Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đang “án binh bất động”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đang “án binh bất động”

Ngọc Lan

Thương lái mua lúa, gạo ở ĐBSCL. Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ.

(TBKTSG) – Giá xuất khẩu gạo bình quân tính đến trung tuần tháng 2 đã tăng 31,4 đô la Mỹ/tấn so với cùng kỳ năm trước. Số lượng, trị giá xuất khẩu cũng đã có những thay đổi đáng kể ngay từ đầu năm. Tuy nhiên, chưa thấy Bộ Công Thương và Hiệp hội Lương thực (VFA) có những động thái rõ rệt chuẩn bị đón đầu tình hình tăng giá lương thực thế giới.

Theo báo cáo của VFA, tính đến ngày 10-2-2011, Việt Nam đã xuất khẩu 604.000 tấn (lấy tròn số), với trị giá FOB bình quân là 302 triệu đô la Mỹ, trị giá CIF là 320 triệu đô la. Tính ra giá bình quân khoảng hơn 500 đô la Mỹ/tấn. Kết quả này cho thấy lượng gạo xuất khẩu tăng 27,7%, trị giá FOB tăng 36,34%, còn giá bình quân tăng hơn 31 đô la Mỹ/tấn so với cùng kỳ năm 2010.

Việc giao lượng gạo xuất khẩu lớn nhất từ trước đến nay trong tháng 1, rồi giá lương thực thế giới tăng cao… chưa khiến cho các cơ quan điều hành xuất khẩu “nóng” theo.

Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, cho rằng: năm nay dư địa thị trường xuất khẩu gạo khá lớn nên doanh nghiệp không gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ. Do vậy chưa thể mạo hiểm ký các hợp đồng lớn vì lo ngại các biến động, rủi ro. Việc sản lượng lúa năm nay dự kiến sẽ tăng (khoảng 40 triệu tấn lúa, tương đương 25 triệu tấn gạo) không phải là tín hiệu khiến các doanh nghiệp bán đổ, bán tháo do e ngại nguồn cung lớn.

Phía Bộ Công Thương đến nay cũng “án binh, bất động”. Trong báo cáo hôm 16-2 mà bộ này trình Chính phủ, ngoài việc thống kê và lý giải về nguyên nhân tăng kim ngạch xuất khẩu đột biến các mặt hàng trong tháng 1 là do giá thế giới tăng, nhu cầu một số mặt hàng từ thị trường thế giới gia tăng… không có thông tin nào cho thấy kế hoạch ứng phó trước diễn biến giá lương thực thế giới đang có nhiều biến động. Việt Nam sẽ tận dụng cơ hội này như thế nào với tư cách là nước xuất khẩu gạo thứ hai thế giới, hiện đang chi phối khoảng 67,5% thị phần xuất khẩu tại Đông Nam Á, nơi có hai quốc gia là Philippines và Indonesia nhập khẩu lương thực nhiều nhất.

Trên thực tế tình hình xuất nhập khẩu gạo trên thế giới từ cuối năm 2010 đến nay có những diễn biến phức tạp. Như việc Bangladesh đã nhập khẩu tới 400.000 tấn gạo từ Việt Nam trong năm 2010 và dự kiến nhập thêm 250.000 tấn trong năm nay. Một số bạn hàng truyền thống khác như Indonesia, Philippines nhu cầu nhập khẩu cũng lớn nhưng lại đang chờ Việt Nam thu hoạch vụ đông xuân xong để ép giá.

Mặt khác, diễn biến thời tiết bất thường ở Trung Quốc, Ấn Độ, sự bất ổn tại châu Phi và nhu cầu thế giới gia tăng là một thực tế không thể không quan tâm. Như vậy, việc kiểm soát và điều tiết nguồn cung vẫn hoàn toàn nằm trong tay các nhà xuất khẩu gạo.

Ở đây, một vấn đề đặt ra là nên gia tăng xuất khẩu gạo hay găm hàng chờ giá? Đây là một bài toán khó, đòi hỏi sự linh hoạt của các nhà điều hành bởi nhanh hay chậm một chút thôi có thể ảnh hưởng rất lớn đến tình hình xuất khẩu của cả năm. Trường hợp hạn chế xuất khẩu gạo hồi tháng 4-2008 lúc giá thế giới tăng mạnh, gây thiệt hại cho nông dân là một bài học kinh nghiệm chưa thể quên.

Ông Phong cho là nhu cầu tiêu thụ gạo của thế giới còn lớn nên nếu chủ động được nguồn dự trữ, Việt Nam sẽ chủ động điều tiết giá bán trên thị trường. Phía lãnh đạo Bộ Công Thương, theo thông tin của TBKTSG là muốn chờ giá lên nữa mới quyết định. Nhưng dù có điều tiết được số lượng xuất khẩu và giữ vững vị trí nguồn cung gạo thứ hai ở thế giới, Việt Nam cho đến nay vẫn “ăn theo” giá thế giới nhiều hơn là điều tiết được giá bán trên thị trường do chất lượng gạo không cao.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới