Thứ Sáu, 18/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Dân Nga đổ xô rút đô la Mỹ vì lo sợ đồng rúp sụp đổ

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Trong hai ngày cuối tuần qua, người dân Nga xếp hàng dài tại các cây rút tiền (ATM) và đến các chi nhánh ngân hàng trên khắp đất nước để rút ngoại tệ, đặc biệt là đô la Mỹ, khi các lệnh trừng phạt mới của phương Tây nhằm vào Nga làm dấy lên lo ngại đồng rúp có thể sụp đổ.

Dòng người xếp hàng trước một cây ATM ở TP. Saint Petersburg, Nga hôm 27-2. Ảnh: Reuters

Đồng rúp lại giảm giá sốc

Dân Nga sốt sắng rút ngoại tệ bất chấp một số ngân hàng bán đô la Mỹ với giá cao một phần ba so với mức giá đóng cửa của thị trường vào hôm 25-2, lên mức hơn 100 rúp ăn 1 đô la, ngưỡng quan trọng về mặt tâm lý mà nhiều nhà kinh tế cho rằng sẽ kích hoạt việc tăng lãi suất của Ngân hàng trung ương Nga (CRB). Cú sốc với đồng rúp xảy ra khi người dân Nga vẫn đang “tiêu hóa” tin tức châu Âu đang đóng cửa không phận đối với họ và các nền tảng thanh toán phổ biến như Apple Pay, Google Pay sẽ ngừng hoạt động ở Nga để tuân thủ lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào các ngân hàng lớn của nước này.

CRB xác nhận khách hàng của các ngân hàng trong nước đang chịu trừng phạt của phương Tây gồm VTB Group, Sovcombank, Novikombank, Promsvyazbank, và Otkritie FC Bank sẽ không thể sử dụng thẻ của họ để thanh toán qua Google Pay hay Apple Pay.

“Tôi đã xếp hàng một tiếng nhưng ngoại tệ đã bị rút sạch, chỉ còn đồng rúp. Tôi đã hành động muộn vì tôi không nghĩ điều này có thể xảy ra. Tôi bị sốc”,  Vladimir, một lập trình viên 28 tuổi, nói trong khi xếp hàng dài chờ đợi bên ngoài một cây ATM ở một trung tâm mua sắm tại Moscow.

Cuối tuần này, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), Anh, Canada đã nhất trí loại bỏ một số ngân hàng Nga ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT và ngăn chặn CRB sử dụng dự trữ quốc tế để làm suy yếu tác động của các biện pháp trừng phạt.

Động thái này được đưa ra sau khi Nga đẩy mạnh các cuộc tấn công nhằm vào các thành phố của Ukraine. Hầu hết các nước châu Âu đã đóng cửa không phận với máy bay Nga, một động thái có thể khiến việc vận chuyển tiền mặt vào Nga trở nên khó khăn hơn.

Tổng thống Vladimir Putin đang phải đối mặt với các lệnh trừng phạt khắc nghiệt nhất được áp dụng đối với một nền kinh tế lớn trong ít nhất trong 20-30 năm qua. Có những dấu hiệu cho thấy đồng rúp có thể giảm mạnh trong phiên giao dịch hôm nay (28-2). Vào chiều 27-2, theo giờ địa phương, tỷ giá hối đoái cho cặp tiền tệ rúp - đô la Mỹ mà các ngân hàng của Nga đưa rất khác nhau, từ 98,08 rúp ăn 1 đô la tại Ngân hàng Alfa cho đến 99,49 ăn 1 tại Ngân hàng Sberbank, 105 ăn 1 tại Ngân hàng VTB Group và 115 ăn 1 tại Ngân hàng Otkritie. Trong khi đó, giá đồng rúp giao ngay trên sàn giao dịch Moscow đóng cửa ở mức 83 rúp ăn 1 đô la vào hôm 25-2.

Paul McNamara, nhà quản lý quỹ tại GAM Investments, nói: “Tôi không thể thấy một kịch bản cho thấy đồng rúp không suy sụp”.

Tuần trước, CRB cho biết đang tăng cung cấp tiền mặt cho các cây ATM để đáp ứng nhu cầu rút tiền và đưa ra tuyên bố khác hôm 27-2, cam kết rằng sẽ cung cấp cho các ngân hàng nguồn cung đồng rúp "không bị gián đoạn".

Tuyên bố cho biết: “Hệ thống ngân hàng Nga vẫn ổn định, có đủ vốn dự trữ và thanh khoản để hoạt động mà không bị gián đoạn trong bất kỳ tình huống nào. Tất cả các khoản tiền gửi của khách hàng đều an toàn và có sẵn để rút bất cứ lúc nào”. Tuyên bố cũng cho biết hệ thống nhắn tin thanh toán nội địa của Nga, được phát triển trong trường hợp các ngân hàng của nước này bị loại khỏi SWIFT, sẽ tiếp tục hoạt động “trong mọi tình huống”.

Thanh khoản của các ngân hàng bị đe dọa

Người dân xếp hàng chờ rút tiền trước một cây ATM của Ngân hàng Alfa tại Moscow hôm 27-2. Ảnh: AP.

Lần gần đây nhất Nga phải đối mặt với một đợt rút tiền mặt lớn là vào năm 2014, khi giá dầu lao dốc do các lệnh trừng phạt của phương Tây, dẫn đến cú sụp đổ trong tỷ giá hối đoái. Sberbank, ngân hàng lớn nhất của Nga, đã bị rút 1,3 ngàn tỉ rúp (16 tỉ đô la) trong vòng một tuần.

Alexandra Suslina, chuyên gia ngân sách tại nhóm chuyên gia kinh tế, có trụ sở tại Moscow, cho biết: “Tình hình hoàn toàn không ổn định. Các lệnh trừng phạt và hạn chế đối với CRB chỉ có thể khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Đã xuất hiện cuộc đổ xô rút tiền từ các cây ATM, nhưng không có cây ATM nào được thiết kế để phục vụ dòng người xếp hàng dài xuất hiện tại các ngân hàng bị trừng phạt”.

Theo ghi nhận của Financial Times, người dân Nga không chỉ rút đô la Mỹ mà rút cả đồng rúp vì họ lo ngại không thể sử dụng các hệ thống thanh toán quốc tế được nữa.

“Tôi đã rút tiền ngay từ đầu và bây giờ tôi đang đi tìm cây ATM để rút thêm vì tôi muốn thủ sẵn một lượng tiền mặt đủ cho một tháng chi tiêu trong trường hợp có trục trặc kỹ thuật với thẻ ngân hàng. Tôi đã gặp vấn đề khi thanh toán tiền taxi qua Google Pay vào ngày hôm qua”, Ekaterina, một người dân ở Moscow, cho biết hôm 27-2.

Các ngân hàng ở Nga đang lo lắng về tác động của việc rút tiền ồ ạt như vậy vậy đối với hệ thống ngân hàng.

Một lãnh đạo ngân hàng phương Tây ở Moscow, nói: "Việc người dân đổ xô rút tiền mặt gây hại cho chính nước họ vì thanh khoản của các ngân hàng đang giảm”.

Các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào CRB nhằm chế khả năng can thiệp ngoại hối của ngân hàng này, vốn đã được sử dụng trước đây để ổn định đồng rúp và không để đồng rúp rơi vào trạng thái thả nổi và sụp đổ.

Karl Schamotta, Giám đốc chiến lược thị trường tại Công ty tư vấn tài chính Corpay, nhận định: “Với các lệnh trừng phạt mới có khả năng làm tê liệt nền kinh tế Nga và làm giảm sức hấp dẫn của bất kỳ tài sản nào liên quan đến Moscow, giới nhà đầu tư sẽ đồng loạt tháo chạy. Và với việc CRB có thể phải đối mặt với những hạn chế nghiêm trọng trong việc can thiệp tiền tệ, đồng rúp sẽ phải vật lộn để tìm đáy. Không ai muốn bắt một con dao đang rơi cả”.

Theo Bloomberg, Financial Times, BBC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới