Chủ Nhật, 4/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Đại hội Sacombank: Cổ đông băn khoăn chuyện sáp nhập

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đại hội Sacombank: Cổ đông băn khoăn chuyện sáp nhập

Hồng Phúc

Đại hội Sacombank: Cổ đông băn khoăn chuyện sáp nhập
Cổ đông phát biểu trong Đại hội đồng cổ đông của Sacombank ngày 25-3. (Ảnh: Trường Nam)

(TBKTSG Online) - Mặc dù cuối cùng chủ trương sáp nhập Sacombank và ngân hàng nhỏ hơn là Phương Nam Bank đã được đại hội đồng cổ đông của Sacombank hôm nay 25-3 thông qua với tỷ lệ đồng ý 97,3% trong số 706 người tham dự đại hội nhưng nhiều cổ đông vẫn bày tỏ nhiều băn khoăn quanh việc sáp nhập này.

  Sacombank trình cổ đông phương án sáp nhập với Phương Nam Bank

Tỷ lệ cổ đông tham dự đại hội là 706 người, đạt 77,78% vốn cổ phần có quyền biểu quyết.

Trước khi bỏ phiếu lấy ý kiến về các tờ trình của Hội đồng quản trị, nhiều cổ đông đã giơ tay xin phát biểu.

“Tôi không đồng ý với ý kiến của ông Chủ tịch HĐQT (về việc sáp nhập hai ngân hàng). Bởi xét về tái cấu trúc ngân hàng mà nói thì ngân hàng Phương Nam và nhà nước có lợi chứ cổ đông chúng tôi không lợi nhiều. Xét về mạng lưới thì chỗ nào có mặt Phương Nam thì chỗ đó có Sacombank vững mạnh rồi. Thứ hai, một ngân hàng khổng lồ kéo theo một ngân hàng nhỏ vào thì chẳng qua vướng chân tay của Sacombank. Tôi thấy không sáp nhập thì tốt hơn vì như vậy Sacombank sẽ vững mạnh hơn”, một cổ đông lớn tuổi phát biểu.

Một đại diện giới thiệu là nhà đầu tư tổ chức cho rằng: Phương Nam đang có nợ xấu cao, sáp nhập vào sẽ không tăng sức cạnh tranh cho Sacombank. Tỷ lệ chia thế nào cho cổ đông đỡ thiệt cũng chưa rõ? Hiện đang có nhiều ngân hàng tốt để sáp nhập, thì Sacombank không nên sáp nhập vào ngân hàng nợ xấu cao, tài sản không tốt.

Một cổ đông khác cũng lớn tiếng, cho rằng đại hội đồng cổ đông phải là người quyết định chứ không phải một số người quyết định, như thế không công bằng dân chủ, HĐQT cần lắng nghe cổ đông đóng góp ý kiến, nên công bằng dân chủ thật sự với nhau trong cuộc họp.

Một cổ đông khác không nói tên bức xúc rằng bà là cổ đông đem 500 triệu đồng đi mua cổ phiếu của ngân hàng từ năm 1994 đến nay. Nhưng chính sách cổ phiếu thưởng và cổ tức họ nhận được không đầy đủ, rõ ràng. “Chúng tôi là cổ đông nhỏ bé đôi khi cảm thấy không có ý nghĩa gì. Bên cạnh đó, tôi băn khoăn về lợi nhuận của hoạt động kinh doanh chính, nợ xấu, HĐQT đã tính đến hiệu quả của ngân hàng sau sáp nhập thế nào chưa?”

Còn những cánh tay khác giơ tay xin phát biểu song chủ tọa đã xin cổ đông gửi câu hỏi và trả lời bằng văn bản vì “thời gian có hạn”. 

Tân Chủ tịch HĐQT Sacombank Kiều Hữu Dũng giải thích rằng việc sáp nhập còn cả đoạn đường dài. Ông nói: “Tại đại hội lần này chúng tôi chỉ xin chủ trương, sau khi chủ trương được đại hội đồng cổ đông thông qua chúng tôi mới xây dựng đề án sáp nhập hai ngân hàng chi tiết và tính toán từng bước đi, cách thức, lợi, hại. Còn cả chặng đường dài để có nghiên cứu tỉ mỉ. Đề án chi tiết sẽ được chúng tôi trình cổ đông một lần nữa”.

Ông Dũng cũng giải thích rằng, sau khi đánh giá mặt không thuận lợi và thuận lợi, HĐQT cho rằng Sacombank cần mở rộng quy mô, tăng cường cạnh tranh và việc sáp nhập là một bước đi trong đó, bên cạnh đó là việc cải thiện về quản trị điều hành.

Đại diện cho cơ quan quản lý, ông Nguyễn Văn Dũng – Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM phát biểu rằng theo đề án của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thì “vấn đề tái cấu trúc toàn bộ hệ thống tổ chức tín dụng theo hướng lành mạnh hơn là bước đi cho tất cả các ngân hàng dù quy mô nhỏ hay lớn, không loại trừ nhóm nào. Sẽ có ngân hàng được sáp nhập, mua bán… quan trọng là chọn phương thức nào cho phù hợp với khả năng ngân hàng. Sacombank chọn sáp nhập với Phương Nam là đúng chủ trương chung. Tất nhiên chúng ta sẽ làm có trình tự và quy trình đặc biệt từng bước đi theo quy định”.

“Cổ đông nên hiểu và chia sẻ với HĐQT. Không phải lấy ý kiến cổ đông xong là sáp nhập ngay mà còn phải theo các bước. Sau khi được sự đồng ý của cổ đông, HĐQT trình NHNN đề án chi tiết và chúng tôi sẽ xem xét, đặt ra nhiều vấn đề để giải quyết những hạn chế yếu kém vừa qua của ngân hàng, chiến lược phát triển kinh doanh làm sao đạt mức độ cao hơn và phải đạt vị trí thế nào trong hệ thống tiền tệ. NHNN còn phải lấy ý kiến cơ quan liên quan, địa phương để xem xét các mục tiêu chung rồi mới phê chuẩn và lúc đó HĐQT mới làm tiếp tục”, ông Dũng trấn an các cổ đông của Sacombank.

“Phải hiểu chúng ta có những khó khăn nhất định mà vấn đề làm sao giải quyết được để đạt mục tiêu tổng thể. Và có những lợi ích không đạt như mong muốn thì ta phải hết sức chia sẻ với HĐQT. Không tái cấu trúc ngân hàng không thể phát triển”, ông Dũng nói, “Chúng tôi hiểu cổ đông bức xúc nhưng cũng phải ghi nhận thực tế và HĐQT, Ban điều hành cũng phải ghi nhận ý kiến cổ đông và xây dựng đề án hợp lý. NHNN chúng tôi ủng hộ về chủ trương và sẽ xem xét theo quy định luật pháp, không làm gì gượng ép. Rất mong cổ đông hết sức chia sẻ và ủng hộ cho Sacombank”.

Ông còn nói thêm rằng tuy các cổ đông lo lắng nhưng hãy nhìn lại trong quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thời gian qua. Ví dụ Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã hợp nhất từ 3 ngân hàng yếu. Trong 3 năm đầu hợp nhất SCB chưa có cổ tức nhưng cổ đông đồng lòng hy sinh lợi ích ban đầu để có hiệu quả hơn trong tương lai. Hay ví dụ như Ngân hàng TMCP Đại Á tuy nhỏ nhưng đồng ý sáp nhập vào HDBank hay HBB nợ xấu cao đã nhập vào SHB. Ban đầu các cổ đông đều có phản ứng nhưng họ hiểu tương lai ngân hàng sẽ tốt hơn.

Kết quả cuối cùng chỉ có  2,61% cổ đông tham dự đại hội đồng cổ đông của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank, HOSE: STB) không đồng ý với chủ trương sáp nhập hai ngân hàng. Ngoài ra, còn có 81 người đã không có ý kiến, chiếm 0,08% số cổ đông tham dự đại hội đồng cổ đông thường niên 2014 của Sacombank.

Cơ cấu cổ đông Sacombank

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới