Thứ tư, 1/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Đằng sau của ‘thiếu cơ sở pháp lý’

Kinh tế Sài Gòn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Trong kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8 vừa được trình lên Chính phủ, Bộ Công Thương cho rằng chưa thể thí điểm giao tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và một số doanh nghiệp trong nước khác dự án làm điện gió ngoài khơi do chưa đủ cơ sở pháp lý. Cụ thể hơn, theo Bộ Công Thương, do Quy hoạch không gian biển quốc gia chưa được phê duyệt nên chưa có căn cứ xác định phạm vi quản lý biển; pháp luật về đầu tư chưa quy định cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư điện gió ngoài khơi nên chưa có cơ sở pháp lý để giao doanh nghiệp triển khai các dự án.

Như vậy, các dự án điện gió ngoài khơi trị giá hàng tỉ đô la Mỹ tiếp tục phải chờ “cơ sở pháp lý” vô thời hạn; đồng thời con đường để đưa nguồn năng lượng sạch và không bao giờ cạn kiệt này từ biển thành một mặt hàng xuất khẩu mới vẫn chưa được khai thông. Hiện đã có ít nhất ba dự án đầu tư điện gió ngoài khơi để xuất khẩu sang Singapore, với tổng công suất 5.300 MW, đang chờ để được triển khai.

Việc phát triển điện gió ngoài khơi bị bế tắc vì thiếu hành lang pháp lý một lần nữa cho thấy sự trì trệ của bộ máy công quyền, vì chủ trương phát triển ngành này không mới mà đã được xác định rõ ràng tại Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12. Xa hơn nữa, Nghị quyết 03 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế biển, được ban hành cách nay hơn 30 năm, cũng đã xác định phải khai thác mọi tiềm năng của biển để phát triển kinh tế. Vì vậy, không thể đổ lỗi cho thiếu chủ trương nên không thể xây dựng hành lang pháp lý để mở đường cho ngành điện gió ngoài khơi phát triển, mà chỉ có thể là do trì trệ.

Với vấn đề quy hoạch cũng vậy. Luật Quy hoạch 2017 đã quy định khá rõ nội dung về quy hoạch không gian biển quốc gia, nhưng sáu năm sau bản quy hoạch quan trọng này vẫn chưa có, nên không có căn cứ để xác định phạm vi quản lý biển, và do đó những ngành cần không gian biển để phát triển, như điện gió, không có cơ sở để triển khai.

Điều đáng nói ở đây là vấn đề phát triển kinh tế biển đã được đưa thành nghị quyết từ hơn 30 năm trước, nhưng đến tận nay vẫn chưa thể phê duyệt được Quy hoạch không gian biển quốc gia thì lấy cơ sở gì để phát triển kinh tế biển, nhất là với những ngành cần sử dụng không gian biển và mặt nước.

Vào Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10 năm nay, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 41 về xây dựng và phát huy đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Không phải ngẫu nhiên mà nhiệm vụ “hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển, cống hiến” được đưa vào nghị quyết này và đặt lên hàng đầu trong bảy nhóm nhiệm vụ cần thực hiện. Nó phần nào cho thấy đây vẫn còn là một trong những rào cản đối với tiềm lực phát triển của đội ngũ doanh nhân cũng như doanh nghiệp ở Việt Nam.

Hy vọng rằng, những nhóm nhiệm vụ được Nghị quyết 41 nêu ra sẽ không chỉ dừng lại ở nghị quyết, mà sẽ được mau chóng hiện thực hóa thành chính sách và pháp luật để đội ngũ doanh nhân không còn phải bất an, lo lắng vì “cơ sở pháp lý” nữa.

2 BÌNH LUẬN

  1. Không có khái niệm “chưa đủ cơ sở pháp lý”. Chỉ cần ” xây dựng ngay hành lang pháp lý”. Singapore đã ký ghi nhớ hợp đồng mua điện tái tạo của VN. Vậy không còn lý do gì để chậm trễ nữa ?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới