ thể, trong khi, nếu theo phương án an toàn, tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư sẽ quá lớn, khó thu hút nhà đầu tư để thực hiện các dự án góp phần phát triển kinh tế – xã hội.
Do đó muốn xác định giá đất tiệm cận giá thị trường, giải pháp xây dựng cơ sở dữ liệu thị trường tin cậy, hệ thống thu thập cơ sở dữ liệu thông tin về giá đất thị trường đồng bộ trên cơ sở các quy định của pháp luật cụ thể, là rất cần thiết.