Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đại gia công nghệ Trung Quốc giữa muôn trùng vây

Lạc Diệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Sức ép từ chính phủ, sự giảm tốc của nền kinh tế và cả sự quay lưng của nhiều nhà đầu tư, đang là những thách thức lớn mà các tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc phải đối mặt.

FILE PHOTO: A trader works during the IPO for Chinese ride-hailing company Didi Global Inc on the New York Stock Exchange (NYSE) floor in New York City, U.S., June 30, 2021. REUTERS/Brendan McDermid/File Photo

Sức ép từ chính phủ ngày càng gia tăng

Những kỳ vọng của giới đầu tư về việc giới chức Trung Quốc sẽ giảm bớt sức ép lên các công ty công nghệ lớn của nước này đang dần tan biến, khi Bắc Kinh liên tiếp đưa ra những động thái cứng rắn mới, tái khẳng định cam kết đẩy mạnh các nỗ lực chống độc quyền.

Hôm 20-11, Cơ quan quản lý thị trường của Trung Quốc đã phạt hàng loạt đại gia công nghệ như Alibaba, Baidu, JD.com… vì đã không khai báo 43 giao dịch kể từ năm 2012. Nhà chức trách Trung Quốc cho biết những công ty này đã vi phạm luật chống độc quyền.

Chỉ ít ngày sau đó, hôm 24-11, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc đã yêu cầu Tencent đình chỉ việc cập nhật các ứng dụng hiện có hoặc tung ra bất kỳ ứng dụng mới nào ra thị trường, trước khi được cơ quan chức năng phê duyệt. Động thái trên diễn ra sau khi một số ứng dụng của tập đoàn công nghệ này bị phát hiện đã vi phạm các quy định về bảo mật dữ liệu nhiều lần trong năm nay.

Một hãng công nghệ khác là Didi Global cũng phải nếm trái đắng, khi Cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) yêu cầu ban giám đốc hãng hủy niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán New York do lo ngại về việc rò rỉ các dữ liệu nhạy cảm. Nếu yêu cầu này được thực hiện, đây sẽ là đòn giáng mạnh đối với Didi – gã công nghệ khổng lồ vừa có thương vụ IPO lớn nhất tại Mỹ kể từ sau Alibaba hồi năm 2014.

Giới phân tích nhận định, việc thực hiện một động thái cứng rắn chưa từng có đối với một công ty tư nhân tầm cỡ như Didi, cho thấy nỗ lực lớn của Bắc Kinh trong việc kiểm soát quyền lực của các công ty công nghệ trong nước.

Việc Didi hủy niêm yết khỏi thị trường chứng khoán Mỹ có thể làm bùng lên lo sợ về việc hàng loạt công ty Trung Quốc khác phải có động thái tương tự trong bối cảnh Washington và Bắc Kinh đang bất đồng trong vấn đề tiếp cận thông tin tài chính của các công ty niêm yết.

Ngoài ra, việc Didi hủy niêm yết khỏi thị trường chứng khoán Mỹ có thể làm bùng lên lo sợ về việc hàng loạt công ty Trung Quốc khác phải có động thái tương tự trong bối cảnh Washington và Bắc Kinh đang bất đồng trong vấn đề tiếp cận thông tin tài chính của các công ty niêm yết.

Đây được coi là tín hiệu cảnh báo đối với các nhà đầu tư Mỹ, từ lâu đã quen với việc đầu tư tự do vào các tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc, từ Alibaba cho tới Baidu, JD.com.

Báo Nikkei Asia lại chỉ ra một nguy cơ khác: đang có nhiều dấu hiệu cho thấy Chính phủ Trung Quốc sẽ xem xét đánh “thuế dữ liệu” đối với các công ty công nghệ lớn, với lập luận cho rằng lợi nhuận kiếm được từ thông tin thuộc về tất cả xã hội, chứ không chỉ riêng các doanh nghiệp.

Báo này trích dẫn lại một đề xuất của cựu thị trưởng Trùng Khánh Huang Qifan tại một hội nghị tài chính hồi cuối tháng 10, trong đó, ông Huang cho biết, các nền tảng sở hữu lượng lớn thông tin cá nhân sẽ phải trả lại 20-30% doanh thu do các giao dịch tạo ra cho những người tạo ra các dữ liệu đó.

Các nhà bình luận suy đoán rằng, việc áp đặt “thuế dữ liệu” có thể sẽ cung cấp nguồn tài trợ cho mục tiêu “thịnh vượng chung” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhằm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo trong nước. Bên cạnh đó, loại thuế này, cũng có thể được sử dụng để thúc đẩy các nỗ lực chống độc quyền, khiến các công ty Internet không còn duy trì được vị trí thống trị thị trường dữ liệu lớn.

Tác động từ nền kinh tế giảm tốc

Theo WSJ, bên cạnh những sức ép ngày càng gia tăng từ giới chức Bắc Kinh, các công ty công nghệ Trung Quốc cũng đang bắt đầu cảm nhận được những tác động tiêu cực từ sự giảm tốc của nền kinh tế.

Trong quí 3 vừa qua nền kinh tế Trung Quốc chỉ đạt mức tăng trưởng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức dự báo của giới chuyên gia kinh tế và kém xa tốc độ tăng trưởng 7,9% trong quí 2. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hiện đang phải gánh chịu áp lực giảm tốc từ một loạt yếu tố, bao gồm cuộc khủng hoảng năng lượng, tắc nghẽn chuỗi cung ứng, cũng như sự thắt chặt kiểm soát của chính phủ đối với nhiều doanh nghiệp tư nhân trong các lĩnh vực như công nghệ, bất động sản và giáo dục.

Tác động lên các công ty công nghệ lớn là rất rõ ràng. Hãng công nghệ Tencent ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu chậm nhất kể từ khi bắt đầu niêm yết trên sàn chứng khoán hồi năm 2004, trong khi công ty giao hàng trực tuyến Meituan cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng số lượng đơn đặt hàng giao đồ ăn giảm mạnh. Hãng công cụ tìm kiếm Baidu cũng đối mặt với doanh thu quảng cáo chậm lại; còn hãng thương mại điện tử hàng đầu Alibaba buộc phải cắt giảm dự báo tăng trưởng của năm tài chính này.

Đối với một số tập đoàn lớn trong lĩnh vực Internet như Tencent, suy thoái kinh tế đồng nghĩa với việc nhu cầu quảng cáo kỹ thuật số yếu hơn. Trong quí 3, doanh thu của hãng trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến chỉ tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, chậm lại đáng kể so với mức tăng 23% trong quí 2, chủ yếu là bởi các quy định chặt chẽ hơn trong các lĩnh vực giáo dục, bảo hiểm và truyền hình trực tuyến.

Trong khi đó, doanh thu quảng cáo từ các lĩnh vực khác vẫn tăng trưởng khá chậm chạp. Ông James Mitchell – Giám đốc chiến lược của Tencent cho biết: “Các lĩnh vực khác sẽ cố gắng tận dụng lợi thế từ việc giá quảng cáo xuống thấp, và nhảy vào lấp đầy khoảng trống mà các lĩnh vực bị ảnh hưởng để lại. Tôi nghĩ đây là chuyện sớm muộn cũng sẽ xảy ra. Tuy nhiên, trong bối cảnh môi trường kinh tế vĩ mô còn nhiều thách thức, điều này sẽ xảy ra với tốc độ chậm hơn”.

Ngoài Tencent, nhiều doanh nghiệp khác cũng đang đối mặt với tình trạng tương tự. Doanh số từ dịch vụ quảng cáo trực tuyến quí 3 của nền tảng thương mại điện tử Pinduoduo đã ghi nhận mức tăng 44% so với cùng kỳ năm trước, chậm hơn đáng kể so với mức tăng 64% trong quí 2 và kém xa mức tăng 157% trong quí 1. Doanh thu quảng cáo quí 3 tại ByteDance, công ty vận hành các nền tảng video ngắn TikTok và Douyin cũng bị hạn chế bất chấp sự phát triển nhanh chóng của hoạt động thương mại điện tử trên các nền tảng này.

Giám đốc chiến lược của Baidu, ông Herman Yu nhận định, tình trạng yếu kém trong doanh thu quảng cáo có thể sẽ tiếp tục kéo dài sau quí 3, đặc biệt là khi áp lực từ dịch Covid-19 và các biện pháp thắt chặt kiểm soát không lắng dịu.

Để ứng phó với những thách thức ở thị trường trong nước, các hãng công nghệ lớn của Trung Quốc đang tìm cách đa dạng hóa động lực tăng trưởng bằng cách đẩy mạnh hoạt động tại các mảng kinh doanh khác hoặc mở rộng ở thị trường nước ngoài.

ByteDance mới đây đã cho ra mắt một ứng dụng dành cho những người bán hàng trực tuyến trên TikTok – phiên bản của Douyin tại thị trường nước ngoài. Đây là nỗ lực mới nhất của hãng nhằm tái lập những thành công về thương mại điện tử trên nền tảng Douyin tại Trung Quốc. Hãng được cho là đã chuyển một bộ phận nhân viên tiếp thị từ Trung Quốc sang Singapore để hỗ trợ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử và quảng cáo của TikTok.

Tương tự, Alibaba cho biết, đang tìm kiếm động lực tăng trưởng mới từ điện toán đám mây và thương mại quốc tế, mặc dù các lĩnh vực này hiện chỉ mới chiếm một phần nhỏ trong cơ cấu doanh thu của hãng. Trong khi đó, Baidu cho biết, doanh thu cốt lõi của hãng đã được thúc đẩy đáng kể nhờ mức tăng trưởng 73% so với cùng kỳ năm ngoái của lĩnh vực điện toán đám mây.

Giới đầu tư lo ngại triển vọng ngắn hạn

Những thách thức tại Trung Quốc đang khiến nhiều người cảm thấy lo ngại về những rủi ro khi đầu tư vào thị trường này. Bà Perth Tolle – nhà tài trợ của Freedom 100 Emerging Markets (FRDM) ETF – một quỹ đầu tư hiện không có bất kỳ sự liên quan gì đến thị trường Trung Quốc, cho biết: “Các nhà đầu tư đã đánh giá thấp rủi ro tại đây. Bạn không thể lường trước được hết rủi ro với một chính phủ bất cứ lúc nào cũng có thể tới và nói với một công ty rằng, họ không được phép tạo ra quá nhiều lợi nhuận như vậy”.

Bà Tolle chia sẻ với CNN Business rằng, các nhà đầu tư nên quan tâm hơn đến việc dòng vốn đang chảy ra khỏi Trung Quốc do lo ngại các biện pháp thắt chặt kiểm soát của chính phủ. Đây là lý do vì sao quỹ của bà đang đầu tư nhiều hơn vào các thị trường Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc), và vẫn có thể hoạt động hiệu quả mà không cần tới thị trường Trung Quốc.

Tương tự, các công ty quỹ đầu tư lớn như iShares và Columbia Threadneedle cũng có các quỹ đầu tư dành riêng cho thị trường mới nổi ngoại trừ Trung Quốc, với mức tăng trưởng 6-8% trong năm 2021. Ở chiều ngược lại, quỹ ETF iShares MSCI Emerging Markets (EEM) sở hữu nhiều cổ phiếu của Tencent, Alibaba và Meituan lại ghi nhận mức sụt giảm 2%.

Các chuyên gia đầu tư tin rằng, việc Bắc Kinh gia tăng kiểm soát các công ty công nghệ lớn sẽ tác động tiêu cực tới lợi nhuận trong ngắn hạn. Ông Jeff Mortimer – Giám đốc chiến lược đầu tư của BNY Mellon Wealth Management nhận định: “Chúng tôi vẫn đánh giá cao triển vọng trong dài hạn, nhưng sẽ thận trọng hơn với triển vọng ngắn hạn. Một số thị trường mới nổi khác có tiềm năng tăng trưởng tốt hơn Trung Quốc”.

Ông Paul Espinosa – Giám đốc danh mục đầu tư tại Seafarer Capital Partners cũng nhận định, việc cố gắng dự đoán xem các công ty hoặc lĩnh vực nào sẽ chịu ảnh hưởng từ các chính sách mới đang khiến việc đầu tư vào Trung Quốc trở thành một thách thức thực sự. “Nhận thức của nhà đầu tư về rủi ro tại Trung Quốc đã tăng lên. Nhiều người vẫn muốn tập trung vào Trung Quốc, để tìm kiếm mức tăng trưởng cao, nhưng thực tế là vẫn có nhiều cơ hội tốt hơn ở bên ngoài nước này”.

Vẫn còn nhiều cơ hội trong dài hạn

Theo ông Tariq Dennison, Giám đốc quản lý tài sản tại Quỹ quản lý tài sản GFM (Hồng Kông, Trung Quốc), việc Trung Quốc thắt chặt kiểm soát đối với các công ty công nghệ, có thể sẽ kéo dài trong vài thập kỷ tới.

“Nếu bạn hỏi tôi, tôi sẽ nói rằng điều này sẽ kéo dài ít nhất 20 hoặc 30 năm nữa”, ông Tariq Dennison dự đoán với CNBC về khoảng thời gian mà Trung Quốc siết chặt quy định đối với doanh nghiệp công nghệ. “Tất cả điều này đã xảy ra theo từng giai đoạn – hãy nhìn các quy định đối với công nghệ đã đi xa đến mức nào chỉ trong 30 năm qua”. Chuyên gia này ví von: “Những điều này thoạt nhìn, có vẻ giống như những bước đi riêng rẽ, nhưng trên thực tế, đó là một chuỗi các bước đi trên một con đường rất dài”.

Tuy nhiên, chuyên gia Tariq Dennison cho rằng các nhà đầu tư dài hạn sẽ không vì thế mà chùn bước trước một thị trường công nghệ Trung Quốc dù còn nhiều điều không chắc chắn, nhưng vẫn rất hấp dẫn.

“Lúc này đây tôi có thể nói rằng, vẫn có nhiều nguồn vốn dài hạn đang đổ vào cổ phiếu của Baidu, Alibaba, Tencent, và JD.com bởi nhà đầu tư vẫn đang nhắm vào triển vọng dài hạn”, ông Tariq Dennison khẳng định.

Các quy định mới đang khiến các doanh nghiệp Trung Quốc gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên ông Dennison cũng nhận định, họ vẫn có thể hưởng lợi từ những sự thay đổi. Đơn cử như với chính sách “thịnh vượng chung” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Tariq Dennison cho rằng: “Các quy định mới có thể thu hút các công ty công nghệ hơn và mang lại cho họ những động lực lớn hơn, chẳng hạn như Tencent có khả năng thích ứng rất tốt với bất kỳ quy định mới nào và tìm ra những cách thức mới để kiếm tiền. Họ có rất nhiều người dùng để phục vụ trong một mô hình thịnh vượng chung”.

Chuyên gia này kết luận: “Về cơ bản, chính sách thịnh vượng chung của Trung Quốc sẽ cố gắng thu hẹp khoảng cách lớn giữa người giàu và người nghèo, giúp thúc đẩy sự phá triển của tầng lớp người tiêu dùng trung lưu – những người sẽ sử dụng dịch vụ của các công ty như Baidu, JD, và Alibaba”.

———–

Nguồn: CNBC, WSJ, CNN Business, Nikkei Asia Review, Reuters, Asia Times, SCMP, Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới