Đằng sau điểm sáng chứng khoán
Triêu Dương
(KTSG) - Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, hoạt động của các doanh nghiệp suy yếu, sức cầu tiêu dùng giảm, diễn biến sôi động của thị trường chứng khoán phần nào mang lại những tín hiệu tích cực.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã bước lên một tầm cao mới. Ảnh: THÀNH HOA |
Điểm sáng hiếm hoi
Năm năm trước, tức năm 2016, tổng giá trị giao dịch cổ phiếu bình quân trên toàn thị trường, gồm ba sàn HOSE, HNX và UpCom, chỉ mới hơn 3.000 tỉ đồng/ngày. Năm 2017, tổng giá trị giao dịch tăng 67% lên hơn 5.000 tỉ đồng/ngày, năm 2018 tăng 30% lên hơn 6.500 tỉ đồng/ngày, chủ yếu nhờ vào thanh khoản đột biến trong năm tháng đầu năm khi các chỉ số đạt đỉnh. Năm 2019, đi cùng với xu hướng điều chỉnh của thị trường, giá trị giao dịch giảm 29% so với năm 2018, xuống chỉ còn hơn 4.600 tỉ đồng/ngày.
Năm 2020, bất chấp những ảnh hưởng của đại dịch Covid- 19 và sự lao dốc của thị trường trong quí 1, tổng giá trị giao dịch vẫn tăng mạnh 62% lên bình quân hơn 7.500 tỉ đồng/ngày, chủ yếu tăng vọt vào những tháng cuối năm.
Trong sáu tháng đầu năm nay, cùng với xu hướng tăng mạnh của thị trường và các chỉ số liên tục lập các đỉnh cao mới, tổng giá trị giao dịch bình quân tăng vọt 197% lên gần 22.500 tỉ đồng/ngày. Các phiên giao dịch tỉ đô đã không còn là điều xa xỉ, thậm chí chỉ tính riêng trên sàn HOSE. Sự đột biến về giá trị lẫn khối lượng đã đẩy sàn HOSE thường xuyên gặp sự cố nghẽn lệnh trong giai đoạn đầu năm.
Kết quả tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ của các nhóm ngành như ngân hàng, bất động sản và sự sôi động của thị trường chứng khoán đã phần nào giúp bù đắp cho nguồn thu ngân sách. |
Thống kê như thế để cho thấy thị trường chứng khoán Việt Nam đã bước lên một tầm cao mới, nhờ vào lực lượng nhà đầu tư mới hùng hậu với dòng tiền ngày càng tham gia nhiều hơn, thể hiện qua số tài khoản chứng khoán mở mới liên tục thiết lập kỷ lục. Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, hoạt động của các doanh nghiệp suy yếu, sức cầu tiêu dùng giảm, diễn biến sôi động của thị trường chứng khoán phần nào mang lại những tín hiệu tích cực.
Đầu tiên phải kể đến là nguồn thu ngân sách nhà nước, khi thống kê cho thấy trong bảy tháng đầu năm nay, tổng thu ngân sách đạt 763.805 tỉ đồng, hoàn thành 68,4% so với dự toán cả năm và tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, thu thuế khối ngân hàng thương mại tăng 72,9%, khối bất động sản tăng 61,7%, đặc biệt khối chứng khoán tăng vọt 247% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong bối cảnh nguồn thu từ các lĩnh vực khác bị suy yếu do ảnh hưởng của dịch bệnh, Chính phủ lại phải chi tiêu nhiều hơn cho các chính sách phòng, chống dịch, các chương trình trợ cấp phúc lợi, đẩy mạnh đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng, kết quả tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ của các nhóm ngành như ngân hàng, bất động sản và sự sôi động của thị trường chứng khoán đã phần nào giúp bù đắp cho nguồn thu ngân sách.
Chẳng những vậy, xu hướng tăng trưởng tích cực của thị trường chứng khoán đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn chứng khoán phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn. Cụ thể trong hơn một năm qua, tận dụng diễn biến thị trường thuận lợi, dòng tiền nhà đầu tư đổ vào ồ ạt, hàng loạt doanh nghiệp đã tăng vốn khủng thành công.
Kết quả này thật sự có nhiều ý nghĩa, vì giúp các doanh nghiệp tăng nội lực tài chính vững mạnh hơn, nhất là đặt trong bối cảnh hoạt động kinh doanh trì trệ, khó khăn, sức tiêu thụ sản phẩm bị ảnh hưởng khiến doanh thu giảm sút, trong khi chi phí vận hành phải chịu áp lực để chống đỡ dịch bệnh. Bên cạnh đó, vẫn có nhiều doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vì thuộc nhóm ngành được hưởng lợi trong giai đoạn dịch bệnh, giúp doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ, kéo theo giá cổ phiếu tăng vọt, càng mở ra cơ hội tăng vốn thuận lợi.
Hệ quả trớ trêu
Đáng lưu ý là không ít trong số các doanh nghiệp có thể tăng vốn thuận lợi qua thị trường chứng khoán này lại có đủ điều kiện tiếp cận vốn vay ngân hàng và thậm chí được hưởng các cơ chế ưu đãi, từ lãi suất cho đến hạn mức, bởi vì các doanh nghiệp hiệu quả luôn là đối tượng săn tìm, cạnh tranh lôi kéo của các ngân hàng. Điều này dẫn đến một hệ quả trớ trêu là những doanh nghiệp có đủ khả năng tự tăng vốn, kinh doanh vẫn hiệu quả thì con đường tiếp cận vốn vay ngân hàng luôn rộng mở dù họ không cần đến, ngược lại những doanh nghiệp đang chìm đắm trong khó khăn, không thể tăng vốn thì càng gặp khó trong việc tìm kiếm nguồn vốn vay.
Và phần lớn trong số doanh nghiệp không vay được này rơi vào những doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa được niêm yết trên sàn chứng khoán. Do đó, mấu chốt trong các chính sách giải cứu và hỗ trợ hiện nay nên hướng đến những doanh nghiệp này (chiếm tỷ trọng tới hơn 96% tổng số doanh nghiệp cả nước).
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong bảy tháng đầu năm nay, có gần 79.700 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2020, bao gồm: gần 40.300 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước; 28.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,6%; 11.400 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 27,4%. Bức tranh xám xịt này có lẽ sẽ còn đậm màu hơn trong thời gian tới, nhất là khi diễn biến dịch bệnh đang phức tạp.
Dù nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa bấy lâu này vẫn là đối tượng mục tiêu của các cơ chế, chính sách hỗ trợ, đơn cử như lãi suất ưu đãi dành cho nhóm này hiện chỉ còn 4,5%/năm, nhưng rõ ràng không nhiều trong số này có thể tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng. Nay đứng trước khó khăn vì bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, cơ hội vay vốn càng trở nên xa vời.
Cũng cần biết rằng không như những doanh nghiệp, tập đoàn lớn vốn hoạt động trong nhiều lĩnh vực, đa dạng hóa nguồn thu, lợi thế quy mô lớn và có khả năng chiếm dụng vốn của đối tác, lượng tiền mặt duy trì thường khá lớn để đảm bảo thanh khoản và trang trải trong bối cảnh dịch bệnh, các doanh nghiệp nhỏ bé này thường chỉ hoạt động gói gọn trong 1-2 lĩnh vực, doanh thu có tính tập trung chỉ vào một vài khách hàng, dự án, nguồn tiền mặt lại khá hạn chế nên khả năng sống sót qua mùa dịch là rất thấp nếu không nhận được những hỗ trợ tạm thời.
Gần đây, đi cùng với chính sách tiền tệ nới lỏng, chính sách tài khóa rộng mở hơn cũng đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ cho nền kinh tế nói chung và cộng đồng doanh nghiệp, các hộ kinh doanh nói riêng, như gần đây nhất là nghị quyết về miễn giảm thuế cho doanh nghiệp, người dân. Dù vậy, điều mà các doanh nghiệp cần nhất trong lúc này vẫn là khả năng duy trì hoạt động sản xuất, chuỗi cung ứng không bị đứt gãy, mạng lưới phân phối được giữ vững để đảm bảo vẫn có doanh thu đủ bù đắp cho chi phí hoạt động.