Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Dân số Ấn Độ vượt Trung Quốc, báo hiệu sự chuyển dịch trật tự toàn cầu

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Ấn Độ được dự báo vượt qua Trung Quốc trong năm nay để trở thành quốc gia đông dân thế giới. Thay đổi này mở ra sự chuyển dịch lớn trong trật tự toàn cầu về kinh tế cũng như địa chính trị.

Hành khách tại một nhà ga tàu lửa ở thành phố Mumbai, Ấn Độ. Liên hợp quốc dự báo cuối năm nay, dân số của Ấn Độ sẽ đạt 1,429 tỉ người, vượt dân số Trung Quốc (1,426 tỉ người). Ảnh: Reuters

Dân số Ấn Độ sẽ đạt 1,429 tỉ người

Dân số Trung Quốc duy trì vị thế đông nhất thế giới trong hơn hai thế kỷ nhưng giờ đây, Ấn Độ chuẩn bị chiếm lấy ngôi vị này. Liên hợp quốc (LHQ) dự báo, dân số Ấn Độ có thể đạt 1,429 tỉ người vào cuối năm nay, đẩy Trung Quốc tụt xuống vị trí thứ hai với 1,426 tỉ người. Thậm chí, nhiều nhà nhân khẩu học ước tính, điều đó có thể xảy ra ngay trong tháng này.

Dân số ngày càng tăng giúp Ấn Độ duy trì tăng trưởng kinh tế ở tốc độ cao, mua nhiều hàng hóa của thế giới hơn và đóng vai trò lớn hơn trong các vấn đề toàn cầu, ngay cả khi nước nay đang vật lộn với nghèo đói và thiếu việc làm.

Trái lại, những trở ngại về nhân khẩu học sẽ khiến Trung Quốc khó đạt được tham vọng kinh tế hoặc thay thế Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, bất chấp sự thịnh vượng kinh tế và sức mạnh quân sự đang gia tăng.

Giới chức Mỹ đang nỗ lực thuyết phục các nhà lãnh đạo Ấn Độ hỗ trợ Washington trong các vấn đề địa chính trị. Cho đến nay, khi Ấn Độ ngày càng xích lại gần Mỹ và các đồng minh vì mối quan ngại chung của họ về Trung Quốc nhưng vẫn từ chối lên án Nga về cuộc chiến ở Ukraine và vẫn mua một lượng lớn dầu thô của nước này .

Dự kiến, dân số Ấn Độ ​​tiếp tục tăng trong bốn thập niên tới, đạt đỉnh gần 1,7 tỉ người vào năm 2063. Trong khi đó, dân số Trung Quốc, lần đầu tiên giảm vào năm ngoái kể từ nạn đói vào thập năm 1960, được dự đoán giảm nhanh chóng. Vào đầu thế kỷ tới, dân số Ấn Độ dự kiến ​​cao gấp đôi dân số Trung Quốc.

“Chúng ta đang chuẩn bị chứng kiến sự chuyển đổi dân số có thể được xem là quan trọng nhất trong 200 năm qua”, Irfan Nooruddin, Giám đốc Trung tâm Nam Á tại Hội đồng Đại Tây Dương nói.

Sau khi duy trì chính sách một con trong nhiều thập niên, Bắc Kinh cho phép mỗi gia đình có hai con vào năm 2016, sau đó mở rộng thành ba con và cuối cùng đã loại bỏ mọi hình phạt đối với vi phạm về số con tối đa cho phép. Tuy nhiên, đã quá muộn để Trung Quốc đảo ngược xu hướng nhân khẩu học.

Theo Công ty nghiên cứu Capital Economics, lực lượng lao động của Trung Quốc dự kiến ​​giảm hơn 0,5% mỗi năm. Tại Mỹ, lực lượng lao động dự kiến ​​sẽ tăng trưởng trong 30 năm tới nhờ dân nhập cư và tỷ lệ sinh cao hơn so với Trung Quốc.

Với ít công nhân hơn, chi phí lao động của Trung Quốc tăng lên và tiến sát các nền kinh tế phát triển hơn. Theo báo cáo của Viện Reshoring, một tổ chức phi lợi nhuận ở Mỹ, mức lương trung bình của công nhân trong dây chuyền sản xuất nhà máy ở Trung Quốc là gần 15.000 đô la trong năm 2022, cao hơn 5 lần so với mức lương trung bình ở Ấn Độ.

Ấn Độ sẽ là “công xưởng của thế giới” ?

Trên nhiều khía cạnh, Ấn Độ giống Trung Quốc 30 năm trước. Nước này có dân số trong độ tuổi lao động tăng nhanh chóng, với 610 triệu người dưới 25 tuổi và tương đối ít người già cần chăm sóc. Nước này sẽ là nước duy nhất có lực lượng lao động đủ lớn để cạnh tranh Trung Quốc với tư cách là công xưởng của thế giới.

Một số công ty Mỹ đang cố gắng đa dạng hóa sản xuất bên ngoài Trung Quốc. Trong đó, Foxconn Technology Group (Đài Loan), nhà sản xuất gia công chính của Apple đang xem xét mở rộng công suất ở Ấn Độ.

Trong khi đó, lực lượng lao động của Trung Quốc ngày càng thu hẹp lại cùng lúc với số người già cần được trả lương hưu và chăm sóc y tế tăng lên. Khoảng 203 triệu người, tương đương 14,3% dân số Trung Quốc, là người từ 65 tuổi trở lên, tăng mạnh so với  87,5 triệu vào năm 2000.

Trung Quốc, nước đang phát triển và có mức thu nhập trung bình, cũng đang đối mặt với áp lực từ Mỹ. Nước này đang khuyến khích các tập đoàn đa quốc gia chuyển chuỗi cung ứng sang nơi khác và hạn chế chia sẻ công nghệ với Bắc Kinh.

Trong dài hạn, tăng trưởng của Trung Quốc khoảng 4%/năm và Ấn Độ khoảng 6%, theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Gần đây, Ấn Độ thay thế Anh với tư cách là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới và có thể vượt qua Đức và Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 sau Mỹ và Trung Quốc vào năm 2029.

Ấn Độ đã nâng cấp cơ sở hạ tầng bằng cách mở đường xá và xây dựng sân bay mới, đồng thời mở rộng mạng lưới cung cấp điện nước trên toàn quốc. Hệ thống thanh toán di động của Ấn Độ cũng đã thúc đẩy cơn bùng nổ thanh toán số. Một số nhà kinh tế dự đoán, trong 10 năm tới, GDP của Ấn Độ sẽ tăng hơn gấp đôi lên 8,5 nghìn tỉ đô la đô la, sau khi tăng gần gấp đôi trong thập niên qua.

Nhóm nhà nghiên cứu của Đại học Victoria ở Úc cho biết, nếu không có sự thay đổi về tuổi nghỉ hưu, tiền chi trả lương hưu của Trung Quốc sẽ tăng lên 20% GDP vào năm 2100, từ mức 4% vào năm 2020. Hiện tại, độ tuổi nghỉ hưu ở Trung Quốc thường là 60 đối với nam giới và sớm nhất là 50 đối với một số nhóm lao động nữ.

Dù vậy, những thách thức về nhân khẩu học của Trung Quốc không phải là không thể vượt qua. Giới lãnh đạo Trung Quốc tin rằng, nền giáo dục tốt hơn và tiến bộ công nghệ có thể bù đắp tác động của dân số lao động suy giảm.

Thách thức của Ấn Độ: thiếu việc làm

Câu hỏi đặt ra là liệu Ấn Độ có thể tận dụng lợi thế nhân khẩu học hay không. Vấn đề chính của Ấn Độ là thiếu việc làm. Đất nước này không tạo thêm số việc làm ròng mới nào trong thập niên qua, ngay cả khi có thêm hơn 100 triệu người tham gia lực lượng lao động. Nhiều thanh niên ở Ấn Độ không thiết tha tìm việc vì thiếu cơ hội.

Tổng số việc làm của Ấn Độ  đạt 413 triệu năm 2017 nhưng giảm xuống còn 406 triệu năm 2019 và tiếp tục giảm trong thời kỳ đại dịch Covid-19 trước khi phục hồi lên 402 triệu năm 2022, theo Trung tâm Giám sát kinh tế Ấn Độ (CMIE), một tổ chức tư vấn độc lập ở Mumbai.

Mahesh Vyas, Giám đốc điều hành CMIE, cho rằng thị trường việc làm trì trệ là do đầu tư yếu kém, đại dịch Covid-19 và kế hoạch phi tiền tệ hóa do Thủ tướng Narendra Modim thực hiện năm 2016 đột ngột xóa sạch gần 90% giá trị tiền giấy của Ấn Độ.

Theo dữ liệu của LHQ, Ấn Độ có 228,9 triệu người, tương đương 16,4% dân số, sống trong cảnh nghèo đói, nhiều nhất thế giới. Một số nhà kinh tế cảnh báo Ấn Độ có thể đối mặt với bất ổn xã hội nếu không tạo ra nhiều cơ hội kinh tế hơn.

Ngoài ra, môi trường kinh doanh Ấn Độ rất phức tạp với nhiều chính sách bảo hộ thương mại, ngăn cản một số hoạt động đầu tư của các công ty nước ngoài.

Khoảng 200 triệu thanh niên sẽ tham gia lực lượng lao động Ấn Độ trong hai thập niên tới. Ấn Độ sẽ khó bảo đảm việc làm cho số lao động mới đó, nếu không đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng và thay đổi những chính sách khác để kích thích tăng trưởng định hướng xuất khẩu. Theo Ngân hàng Thế giới, tỷ trọng sản xuất trong sản lượng kinh tế của Ấn Độ đã giảm xuống 14% năm 2021, từ 17% vào năm 2006.

Theo Ashoka Mody, giáo sư kinh tế tại Đại học Princeton (Mỹ), tạo công ăn việc làm đầy đủ cho người dân “là vấn đề mà nền kinh tế Ấn Độ chưa bao giờ giải quyết được”.

Theo WSJ

1 BÌNH LUẬN

  1. Nếu tính người Trung Quốc thì Ấn Độ không bao giờ vượt qua được Trung Quốc, người Trung Quốc sinh sống khắp thế giới bây giờ chắc cũng tầm 3 tỉ người, như vậy đến năm 3000 Ấn Độ cũng không vượt qua Trung Quốc được.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới