Dân số vàng và áp lực tài chính trong xã hội già hóa
Doãn Thuỵ
Giai đoạn dân số vàng của Việt Nam ước tính chỉ kéo dài hơn 30 năm, khá ngắn so với nhiều quốc gia láng giềng. Với tỉ lệ 35% người trong độ tuổi lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp, Việt Nam dự báo chịu nhiều áp lực xã hội khi dân cư già hóa. Một khảo sát của Prudential Việt Nam còn cho biết chỉ có 4 trên 10 người tự tin cho tuổi già độc lập về tài chính.
Nguy cơ già hóa sau giai đoạn dân số vàng
Các kết quả nghiên cứu xã hội học ước tính đến năm 2039, Việt Nam sẽ kết thúc thời kỳ dân số vàng và chuyển tiếp sang thời kỳ dân số già. Hiện tại 75% dân số trong độ tuổi lao động đang góp phần quan trọng đưa GDP Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, sự lạc quan này sẽ không kéo dài.
Tổ chức phi chính phủ HelpAge International đánh giá Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Ngoài ra, thu nhập GDP đầu người của Việt Nam năm 2020 (3.500 đô la Mỹ) thấp hơn so với Thái Lan (7.200 đô la Mỹ) và tụt hậu rất xa so với các nước phát triển. Trước xu hướng già hóa dân số nhanh trong bối cảnh mức thu nhập bình quân đầu người thấp, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết người dân Việt Nam có nhiều nguy cơ rơi vào tình trạng "chưa giàu đã già".
Cuối năm 2020, công ty bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam kết hợp với Kantar Việt Nam thực hiện khảo sát trực tuyến “Cuộc sống độc lập khi về già” với trên 500 người từ 30 đến 45 tuổi sinh sống tại TPHCM và Hà Nội. Kết quả cho thấy 85% người được khảo sát mong muốn có cuộc sống độc lập khi về già, và 95% khẳng định tài chính cá nhân là vấn đề quan tâm lớn nhất.
85% người được khảo sát mong muốn có cuộc sống độc lập tuổi về già nhưng chỉ có 4 trên 10 người lên kế hoạch thực hiện. |
“Khảo sát mà Prudential thực hiện phản ánh bức tranh xã hội hiện tại. Mục tiêu của chúng tôi là hướng tới sự thay đổi nhận thức trong cộng đồng để bất kỳ ai cũng có thể bắt đầu chuẩn bị cho mình một tuổi già độc lập", ông Phương Tiến Minh, CEO Prudential Việt Nam chia sẻ.
Người già đang ở đâu?
Sự phát triển các đô thị lớn thu hút làn sóng người trẻ di cư tìm việc làm, để lại phía sau khu vực nông thôn với gần 30% người cao tuổi sống một mình. Trong hội thảo "Dân số và phát triển" của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) tổ chức vào cuối năm 2020 ông Nguyễn Xuân Trường, vụ trưởng Vụ Cơ cấu và Chất lượng dân số (Tổng cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình) cho biết 70% người cao tuổi ở Việt Nam phải tự lao động kiếm sống với sự hỗ trợ của con cháu. Đồng thời, tính toán đến năm 2021, chỉ khoảng 45% người lao động Việt Nam tham gia bảo hiểm xã hội.
PGS. TS. Giang Thanh Long, Viện trưởng Viện Chính sách công và quản lý, Đại học Kinh tế Quốc dân, ước tính các chính sách hỗ trợ của chính phủ hiện nay mới chỉ bao phủ được khoảng 8% đối tượng người cao tuổi. Dự báo năm 2049 số người cao tuổi có nhu cầu hỗ trợ y tế tăng 2,5 lần so với mức 4 triệu hiện nay. Như vậy, khi Việt Nam bước sang thời kỳ dân số già, số người già tăng cao cùng với tỉ lệ không có lương hưu/trợ cấp không những trở thành gánh nặng tài chính cho thế hệ kế cận mà còn tạo áp lực lớn về an sinh xã hội.
Tính toán đến năm 2021, chỉ khoảng 45% người lao động Việt Nam tham gia bảo hiểm xã hội. |
Hành động sớm, tự do tài chính sớm
PGS. TS. Giang Thanh Long cho biết nhiều quốc gia phát triển trên thế giới đã trải qua quá trình “già hóa thành công” thể hiện ở ba trụ cột: sự chuẩn bị về kinh tế, sức khỏe và xã hội. Riêng sự chuẩn về kinh tế, theo ông Long, người cao tuổi “già hóa thành công” là người có thể chủ động chuẩn bị thu nhập ổn định từ nhiều nguồn: lao động, hưu trí, bảo hiểm…
Đơn cử, ông Nguyễn Quốc Toản (65 tuổi), cựu cán bộ quản lý của Vietsovpetro, đã đầu tư vào dãy trọ tại khu nhà Bè, TPHCM từ năm 2003 đến nay để có thêm một nguồn thu đáng kể bên cạnh khoản lương hưu 10 triệu đồng mỗi tháng. Trong khi đó, anh Nguyễn Quốc Tuấn (37 tuổi), con trai ông Toản, lại có cách tiếp cận chủ động, áp dụng quy tắc quản lý tài chính “50:30:20” khi nhìn nhận cơ hội “giàu lên từ đất” có thể không còn đúng với thế hệ millennials. Mỗi tháng anh dành 50% thu nhập cho sinh hoạt và hóa đơn tiện ích, 30% cho nhu cầu cá nhân như giải trí, mua sắm và 20% còn lại để tiết kiệm, đầu tư.
PGS. TS. Giang Thanh Long cho rằng nên khuyến khích các tổ chức bảo hiểm, ngân hàng… tham gia tích cực vào việc cung cấp các dịch vụ liên quan tới bảo hiểm nhân thọ. Sự đa dạng đó sẽ tạo lưới an sinh xã hội cho những người có thu nhập trung bình trở lên, trong khi đó, mạng lưới trợ giúp xã hội mở rộng cũng tạo lưới an sinh thu nhập và bảo vệ sức khỏe cho người có thu nhập thấp.
Ông Phương Tiến Minh, CEO Prudential Việt Nam, cho rằng mỗi cá nhân nên chọn một kế hoạch phù hợp càng sớm thì càng dễ đạt được tự do tài chính và độc lập khi về già. |
Ông Phương Tiến Minh, CEO Prudential Việt Nam, nhận định già hóa dân số là một thách thức, nếu các nhà quản lý phải giải quyết cân đối vấn đề vĩ mô về kinh tế và xã hội thì mỗi cá nhân có thể chủ động giải quyết bằng cách sắp xếp kế hoạch tài chính phù hợp, và chuẩn bị càng sớm thì càng dễ đạt được tự do tài chính và độc lập khi về già.
Mời xem thêm:
Cơ hội tư vấn sức khỏe miễn phí với bác sĩ trực tuyến
Bảo hiểm trực tuyến đầu tiên bảo vệ trước rủi ro bệnh ung thư, đột quỵ và nhồi máu cơ tim