Thứ tư, 27/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Đại đô thị Thâm Quyến tĩnh lặng hơn nhờ xe điện

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đại đô thị Thâm Quyến tĩnh lặng hơn nhờ xe điện

Chánh Tài

(TBKTSG Online) - Tại Thâm Quyến, đại đô thị 20 triệu dân của Trung Quốc, những tiếng ồn động cơ đã dần lùi xa nhờ cuộc chuyển đổi mạnh mẽ từ xe động cơ đốt trong sang xe điện, theo hãng tin Bloomberg.

Đại đô thị Thâm Quyến tĩnh lặng hơn nhờ xe điện
Xe buýt điện của BYD trên đường phố Thâm Quyến. Ảnh: Bloomberg

Đại đô thị yên ắng

Vào một buổi chiều gần đây tại một trạm chờ xe buýt ở quận Nam Sơn, thành phố Thâm Quyến, không gian tràn ngập tiếng chim hót líu lo ở một công viên gần đó. Đường phố khá tĩnh lặng ngoại trừ thỉnh thoảng vang tiếng động cơ của một chiếc xe tải chạy vụt qua.

Tại trạm chờ xe buýt này, một phụ nữ chăm chú lướt web trên smartphone đến nỗi không phát hiện ra chiếc xe buýt đang trờ tới. Mãi cho đến khi cánh cửa xe buýt mở kèm theo tiếng kêu bíp, bíp và một người đàn ông bước xuống, cô mới rời mắt khỏi smartphone và bước lên xe.

Lịch sử của mọi đại đô thị trên thế giới đều phải chứng kiến tiếng ồn tăng dần lên do tiến trình công nghiệp hóa. Tại Thâm Quyến, nơi có hơn 20 triệu dân và hàng trăm nhà máy sản xuất phần cứng công nghệ công nghệ cao, thời kỳ tĩnh lặng đã chấm dứt cách đây bốn thập kỷ. Lúc đó, Thâm Quyến là một cụm các làng chài nằm cách Hồng Kông sầm uất một con sông. Vào năm 1980, nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình tuyên bố thành lập Thâm Quyến trở thành đặc khu kinh tế đầu tiên của Trung Quốc.

Kể từ đó, những âm thanh của cuộc sống đô thị xuất hiện gần như cùng lúc từ xe hơi, xe tải, xe buýt, tàu lửa, các nhà máy, các cảng biển và vô số xe máy. Đại đô thị mới hình thành Thẩm Quyến nhanh chóng xác lập chỗ đứng trên toàn cầu với tư cách là một trong những thành phố náo nhiệt nhất thế giới.

Song nhờ cuộc chuyển đổi mạnh mẽ sang xe điện trong những năm vừa qua, Thâm Quyến đang ngày càng trở nên tĩnh lặng hơn vì động cơ điện chạy êm hơn động cơ diesel. Giờ đây, phương tiện giao thông chủ yếu ở đại đô thị Thâm Quyến là xe buýt điện, taxi điện, scooter điện, thậm chí cả xe chở rác chạy cũng động cơ điện.

Xe taxi điện mới xuất xưởng của BYD đang sẵn sàng giao cho khách hàng. Ảnh: Bloomberg

“Điện hóa” xe buýt, xe taxi, xe tải

Thâm Quyến là thành phố dẫn đầu ở Trung Quốc trong nỗ lực thay thế động cơ diesel của xe buýt bằng động cơ điện. Đầu năm nay, hãng xe BYD, có trụ sở ở Thâm Quyến, đã hoàn thành mục tiêu “điện hóa” toàn bộ đội xe buýt hơn 16.000 chiếc ở thành phố này. Mỗi xe buýt điện mất khoảng 3 giờ để được sạc đầy và có tầm hoạt đồng 250 km sau mỗi lần sạc, đủ để hoạt động trong một ngày. Giá bán xe buýt điện đắt gấp hai xe buýt chạy bằng diesel nhưng vì chi phí điện tương đối rẻ ở Trung Quốc nên nếu xét về lâu dài, vận hành xe buýt điện sẽ tốn ít chi phí hơn.

Tại công ty xe buýt phương Đông Thâm Quyến, một trong ba đối tác vận hành các đội xe buýt của BYD, chi phí điện hàng tháng cho đội xe buýt 5.800 chiếc là 17 triệu nhân dân tệ, chỉ bằng 1/3 so với chi phí dầu diesel trước đây. Hầu hết các xe buýt được sạc điện vào đêm khuya lúc giá điện ở mức rẻ vì không phải giờ cao điểm.

Giờ đây, BYD bắt đầu thay thế trên diện rộng xe tải và xe taxi ở thành phố này bằng các phiên bản động cơ điện. Cho đến nay, 2/3 xe taxi ở Thâm Quyến đã chuyển sang sử dụng động cơ điện.

Zheng Jingyu, trưởng phòng vận tải công cộng thuộc Sở Giao thông Thâm Quyến cho biết mục tiêu của Thâm Quyến là chuyển đổi toàn bộ xe taxi ở thành phố này sang chạy động cơ điện vào năm 2020.

Chính quyền Thâm Quyến cũng đang khuyến khích người dân chuyển đổi sang xe ô tô cá nhân chạy bằng động cơ điện bằng cách cung cấp bãi đỗ xe miễn phí cho xe điện và đưa ra chính sách ưu đãi thuế cho những người mua xe điện. Chính quyền cũng bắt buộc tất cả xe tải mới đăng ký đều chạy bằng động cơ điện.

Có lẽ dấu mốc quan trọng nhất để đưa Thâm Quyến hướng đến thành phố yên lặng hơn là vào năm 2003 khi thành phố này bắt đầu cấm xe máy. Sau lệnh cấm này, người dân chuyển sang sử dụng xe đạp điện. Song xe đạp điện cũng là mối đe dọa vì gây ra nhiều vụ tai nạn do tốc độ cao và chạy quá êm, đồng thời gây tắc nghẽn các vỉa hè. Cuối cùng, chính quyến cũng cấm luôn xe đạp điện.

BYD muốn trở thành thương hiệu toàn cầu về xe điện

Tại nhà máy của BYD ở Thâm Quyến, hơn 37.000 công nhân đang sản xuất linh kiện cho xe ô tô, xe buýt và xe taxi điện. Hầu hết các xe điện này sẽ được bán trợ giá tại thị trường Trung Quốc như là một phần của đại kế hoạch của chính phủ nhằm trở thành một cường quốc về xe năng lượng mới.

Tỉ phú Wang Chuanfu, người sáng lập BYD, dự báo toàn xe cộ ở Trung Quốc, hiện có khoảng 300 triệu chiếc, có thể được điện hóa vào năm 2030.

BYD đang nuôi tham vọng trở thành thương hiệu toàn cầu về xe điện nói chung và xe buýt điện nói riêng. Để đạt mục tiêu này, Wang Chuanfu đã thuê nam diễn viên nổi tiếng người Mỹ kiêm nhà vận động chống biến đổi khí hậu Leonardo DiCaprio làm đại sứ thương hiệu và đang xuất khẩu xe buýt điện sang Mỹ.

BYD đã ký các hợp đồng cung cấp xe buýt điện cho trụ sở rộng lớn của Facebook ở Menlo Park, bang California và cho các trường Đại học Stanford và Đại học California cũng như cho công ty vận tải công cộng ở Long Beach, California. Tháng trước, BYD thắng thầu cung cấp xe buýt điện cho tất cả công ty vận tải công cộng ở bang Georgia.

Nhờ các khoản trợ giá của chính phủ Trung Quốc và khoản đầu tư 232 triệu đô la Mỹ của tỉ phú Warren Buffett vào năm 2008, hãng xe BYD đã vượt qua hãng xe điện Tesla (Mỹ)  để trở thành hãng xuất xe điện lớn nhất thế giới. Năm ngoái, với doanh số xe điện đạt 108.612 chiếc, BYD lần thứ ba liên tiếp giữ ngôi vị nhà sản xuất xe điện số một thế giới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới