Thứ bảy, 26/04/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Đại biểu Quốc hội yêu cầu không thu phí điều tiết điện lực

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đại biểu Quốc hội yêu cầu không thu phí điều tiết điện lực

Ngoc Lan

Đại biểu Quốc hội yêu cầu không thu phí điều tiết điện lực
Quốc hội không đồng tình việc thu phí điều tiết điện lực- một loại phí đang được Chính phủ trình ra. Ảnh:TL

(TBKTSG Online)- Luật Điện lực (sửa đổi) chưa được thông qua tại kỳ họp Quốc hội lần này vì còn đang lấy ý kiến tại nghị trường. Tuy nhiên, ngay khi thảo luận để sửa luật vào ngày 20-6, hầu hết đại biểu đồng tình đề nghị không thể đưa phí điều tiết điện lực vào luật vì không có căn cứ để phát sinh loại phí này.

Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đã chính thức đưa vào một loại phí mới là phí điều tiết điện lực và cho rằng khoản phí này là cần thiết để bù đắp cho cơ quan điều tiết điện lực thực hiện các dịch vụ điều tiết hoạt động điện lực (ngoài các chức năng quản lý nhà nước được giao)

Cách đây 2 tháng, khi họp với Ủy ban thường vụ Quốc hội, việc trình loại phí này đã bị Thường vụ Quốc hội yêu cầu xem xét loại. Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng có hứa tại phiên họp đó sẽ xem lại loại phí bất hợp lý này. Song đến kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, loại phí dự kiến vẫn giữ nguyên trong luật. Do vậy, phí điều tiết vấp phải sự phản đối của nhiều đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP.HCM) băn khoăn: “Nếu làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về điện lực, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) không được thu loại phí này vì về nguyên tắc chi phí thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước phải được ngân sách nhà nước đảm bảo. Phí chỉ được thu khi Cục Điều tiết điện lực trở thành một đơn vị hoạt động độc lập tham gia thị trường điện lực và thực hiện các dịch vụ điều tiết hoạt động điện lực”.

Bà Trang e ngại, nếu luật cho phép cơ quan này thu phí điều tiết điện lực sẽ là không công bằng với các cục, tổng cục khác thuộc Bộ Công Thương cũng tham gia quản lý nhà nước về điện lực và các cơ quan quản lý nhà nước các ngành khác cũng làm những việc tương tự. Theo bà Trang, bỏ phí điều tiết điện lực để không tạo ra bất bình đẳng kể trên, đồng thời không làm tăng chi phí sản xuất điện.

Đồng tình với quan điểm này, các đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Lạng Sơn), Nguyễn Thanh Hải (đoàn Hòa Bình), Tôn Thị Ngọc Hạnh (đoàn Đắk Nông) đều cho rằng cần làm rõ hoạt động của cơ quan quản lý điều tiết điện lực có đặc thù khác với cơ quan quản lý nhà nước khác không. Nếu chỉ nói chung chung sẽ dẫn đến tình trạng các ngành khác cũng đòi hỏi chi phí điều tiết đối với ngành mình .

Đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh nói, đã là cơ quan quản lý nhà nước thì không nên có bất kỳ loại phí nào bởi sẽ gây bất bình đẳng với các cơ quan khác không có phí. Bà Hạnh đề nghị bỏ phí này và phí điều hành giao dịch thị trường điện lực với lý do nhiều phí, nhiều giá dễ làm tăng giá bán điện.

Thảo luận về chính sách giá điện, nhiều đại biểu nhận định sự độc quyền của ngành điện đang tạo ra những bất công mà ở đó khách hàng luôn là người chịu thiệt. Đại biểu Trần Tiến Dũng (đoàn Hà Tĩnh) bức xúc: “ Nhìn vào hợp đồng cung cấp điện sẽ thấy ngay: một bên muốn làm gì thì làm, còn một bên thì nói bao nhiêu trả bấy nhiêu”. Đại biểu Dũng đề nghị làm rõ trách nhiệm bên bán, bên mua, cung cấp nguồn điện ổn định, điều kiện ngừng cung cấp điện... “Cần xúc tiến để tiến tới phải chịu trách nhiệm về vật chất của bên bán điện khi không đảm bảo nguồn cung cấp ổn định mà gây thiệt hại cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đời sống của nhân dân. Làm thế nào để trong hợp đồng bên mua bên bán phải bình đẳng kể cả về quyền và nghĩa vụ”, ông Dũng góp ý.

Ngoài ra, theo đại biểu Trần Tiến Dũng, phải sửa đổi, bổ sung những quy định để phù hợp với từng bước hạn chế độc quyền trong sản xuất, kinh doanh điện, đảm bảo trong thời gian gần nhất có thể xóa bỏ được cơ chế độc quyền hoàn toàn và tạo được thị trường tự do.

Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) phản ánh một thực tế là từ trước đến nay giá điện chỉ biết tăng chứ không bao giờ giảm.  Bà cho rằng điện là loại hàng hóa đặc biệt, tác động rộng lớn tới đời sống và nền kinh tế, nhưng hiện nay chưa hình thành được một thị trường phát điện điện cạnh tranh, lành mạnh, minh bạch. Vì vậy, theo bà An, ưu tiên hàng đầu là phải đề ra được những giải pháp chống độc quyền. “Nếu còn độc quyền sẽ không bao giờ có sự bình đẳng giữa người mua và người bán và cũng không bao giờ có chuyện giá có thể giảm hoặc tăng” .

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) gợi ý, để giá điện thực sự minh bạch và dễ quản lý, giám sát thì giá điện cần phải tách bạch chi tiết giữa các khâu: thị trường điện phải tách độc lập, không chung lợi ích với đơn vị phát điện, đơn vị phân phối, bên bán điện để các nhà máy điện được đối xử bình đẳng trong việc đấu nối vào lưới điện truyền tải.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành cho biết, do đặc thù của ngành điện, khâu truyền tải, phân phối không thể có nhiều nhà đầu tư nên mặc nhiên đó là độc quyền tự nhiên của ngành điện. Nhưng ngay cả ở khâu phát điện – khâu có nhiều khả năng tham gia của các thành phần kinh tế, thì tính cạnh tranh cũng chỉ thể hiện ở trên thị trường giao ngay (mới chiếm khoảng 10%) và trên thị trường mua, bán giá điện dài hạn. Nhưng với việc chiếm 90% sản lượng điện phát thì Tập đoàn điện lực (EVN) vẫn độc quyền mua, các nhà máy thường gặp rất nhiều bất lợi trong trong quá trình đàm phán giá điện với EVN.

Do đó, để đảm bảo quyền lợi cho các nhà máy, ông Thành kiến nghị cần có những quy định về kiểm soát giá mua điện đối với EVN.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới