Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Đảm bảo thu nhập thực tế của người dân khi lạm phát cao: Bài toán nan giải

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Trong bối cảnh giá cả, dịch vụ leo thang, nhưng mức thu nhập của người dân không tăng. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, nên điều chỉnh mức thuế thu nhập cá nhân (TNCN), để chính sách vừa đảm bảo hiệu quả, vừa là động lực cho phát triển kinh tế. Các chuyên gia đề xuất việc nâng mức giảm trừ gia cảnh và thay đổi thang, bậc tính thuế sẽ giúp người lao động giảm bớt áp lực chi phí trong cơn "bão" giá.

Số thu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đạt 128.430 tỉ đồng sau 9 tháng đầu năm 2022 - cao hơn số thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước, vượt dự 8,8% toán cả năm và tăng 31% so với cùng giai đoạn năm 2021, theo Bộ Tài chính. Tới thời điểm cuối tháng 10-2022, số thu từ sắc thuế này vượt 18,1% dự toán cả năm.

Trước đó, sắc thuế này mang về cho ngân sách 115.150 tỉ đồng và 127.655 tỉ đồng trong năm 2020 và 2021, dù thu nhập của người dân bị giảm, hoạt động đầu tư, kinh doanh bị đình đốn, ngưng trệ do dịch bệnh. Số thu từ thuế TNCN liên tục gia tăng, nhưng đời sống của người dân không có nhiều cải thiện do áp lực lạm phát, xu hướng tăng giá của nhiều loại hàng hoá và dịch vụ.

Giá cả hàng hoá, dịch vụ liên tục gia tăng khiến chất lượng cuộc sống của người lao động sẽ khó cải thiện cùng lộ trình cải cách tiền lương. Ảnh minh hoạ: Lê Vũ

Người lao động loay hoay giữa “bão” giá

Trên thực tế, nền kinh tế còn nhiều khó khăn và đang dần dần khôi phục sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng từ nhiều tháng nay, giá cả các mặt hàng thiết yếu lại không ngừng leo thang. Điều này khiến cho cuộc sống của người dân vốn đã khó lại càng thêm khó hơn.

Làm công ăn lương với thu nhập bình quân khoảng 30 triệu đồng một tháng và chỉ phải nộp thuế TNCN với mức bằng 5% tổng thu nhập, nhưng chị V.T.Dương - nhân viên một công ty bảo hiểm ở Hà Nội, cho biết gia đình vẫn gặp một chút khó khăn do thu nhập hàng tháng của chồng chị - hiện làm việc tại một cơ quan nhà nước - không cao.

Với hai con nhỏ đang đi học, chị Dương cho biết học phí mỗi tháng gồm học chính thức và học thêm tối thiểu khoảng 6 triệu đồng, cộng thêm chi phí sách vở, ăn uống, thuốc men khoảng 6-8 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình chị vẫn chi một khoản phụng dưỡng cha mẹ hàng tháng và thực hiện các khoản đóng góp, chi tiêu định kỳ cho gia đình, họ hàng khi có việc.

Sau khi trừ các khoản chi phí trên, số thu nhập còn lại được vợ chồng chị dành cho các chi phí sinh hoạt gia đình gồm tiền ăn, điện, nước, gas, điện thoại, xăng xe.

Con số này, theo chị Dương, là vừa đủ. Thậm chí, có chút thiếu hụt nếu phát sinh các chi phí khác trong bối cảnh giá của hầu hết hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như vận tải, lương thực, thực phẩm, giáo dục có xu hướng tăng nhanh do chịu áp lực tăng chi phí đầu vào, nhưng giảm chậm do các doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh cần thời gian nhất định để tính toán lại các chi phí cấu thành giá.

Với thu nhập bình quân khoảng 45 triệu đồng một tháng và có 2 người phụ thuộc, mức thu nhập tính thuế TNCN của anh P.T Bình - nhân viên một ngân hàng thương mại Nhà nước có trụ sở tại Hà Nội, là 25,2 triệu đồng. Số thuế anh Bình phải nộp là 3,39 triệu đồng một tháng, gồm: 5 triệu đồng với thuế suất 5%, 5 triệu đồng với thuế suất 10%, 8 triệu đồng với thuế suất 15%, 7,2 triệu đồng với thuế suất 20%. Số thuế anh Bình phải nộp một năm là 40,68 triệu đồng.

“Một năm tổng cộng hơn 40 triệu đồng tiền thuế không ít. Trong khi chi phí cho sinh hoạt, học hành, đi lại, điện nước liên tục gia tăng thì phải tính toán kỹ lưỡng mới đủ”, anh Bình cho biết.

Nói “tính toán kỹ lưỡng”, bởi theo anh Bình, mức phụ thuộc là 4,4 triệu đồng với mỗi người một tháng không thể đáp ứng nhu cầu cơ bản do số chi tiêu của người phụ thuộc không quá chênh lệch so với người nộp thuế trong cùng gia đình với các khoản chi phí như tiền ăn, sữa, thuốc men, viện phí, học phí, trang phục… Thậm chí, các khoản chi tiêu cho người phụ thuộc còn lớn hơn người nộp thuế trong bối cảnh giá hàng hoá, dịch vụ liên tục gia tăng.

Báo cáo mới đây của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy với giá bình quân xăng dầu trong nước trong 10 tháng đầu năm 2022 tăng 36,01% so với cùng giai đoạn năm trước, giá gas tăng 15,35%, giá ăn uống ngoài gia đình tăng 4,6%, giá gạo tăng 1,16%, giá các mặt hàng thực phẩm tăng 0,95%.

Còn báo cáo Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) cho biết chỉ số giá 10 tháng của nhóm giao thông tăng 13,59% so với cùng giai đoạn năm trước với nuyên nhân chủ yếu là giá dầu tăng cao trong những tháng đầu năm 2022 đã đẩy mặt bằng giá dịch vụ giao thông tăng. Tuy nhiên, giá dịch vụ này gần như không giảm tương ứng khi giá xăng dầu trong nước giảm từ tháng 7 trở lại đây.

Ngoài ra, các mặt hàng tiêu dùng khác như may mặc, giày dép và mũ nón, thiết bị và đồ dùng gia đình cũng tăng giá nhanh do chi phí sản xuất của các nhóm ngành này tăng.

Với việc lương cơ sở dự kiến được điều chỉnh tăng thêm 20,8% - từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng một tháng từ 1-7-2023, anh Bình lo ngại chi phí chi tiêu cho sinh hoạt hàng ngày của bản thân và gia đình sẽ tiếp tục gia tăng do vật giá luôn “chạy” trước lương. Ngoài ra, lộ trình tăng học phí, viện phí năm tới và những năm tiếp theo đã được “lập trình” để tiệm cận giá cả thị trường.

Cụ thể, lộ trình học phí tại Nghị định 81/2021 cho biết mức tăng học phí hằng năm, từ năm học 2022 – 2023, là khoảng 7,5% một năm với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập và 12,5% một năm với giáo dục đại học công lập.

Chính sách thuế “đi sau” đời sống người lao động

Chia sẻ với KTSG Online, PGS. TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), đánh giá động thái điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cách đây hơn 2 năm chỉ là một giải pháp mang tính nhất thời và không theo kịp thực tế đời sống.

“Đây là mức giảm trừ lạc hậu khi nền kinh tế không ngừng tăng trưởng, giá hàng hóa, dịch vụ tăng cao khiến người nộp thuế phải tốn nhiều chi phí để trang trải cuộc sống”, ông Long nói.

Lý giải rõ hơn, ông Long cho biết khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% thì cơ quan quản lý mới trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Tuy nhiên, rổ hàng hóa tính CPI hiện hành có khoảng 700 mặt hàng, trong đó có những hàng hoá, dịch vụ không thiếu yếu như bưu chính - viễn thông, đồ uống, thuốc lá, may mặc, mũ nón, giày dép nên không phản ánh sát tương quan giữa biến động của giá cả, hàng hoá và đời sống người dân.

Dẫn chứng, ông Long cho biết một mớ rau tại Hà Nội có giá khoảng 2.000 đồng cách đây 9-10 năm, thì nay là 9.000-10.000 đồng - tăng cao hơn nhiều so với mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong cùng giai đoạn.

“Lạm phát của Việt Nam thường tăng khoảng 3-4% một năm, nếu chờ CPI tăng 20% thì phải mất khoảng 5 năm mới điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Nhưng mức tăng giá hàng hoá hằng năm ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của người nộp thuế rồi”, ông Long cho biết.

Về mức giảm trừ gia cảnh, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cho rằng mức 4,4 triệu đồng một tháng với một người phụ tuộc không đủ để nuôi một đứa trẻ ở thành phố hoặc chăm sóc một người già không còn sức lao động trong bối cảnh học phí, chi phí thuốc men, đi chuyển, viện phí đều tăng cao.

“Để được giảm trừ, người phụ thuộc như cha mẹ người nộp thuế phải quá tuổi lao động và phải có thu nhập bình quân tháng không quá 1 triệu đồng. Điều này cho thấy chính sách quá bất cập, xa vời với thời cuộc”, ông Thịnh cho biết.

Còn ông Ngô Trí Long cho biết theo quy định hiện hành, mức giảm trừ gia cảnh là mức cố định chung cho tất cả người nộp thuế ở các vùng, miền khác nhau. Tuy nhiên, mức chi phí trang trải cuộc sống ở những vùng miền khác nhau có sự chênh lệch đáng kể, nên mức giảm trừ cố định là không hợp lý. Ngoài ra, Luật Thuế TNCN cũng chưa cho phép người lao động được khấu trừ các loại chi phí như y tế, chăm sóc sức khỏe... mà bảo hiểm y tế không chi trả.

Bên cạnh những bất cập trên, ông Long cho rằng biểu thuế TNCN hiện hành với cách tính lũy tiến từng phần quá nhiều bậc và khoảng cách giữa các bậc quá dày cũng gây bất lợi cho người nộp thuế.

Giảm gánh nặng chi phí cho người lao động

Để giảm gánh nặng chi phí, chuyên gia Ngô Trí Long và Đinh Trọng Thịnh đều cho rằng cơ quan thuế nên nghiên cứu nâng ngưỡng chịu thuế với người nộp thuế và mức giảm trừ gia cảnh với người phụ thuộc trong bối cảnh hai chỉ tiêu này mới chỉ được điều chỉnh hai lần vào năm 2013 và 2020.

Ông Đinh Trọng Thịnh cho rằng các cơ quan quản lý có thể điều chỉnh ngưỡng chịu thuế và mức giảm trừ gia cảnh hàng năm nhờ nền tảng hạng tầng công nghệ hiện đại. Căn cứ điều chỉnh là mức tăng thu nhập của người dân, các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế và lạm phát.

Ông Ngô Trí Long cũng cho rằng cơ quan quản lý nhà nước cần tính toán phương án sửa Luật Thuế TNCN theo hướng quy định ngưỡng khởi điểm tính thuế theo một tỷ lệ phần trăm nhất định so với mức tiền lương, tiền công tối thiểu. Như vậy, mỗi lần các cơ quan quản lý điều chỉnh tiền lương, tiền công tối thiểu sẽ không ảnh hưởng đến Luật Thuế thu nhập cá nhân.

Ngoài ra, nên mở rộng phạm vi đối tượng phụ thuộc, bao gồm: con cái chưa đến tuổi trưởng thành, bố mẹ già không còn sức lao động. Đồng thời, không nên quy định số lượng các đối tượng phụ thuộc nhằm tăng sự đồng tình của xã hội.

Về biểu thuế suất, chuyên gia này kiến nghị thay đổi từ 7 bậc thành 6 bậc. Cụ thể, áp dụng mức thuế suất 5% với các đối tượng chịu thuế có mức thu nhập tính thuế 10 triệu đồng một tháng; thuế suất 9% với các đối tượng chịu thuế có thu nhập tính thuế trong khoảng 10-15 triệu đồng một tháng; thuế suất 13% với các đối tượng chịu thuế có mức thu nhập tính thuế trong khoảng 15-30 triệu đồng một tháng; thuế suất 18% với các đối tượng chịu thuế có mức thu nhập tính thuế trong khoảng 30-45 triệu đồng một tháng; thuế suất 24% với các đối tượng chịu thuế có mức thu nhập tính thuế trong khoảng 45–70 triệu đồng một tháng; thuế suất 30% với các đối tượng chịu thuế có mức thu nhập tính thuế trên 70 triệu đồng một tháng.

Còn ông Đinh Trọng Thịnh khuyến nghị Chính phủ tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tỷ giá và kiểm soát tốt lạm phát nhằm đảm bảo mục tiêu cải cách tiền lương, chính sách thuế để đảm bảo cuộc sống cho người lao động, tránh tình trạng "nâng giá hàng hoá trước nâng lương".

Ngoài ra, Tổng cục quản lý thị trường Bộ Công thương và Cục quản lý giá Bộ Tài chính cần tăng cường kiểm tra, giám sát diễn biến giá cả, thị trường, tránh tình trạng “té nước theo mưa” nhất là với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.

“Thời gian qua, giá xăng dầu đã giảm sâu, nhưng giá nhiều mặt hàng chưa giảm, thậm chí tăng cao. Cần sớm có các biện pháp ổn định để đưa giá các mặt hàng về đúng vị trí”, ông Thịnh nói.

Chia sẻ với KTSG Online, TS Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam, cho rằng việc gia tăng thu nhập tổng thu nhập cho người lao động qua chính sách tăng lương và nâng mức giảm trừ gia cảnh là hết sức cần thiết trong bối cảnh nền kinh tế chịu áp lực lạm phát.

“Điều này giúp người dân tiết kiệm một khoản chi phí thuế, qua đó nâng cao thu nhập khả dụng của các hộ gia đình. Số chi phí thuế giảm sẽ được các hộ gia đình chi tiêu trực tiếp vào nền kinh tế, giúp nâng cao tổng cầu của nền kinh tế trong năm 2023”, ông Bình nói.

Cũng theo ông Bình, mức giảm trừ gia cảnh mới phải phản ánh được các yếu gố gồm năng suất lao động và chi phí gia tăng với một hộ gia đình có thu nhập trung bình trong 2-3 năm qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI).

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới