Đài Loan: Công nghệ cao cũng sa sút
![]() |
Một góc khu công nghệ cao Hsinchu ở Đài Loan, nơi có trụ sở các tập đoàn điện tử lớn như Asus, BenQ. |
(TBKTSG Online) - Tuần báo BusinessWeek (Mỹ) gọi Đài Loan là “trung tâm bí mật của kinh tế toàn cầu” vì đảo quốc này có một nền công nghệ cao hùng mạnh, là mắt xích chủ chốt trong dây chuyền công nghệ nối Mỹ và Trung Quốc. Nhưng ngay cả công nghệ cao cũng không cứu được Đài Loan khỏi đà suy thoái chung.
Vào một buổi chiều thứ Sáu mới đây, kỹ sư Tsai Kuo-lung, 30 tuổi, thong thả đạp xe trên những lối mòn sạch sẽ trong Công viên khoa học Hsinchu – cái nôi của ngành công nghệ cao, vẫn được coi là "Thung lũng Silicon" của Đài Loan.
Lẽ ra giờ này anh phải có mặt trong văn phòng, gò lưng trên máy vi tính. Nhưng bây giờ là thời điểm khó khăn của ngành điện tử, đơn đặt hàng và doanh thu đều rơi tự do không có điểm dừng.
Từ tháng 12 năm ngoái, Tsai đã bị buộc phải giảm giờ làm việc, mỗi tuần chỉ còn làm bốn ngày, và tham gia vào đội ngũ nhân viên được nghỉ không hưởng lương.
“Tất nhiên tôi rất lo chuyện việc làm. Nhưng đành phải dùng những ngày nghỉ vào hoạt động ngoài trời như đạp xe hoặc leo núi thôi”, anh Tsai nói.
Philip Lin, 32 tuổi, kỹ sư làm việc cho tập đoàn United Microelectronics - công ty hàng đầu về gia công sản xuất chip điện tử - thì không lạc quan như thế. Anh bộc bạch: “Vợ tôi bảo, bây giờ có nhiều ngày nghỉ thì phải dành thêm thời gian cho gia đình. Nghe vậy tôi không biết mình nên cười hay nên khóc”.
Những bước thăng trầm
Khi người tiêu dùng ở Mỹ và châu Âu giảm mua máy tính xách tay và máy ảnh kỹ thuật số, nhiều công ty Đài Loan lập tức rơi vào khó khăn. Hòn đảo này làm ra 80% sản lượng máy tính xách tay và 40% màn hình tinh thể lỏng của toàn thế giới. Hàng điện tử chiếm một phần ba tổng kim ngạch xuất khẩu của Đài Loan, và sự giảm sút nhu cầu tiêu thụ đã giáng cho họ một đòn rất nặng. Tính đến cuối tháng 12-2008, xuất khẩu của Đài Loan giảm 41,9% so với năm trước, riêng hàng điện tử giảm 43,4%, một kỷ lục chưa từng thấy.
Các công ty Đài Loan thiết kế những linh kiện như chip điện tử dùng trong máy vi tính, sản xuất những linh kiện này tại các nhà máy tại Đài Loan hoặc các nhà máy do Đài Loan đầu tư trên đất Trung Quốc. Ngoài ra, các công ty Đài Loan cũng đảm nhiệm việc gia công, lắp ráp linh kiện thành sản phẩm điện tử hoàn chỉnh để đưa ra thị trường dưới thương hiệu của các tập đoàn Mỹ, Nhật Bản. Đằng sau tên tuổi sáng chói của các tập đoàn điện tử quốc tế bao giờ cũng thấp thoáng bóng dáng các doanh nghiệp công nghệ cao Đài Loan.
Đầu tàu thúc đẩy các hoạt động đó là Công viên khoa học Hsinchu, được thành lập năm 1980, nơi sinh ra những công ty bản xứ khổng lồ như tập đoàn Hồng Hải (Hon Hai, Foxconn) - tập đoàn gia công hàng điện tử lớn nhất thế giới, sản xuất máy nghe nhạc iPod cho hãng Apple và máy tính xách tay cho hãng Dell.
Nhưng nơi đây đang vào buổi chợ chiều. Theo ông Tu Chi-hsiang, Phó tổng giám đốc Công viên khoa học, đến cuối năm ngoái đã có 4.400 trong tổng số 130.000 nhân viên làm việc cho các doanh nghiệp trong công viên bị mất việc; hơn 50 trong số 400 công ty phải cho khoảng 60%-70% nhân viên nghỉ không hưởng lương. Ngay cả tập đoàn khổng lồ Taiwan Semiconductor Manufacturing – tập đoàn gia công chip điện tử lớn nhất thế giới, cũng công bố thu hẹp sản xuất lần đầu tiên trong 18 năm qua.
Nhưng khác với thời kỳ sụp đổ các công ty dot-com đầu thập niên này, khi tình trạng mất việc diễn ra từ từ, lần này tình hình sa sút rất đột ngột; trong chớp mắt số đơn hàng giảm một nửa, khiến các công ty rất lo âu cho tương lai của mình. Ông Tu sợ rằng thời kỳ sau tết âm lịch hiện nay là lúc các công ty đẩy mạnh việc sa thải công nhân. “Chúng tôi không dám dự đoán tình hình sẽ diễn tiến như thế nào”, ông nói.
Tác động dây chuyền
Làn sóng mất việc làm, giảm thu nhập đang tác động dây chuyền đến mọi ngành nghề của Hsinchu – một thành phố lộng gió ở tây bắc đảo Đài Loan. Một chủ tiệm phở cho biết, bình thường ông bán được 100 bát phở mỗi ngày nhưng nay may mắn lắm cũng chỉ bán hết 30 bát và do vậy ông không thuê người giúp việc nữa. Giáo sư Wang Hui-ling trường Đại học quốc gia Chengchi, nói: “Ngày trước khi mất việc chỗ này, bạn có thể tìm việc ở chỗ khác, nhưng bây giờ tác động của suy thoái lan rộng tới mức không ở đâu có công việc làm nữa”.
Đến cuối tháng 12-2008, tỷ lệ thất nghiệp ở Đài Loan là 5,03% - cao nhất trong bốn “con hổ” châu Á (Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc và Singapore), và đang tăng lên rất nhanh. Đáng lo hơn nữa là ngành điện tử Đài Loan cung cấp việc làm và thu nhập cho hàng trăm ngàn công nhân ở Trung Quốc và nhiều nước khác; cho nên khi sản xuất bị thu hẹp, những công nhân này sẽ là những người đầu tiên phải ra đi.
Ông Terry Gou, Chủ tịch đại công ty Hon Hai, cho biết tập đoàn buộc phải giảm 5%-10% lực lượng lao động, mà hiện đã lên tới 550.000 người, trong đó có 400.000 công nhân Trung Quốc.
Cũng như ngành xe hơi của Mỹ, ngành điện tử Đài Loan đang trông chờ sự cứu nguy của nhà cần quyền. Riêng các công ty sản xuất chip nhớ DRAM dùng trong máy vi tính và máy ảnh kỹ thuật số hiện đã mắc nợ khoảng 420 tỉ Đài tệ, các công ty sản xuất màn hình tinh thể lỏng còn nợ nhiều hơn nữa. Nếu nhà cầm quyền Đài Loan không cứu, nhiều doanh nghiệp điện tử lớn sẽ bị phá sản.
Cơ hội tự đổi mới
Các doanh nghiệp còn lại đang cố biến nguy cơ thành cơ hội tự đổi mới. Từ trước đến nay, các công ty Đài Loan chỉ chuyên gia công cho các “ông lớn” như Apple, Dell, Toshiba, Nintendo v.v..., chỉ vài công ty có thương hiệu. Phần lợi nhuận béo bở thường về tay các “ông lớn”, trong lúc nhà sản xuất, gia công Đài Loan chỉ được hưởng phần "xương xẩu". Giờ là lúc các doanh nghiệp Đài Loan tập trung xây dựng thương hiệu riêng, đẩy mạnh các hoạt động thiết kế, đóng gói, tiếp thị và phân phối sản phẩm ra thị trường quốc tế để có được tỷ suất lợi nhuận cao hơn. Thành công của các công ty đi trước như Acer, Asus là những tấm gương tốt.
Ông Tu của Công viên khoa học Hsinchu hy vọng, cuộc khủng hoảng sẽ đẩy các công ty Đài Loan lên nấc cao hơn trên bậc thang giá trị. “Có thể cơn bão kinh tế này sẽ buộc chúng tôi xem xét lại đường đi của mình… Chưa bao giờ chúng tôi thấy đau đớn như hiện nay”, ông Tu nói.
THÁI BÌNH (theo Straits Times)