Thứ hai, 2/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Đằng sau hào quang xuất khẩu

Khánh Nguyên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Trên con đường dẫn đến viễn cảnh thu nhập cao của Việt Nam, sự thay đổi về mặt tư duy, chiến lược, việc lựa chọn các mặt hàng xuất khẩu cùng với cách thức đạt được các mục tiêu này là thách thức không dễ giải quyết. Vậy nên, những phân tích và gợi mở trong Báo cáo Việt Nam 2045 - Nâng cao vị thế thương mại trong một thế giới đang thay đổi của Ngân hàng Thế giới cần được nhìn nhận thẳng thắn.

Trong lĩnh vực chế biến Việt Nam cần tiếp tục nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị bằng cách cải thiện về công nghệ, kỹ năng và đổi mới sáng tạo nhằm đem lại giá trị tăng cao hơn. Ảnh: T.L

Nhiều sự thật... đắng

Nhiều năm trở lại đây, khi cán cân xuất khẩu ngày càng ghi nhận phần đóng góp lớn dần, lên tới trên 70% tổng kim ngạch, của khu vực đầu tư nước ngoài (FDI), các chuyên gia kinh tế, những người quan tâm tới việc xây dựng nội lực vững chắc của nền kinh tế càng thêm trăn trở về bản chất của thành tích xuất khẩu. Nỗi lo đó hoàn toàn hữu lý, nhất là khi nhìn vào những mặt trái trong câu chuyện xuất khẩu, biểu hiện của một nền “kinh tế kép” bị hạn chế về liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước được báo cáo mới công bố của Ngân hàng Thế giới đề cập.

Thứ nhất, dù mô hình tăng trưởng hiện nay của Việt Nam chủ yếu dựa vào xuất khẩu, doanh nghiệp nước ngoài đóng góp tới 73% tổng kim ngạch. Hầu hết các doanh nghiệp trong nước có xu hướng tập trung vào các lĩnh vực không có khả năng giao dịch thương mại, chưa có khả năng tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, trực tiếp hoặc gián tiếp với tư cách nhà cung cấp. Trong năm 2023, chỉ có 18% doanh nghiệp có kết nối với các chuỗi giá trị toàn cầu, giảm 17 điểm phần trăm so với năm 2009.

Trong giai đoạn 2010-2020, giá trị bình quân trên mỗi đơn vị xuất khẩu của Việt Nam đã tăng gấp đôi nhưng khối lượng xuất khẩu tăng lên đến gần 10 lần trong cùng kỳ, dù đây là thời điểm các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã chuyển mạnh sang lĩnh vực chế biến, chế tạo, từ may mặc, dệt và giày da đến hàng điện tử, máy móc.

Thứ hai, kết nối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước còn yếu. Theo cơ sở dữ liệu về hoạt động của doanh nghiệp đa quốc gia của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), doanh nghiệp FDI trong các lĩnh vực chế biến, chế tạo ở Việt Nam thu mua đầu vào trong nước với tỷ lệ thấp hơn (53%) so với các quốc gia so sánh gồm Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines...

Tương tự, khảo sát Nhịp đập doanh nghiệp đa quốc gia của Ngân hàng Thế giới năm 2023 cho thấy các công ty đa quốc gia tại Việt Nam có tỷ lệ thu mua đầu vào trong nước thuộc dạng thấp nhất trong số các quốc gia khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.

Thứ ba, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào số lượng chứ chưa phải chất lượng. Trong giai đoạn 2010-2020, giá trị bình quân trên mỗi đơn vị xuất khẩu của Việt Nam đã tăng gấp đôi nhưng khối lượng xuất khẩu tăng lên đến gần 10 lần trong cùng kỳ, dù đây là thời điểm các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã chuyển mạnh sang lĩnh vực chế biến, chế tạo, từ may mặc, dệt và giày da đến hàng điện tử, máy móc.

Thứ tư, Việt Nam chuyên môn hóa vào các hoạt động thâm dụng lao động, đòi hỏi kỹ năng thấp, đem lại giá trị gia tăng thấp. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, hàm lượng giá trị gia tăng trong nước của hàng xuất khẩu Việt Nam trong các lĩnh vực chế biến, chế tạo đạt tốc độ tăng trưởng bình quân tính theo năm ở mức 22% trong giai đoạn 2005-2019. Đến năm 2020, hàm lượng giá trị gia tăng trong nước của hàng xuất khẩu đạt trên 1.400 đô la Mỹ/đầu người, thấp hơn các nền kinh tế định hướng xuất khẩu so sánh như Thái Lan hoặc Malaysia.

Bên cạnh đó, theo số liệu năm 2018, tỷ trọng tổng hàm lượng dịch vụ trong tổng kim ngạch xuất khẩu mới chỉ đạt 12%, thấp nhất trong các nước được nghiên cứu gồm Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ, Campuchia, Mexico, Philippines. Trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, tỷ lệ này thậm chí chỉ đạt mức 7%.

Theo dữ liệu của OECD, trong giai đoạn 1995-2019, dù đi đầu về tăng trưởng việc làm gắn với xuất khẩu, với mức tăng 30 điểm phần trăm từ năm 1995-2020, tăng trưởng việc làm gắn với nhu cầu trong nước ở mức âm. Xu hướng nêu trên đặt Việt Nam vào vị thế bấp bênh, dẫn đến nguy cơ dễ tổn thương rất cao nếu như thương mại toàn cầu đi xuống hoặc sự tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu bị gián đoạn.

Cuối cùng, về cơ cấu lao động, doanh nghiệp FDI, tuy chỉ chiếm 3% trong tổng số 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động ở Việt Nam, nhưng lại sử dụng 17,8 triệu lao động, tương đương 35% lực lượng lao động trong khu vực chính thức của quốc gia vào năm 2020. Đáng nói hơn, theo dữ liệu của OECD, trong giai đoạn 1995-2019, dù đi đầu về tăng trưởng việc làm gắn với xuất khẩu, với mức tăng 30 điểm phần trăm từ năm 1995-2020, tăng trưởng việc làm gắn với nhu cầu trong nước ở mức âm. Theo các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, xu hướng nêu trên đặt Việt Nam vào vị thế bấp bênh, dẫn đến nguy cơ dễ tổn thương rất cao nếu như thương mại toàn cầu đi xuống hoặc sự tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu bị gián đoạn.

Nhìn về tương lai

Theo các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, để trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045, thu nhập hiện nay của Việt Nam cần tăng gấp 3, nghĩa là phải duy trì tăng trưởng GDP bình quân theo đầu người ở mức khoảng 6%/năm trong 20 năm tới. Kinh nghiệm của Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, và hiện nay là Trung Quốc cho thấy, Việt Nam cần tiếp tục nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị, chuyển dịch sang các lĩnh vực dịch vụ và chế biến, chế tạo đem lại giá trị gia tăng cao hơn, bằng cách cải thiện về công nghệ, kỹ năng và đổi mới sáng tạo.

Vấn đề nằm ở chỗ, để đạt được điều này, Việt Nam sẽ phải trải qua một cuộc tái cơ cấu, trong đó, phải nâng cao chất lượng doanh nghiệp và nhân lực, tiến nhanh về kỹ thuật, công nghệ trong điều kiện nguồn đầu tư khiêm tốn để nâng cao tỷ trọng doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI trong những phần việc có giá trị gia tăng cao hơn và thu hút được đầu tư FDI vào những ngành công nghệ cao, đổi mới sáng tạo.

Các chủ thể tham gia vào quá trình này buộc phải có sự thay đổi tương ứng với các mục tiêu trên. Theo đó, doanh nghiệp nội địa phải tự trưởng thành, đầu tư hiệu quả vào công nghệ, đổi mới sáng tạo, bắt kịp yêu cầu của khối FDI. Số lượng và chất lượng của lao động có kỹ năng tại Việt Nam phải được nâng lên tương ứng và sự chuyển dịch về chất của nguồn nhân lực phải đón trước và phục vụ kịp thời cho những thay đổi trong cơ cấu ngành nghề và làn sóng FDI thế hệ mới.

Chọn điểm khởi đầu cho quá trình chuyển đổi và cách thức thực hiện mục tiêu này đã khó, lèo lái công cuộc này trong bối cảnh bất ổn địa chính trị ảnh hưởng tới thương mại và đầu tư của rất nhiều quốc gia càng là một nhiệm vụ thách thức hơn. Thế nhưng, nếu không chuyển đổi, theo các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam phải đối mặt với rủi ro thực tế là tăng trưởng sẽ giảm tốc sớm, có khả năng cản trở tiến trình kinh tế và tạo ra nguy cơ dễ tổn thương với cạnh tranh trên toàn cầu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới