Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đám tang ở khu phố nhỏ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đám tang ở khu phố nhỏ

Như Quang

(TBKTSG) – Khu tôi ở, nhà cửa liền vách. Nhà 3,8 mét bề ngang được xếp vào loại nhà rộng. Cửa chẳng lúc nào được đóng kín. Kẻ trộm có thể không lẻn vào được, chứ tiếng ồn thì ra vào thoải mái. Đường hẻm nhỏ, xe con không dám vào, không phải vì có bảng cấm, mà vì vào rồi, không biết làm sao ra. Chẳng còn chỗ để có một khoảng trống không có tiếng ồn.

Tình trạng nhà cửa, đường sá kiểu này tạo nên không ít mối lo. Mối lo số một, dĩ nhiên là hỏa hoạn! Nhưng mọi người đã gần như quen được với mối lo này rồi, vì may mắn thay, chưa có vụ hỏa hoạn nào xảy ra trong xóm từ chục năm nay. Xếp hàng sau hỏa hoạn, phải kể đến mối lo về các loại ô nhiễm môi trường do âm thanh. Không nói đến những tiếng còi tàu “xé nát” đêm khuya thành nhiều khúc! Dọn về đây ở đã mười năm rồi mà tôi vẫn chưa tìm ra được cách sống chung với còi tàu!

Kẻ thù kế nữa cũng rất nguy hiểm. Đó là tiếng cãi lộn, chửi thề. Loại kẻ thù này xuất hiện tuy không được lâu, cao lắm là một buổi, âm thanh cũng chẳng thuộc loại vượt ngưỡng, nhưng lại nặng mùi của thứ văn hóa đang trong quá trình phân hủy.

Có những màn chửi nhau cứ như một thứ phim “sex”, không phải bằng hình ảnh, dĩ nhiên rồi, mà bằng âm thanh kể lể. Các bậc làm cha mẹ có con nhỏ chỉ sợ chúng bị tổn thương hay trở thành “người lớn” quá sớm. Cũng đã có hơn một bà mẹ, ông bố tá hỏa khi nghe được một câu chửi thề thốt ra một cách vô tư từ một cậu bé chưa đi mẫu giáo!

Đối với nhiều người khác trong khu xóm tôi, nhất là các cụ có tuổi, người mắc bệnh huyết áp cao…, đám tang hàng xóm luôn là nỗi kinh hoàng. Mỗi khi nghe tin có người trong xóm mất, hay đi xa về, thấy có lá cờ màu tím treo ở đầu ngõ, không ai bảo ai, người khỏe mạnh cũng như kẻ đau ốm, đều tự động chuẩn bị tư thế “chịu trận”.

Kịch bản đã trở thành quen thuộc: ngày đầu diễn ra êm ả. Tang gia còn phải dọn dẹp nhà cửa, dựng rạp, báo tin… Mọi sự thường chỉ bắt đầu sớm lắm là vào sáng hôm sau, với màn thử âm thanh “một, hai, ba, bốn… a-lô, a-lô…” và tiếng thử đàn của chiếc ghi-ta điện đầy khí thế. Lúc đầu còn rời rạc, từng tiếng một, kế đó là những bài dài gần như nối tiếp nhau không dứt qua hệ thống âm thanh được mở hết công suất.

Khi có khách tới viếng người quá cố, chiếc ghi-ta tạm nhường “sân khấu” cho dàn nhạc đám ma. Và cứ vậy, thay phiên nhau cho tới đêm khuya! Khổ cho người khó ngủ. Những đêm thức trắng không phải hiếm. Khổ cho học sinh phải học bài, làm bài. “Hàng xóm nhà con mấy hôm nay có đám ma!” không phải là lời bào chữa có giá trị đối với thầy cô. Có đám tang kéo dài suốt tuần lễ. Cũng may, đó là ngoại lệ.

Thường là vào hai đêm cuối cùng trước ngày chôn, bà con hàng xóm được nghe tân cổ giao duyên do đoàn ca sĩ pêđê trình diễn. Đêm nhạc thường bắt đầu với một liên khúc kể lể ơn nghĩa sinh thành, công đức của người quá cố, nỗi cô đơn, côi cút của người sống giờ đây phải xa cha (mẹ, ông bà…), lo âu trước cuộc đời từ nay chẳng còn chỗ nương tựa… Tiếp sau đó là các bài ca quen thuộc, tân nhạc, cải lương, sáu câu vọng cổ… như để giúp nhà đám bớt sầu khổ. Đêm nhạc diễn ra hầu như tự động. Đoàn ca sĩ tự động kéo tới. Nghe kể lại: có nơi chủ nhà không đồng ý, nhưng khó khăn lắm và sau đàm phán gay go, trả giá bồi thường, chủ nhà mới được yên.

Nhiều người trong xóm khó chịu, nhưng chẳng ai dám lên tiếng: nghĩa tử là nghĩa tận mà! Tuy nhiên, cũng có người nghĩ khác. Một cán bộ hưu trí kể câu chuyện ông đi công tác nước ngoài. Hôm cả đoàn gặp nhau tại nhà một Việt kiều, sẵn có rượu ngon, nhất là nhân dịp anh em họp mặt nơi xứ người, mọi người nhập tiệc vui vẻ. Rượu vào thì lời ra, đó là quy luật. Bầu không khí trở nên sôi động, càng về khuya càng ồn ào. Ông chủ nhà Việt kiều đứng ngồi không yên, chạy ra rồi lại chạy vào, cuối cùng cũng phải lên tiếng: “Các ông khe khẽ thôi, 11 giờ đêm rồi. Không khéo mai tôi lại phải vác mặt đi xin lỗi bà con hàng xóm thì khổ lắm!”. Tiệc tan. Có người càu nhàu: “Một xã hội thiếu thông cảm, thiếu tình, thiếu nghĩa. Chắc gì có lần thứ hai!”.

Bà con khu tôi ở cũng mong có một cái gì đó na ná giống vậy. Năm gọi là Năm thành phố thực hiện nếp sống văn minh đô thị đã cho họ nhiều hy vọng. Họ chờ đợi những quy định cụ thể xây dựng nếp sống văn minh, trong đó, hẳn là phải có những quy định cho việc tổ chức ma chay, cưới hỏi sao cho không phiền đến cuộc sống hàng xóm, láng giềng.

Nhưng kỳ vọng nhiều rồi cũng qua, đã có tổng kết, sơ kết… và nghe đâu, đã có khen thưởng các ban, ngành, cá nhân, đoàn thể… trong việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị. Nhưng nỗi sợ đám ma của bà con trong xóm tôi vẫn còn nguyên… Đành chờ đợt sau vậy!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới