Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đại dịch, giãn cách và doanh nghiệp nhỏ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đại dịch, giãn cách và doanh nghiệp nhỏ

Lê Học Lãnh Vân

(KTSG) -1. Đêm 14-7 rạng ngày 15-7, thời điểm các cơ sở sản xuất tại TPHCM bắt đầu thực hiện lệnh “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ), cả ban giám đốc và công nhân viên một công ty tại một khu công nghiệp trong thành phố gần như thức trắng. Các cấp điều hành thì lo sắp xếp nơi ăn ngủ cho cả ngàn con người trong tâm thế không biết tình trạng này sẽ phải kéo dài tới bao giờ.

May mà công ty còn một khu đất tráng xi măng rộng rãi có thể sắp xếp lều bạt. Công nhân thì lo lắng không biết cuộc sống của mình sẽ ra sao trong những ngày tới: mình ở lại xí nghiệp thì vợ con ở nhà sẽ ra sao? Một mình bà xã liệu có chăm sóc nổi mấy đứa nhỏ trong cái thời buổi mua thức ăn cũng là chuyện khó? Người nghèo đói bắt đầu xuất hiện khắp nơi thì liệu tình hình trộm cướp có gia tăng, gia đình mình liệu có an toàn?…

Đại dịch, giãn cách và doanh nghiệp nhỏ
Người dân ngồi chờ xét nghiệm Covid-19 tại một cơ sở y tế ở TPHCM. Ảnh: N.K

Trước đó hàng giờ, nhiều người lao động trong công ty đã phải đứng trước một quyết định khó khăn: nếu xin nghỉ không lương thì lấy gì trang trải tiền trọ, tiền chợ và nhiều thứ tiền khác? Còn trụ lại sản xuất thì lòng dạ rối bời. Rốt cuộc cũng có tới 228 người xin tạm nghỉ. Ban giám đốc công ty đã phải kích hoạt chương trình khẩn cấp, nhưng khổ nỗi chương trình cũng không bao quát hết. Vì dù là “chương trình khẩn cấp” thì cũng chỉ dự trù thiếu đột ngột một số vị trí chứ đâu phải vị trí nào cũng có người dự trữ để sẵn sàng thay thế, và chương trình cũng không dự liệu tình huống thiếu tới gần một phần tư nhân sự!

2. Ngó qua một công ty quy mô nhỏ hơn, chỉ khoảng mươi, mười mấy người. Họ chuyên cung ứng các loại hóa chất căn bản cho các đơn vị sản xuất có kho xưởng đóng trong một khu công nghiệp. Gần một năm qua, doanh số công ty mất hơn phân nửa, đã thua lỗ nặng rồi. Nhưng vì đội ngũ lao động nhỏ gọn và đều là những người cố cựu trong công ty đã hai mươi năm nên chính sách của công ty trong những ngày này vẫn là ráng sức duy trì trả mức lương như trước.

Công ty có hai chiếc xe tải giao hàng, mỗi chiếc cần một tài xế và một phụ xế. Hơn tháng nay, người đi giao hàng liên tỉnh hay ngay cả giao trong thành phố cũng đều phải có giấy xét nghiệm âm tính. Chi phí mỗi lần xét nghiệm là 330.000 đồng. Cũng có chỗ xét nghiệm chỉ lấy 280.000 đồng nhưng đông người và phải chờ đợi lâu. Để tránh hao phí thời gian, đồng thời tránh nguy cơ lây nhiễm cao cho nhân viên đi xét nghiệm, công ty “bấm bụng” chi mức 330.000 đồng. Như vậy, chi phí xét nghiệm cho bốn người, mỗi người 2 lần/tuần, tốn hơn 12 triệu đồng/tháng. Cũng may nay đã có sự điều chỉnh: Không yêu cầu giấy xét nghiệm âm tính đối với tài xế lái xe nội bộ 19 tỉnh thành phía Nam.

Giờ đây, với trách nhiệm “3 tại chỗ”, công ty phải lo thêm chi phí ăn ở tại kho xưởng cho 10 người. Chi phí sắm bếp núc, chén đũa…, tiền trợ cấp ăn ngày ba buổi, tiền hỗ trợ xa gia đình… bổ đồng ít nhất cũng 1 triệu đồng/người/tháng. Vậy là khoản này mỗi tháng tốn thêm 10 triệu nữa!

Những người dù không đi theo xe, chỉ ở lại kho xưởng, nhưng mỗi lần ra vô xưởng cũng phải xét nghiệm. Sáu người, mỗi người xét nghiệm mỗi tuần một lần là công ty tốn thêm 8 triệu đồng/tháng.

Chưa hết, mỗi ngày nhà cung cấp chở tới công ty mười mấy tấn hàng. Tiền xe, cước vận chuyển đều tăng, mỗi tháng, công ty phải chi thêm khoảng 8 triệu đồng nữa.

Vậy vị chi những khoản tăng thêm, ít thì cũng khoảng vài chục triệu đồng mỗi tháng. Thời buổi này, không chịu các chi phí đó thì làm ăn đã lỗ rồi. Ông chủ còn chịu bỏ tiền túi ra cũng vì không muốn thấy anh em thất nghiệp. Nhưng nếu hoàn cảnh này kéo dài, liệu ông chủ trụ được bao lâu? Đó là chưa kể tương lai bất định ở phía trước. Dịch bệnh mà. Nếu chẳng may có một khách hàng ghé qua công ty nhưng sau đó bị phát hiện dương tính; hay tài xế của công ty đi giao hàng mà sau đó phát hiện nơi nhận hàng có người dương tính, kho xưởng bị phong tỏa thì liệu sau đó ông chủ có thể vực dậy hay không? Nếu không, đằng sau đó còn là những số phận người lao động cùng gia đình họ bị “dạt ra đường”…

3. Những công ty, những doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa như trên đang chiếm đa số trong nền kinh tế. Chính họ tạo cái nền mênh mông cho ngành công thương, tạo nên bộ mặt sản xuất kinh doanh nhộn nhịp cho thành phố này, tạo thu nhập cho thành phố và cho cả nhiều vùng khác của đất nước.

Nhưng bám trên cái nền bao la đó là những số phận cam chịu, nổi trôi của người công nhân. Trong hoàn cảnh dịch dã thế này, sức bám của họ đang yếu đi và đã có nhiều lắm rồi những người công nhân bị văng xuống vùng thất nghiệp, nghèo đói. Bản thân cái nền cũng đang phải chịu chấn động quá mạnh, sức chấn động có thể gây đổ vỡ.

Lúc này, nếu không có sự bù đắp phần nào cho những tổn hại mà cái nền đang gánh chịu, e rằng xã hội phải chịu thương tổn khó hồi phục. Tầng lớp giới chủ doanh nghiệp nhỏ có đứng được, nền công thương thành phố mới có chỗ trụ, giới cần lao mới có công ăn việc làm nuôi gia đình. Chúng ta cũng đã thấy, giới chủ nhỏ này rất gần gũi giới lao động. Nhiều người trong số họ liên tục đóng góp vào các hoạt động từ thiện muôn hình muôn vẻ diễn ra ở khắp mọi nơi. Ngay trong đại dịch này, họ đứng đằng sau những cây ATM gạo, những quán cơm từ thiện, vô số những phần quà cứu đói đêm khuya cho những kẻ không nhà.

Còn giới cần lao, chúng ta cũng đã thấy, chỉ cần họ còn công ăn việc làm, họ sẵn sàng bỏ cả chút tiền còm cõi của mình để giúp người thiếu ăn, sẵn sàng bỏ công sức vào nhiều hoạt động từ thiện. Điều này giúp thành phố giữ gìn tấm lòng trượng nghĩa, sẻ chia vốn là hình ảnh và chất keo kết nối từ mấy trăm năm nay của vùng đất mới.

Tôi chạnh lòng, và lo sợ nữa, khi thoáng nghĩ tới viễn cảnh cái nền này bị bỏ quên tới vỡ vụn. Các anh chị đã từng xem chưa, bộ phim khoa học giả tưởng về một thành phố như thành phố Detroit của Mỹ bị bỏ hoang, không người ở?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới