Thứ Hai, 22/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Đằng sau niềm vui cho ngân sách

An Nhiên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Tại hội nghị tổng kết công tác của ngành tài chính vào đầu tuần này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, bức tranh tài chính năm 2022 có nhiều điểm sáng dù trong khó khăn, thách thức. Một trong những điểm sáng phải kể tới kết quả thu ngân sách nhà nước.

Tính đến ngày 15-12, số thu đạt 1,69 triệu tỉ đồng, vượt 19,8% dự toán và cao hơn 78.000 tỉ đồng so với đánh giá thực hiện cả năm đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10-2022). Trong đó, thu ngân sách trung ương vượt 19,3% dự toán; thu ngân sách địa phương vượt 20,4% dự toán.

Thu ngân sách tính đến ngày 15-12 đạt 1,69 triệu tỉ đồng, vượt 19,8% dự toán. Ảnh: LÊ VŨ

Có thể thấy rõ hơn đóng góp của các khu vực cho ngân sách khi nhìn vào số liệu của ngành thuế. Trong năm 2022, tổng thu ngân sách do ngành thuế quản lý ước đạt 1,46 triệu tỉ đồng, bằng 124,3% dự toán (vượt 285.200 tỉ đồng) và tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, thu nội địa ước đạt gần 1,39 triệu tỉ đồng, bằng 121% dự toán (vượt 240.500 tỉ đồng). Số thu thuế, phí nội địa cũng vượt 149.600 tỉ đồng và tăng 5,3% so với thực hiện năm 2021.

Hầu hết các khu vực, khoản thu, sắc thuế đều có mức tăng trưởng so với cùng kỳ và hoàn thành vượt mức dự toán, đặc biệt là ba khoản thu lớn từ khu vực sản xuất, kinh doanh như: khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 115,7%; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 108,1%; khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh đạt 116,3%…

Cũng theo Tổng cục Thuế, trong số 16/19 khu vực, khoản thu, sắc thuế có mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2021, thu thuế thu nhập cá nhân “đứng đầu bảng” với mức tăng 24,6%; kế đến là lệ phí trước bạ tăng 21,3%; thu tiền sử dụng đất tăng 13,2%…

Có nhiều lý do khiến thu thuế thu nhập cá nhân tăng cao như vậy. Chẳng hạn, dự toán thu năm nay được xây dựng với tâm lý thận trọng sau hai năm đại dịch Covid-19 tàn phá nền kinh tế và tác động mạnh đến người dân, doanh nghiệp (ngành thuế dự kiến thu được 118.000 tỉ đồng, tăng 4,1% so với năm 2021). Bên cạnh đó, sự hồi phục của nền kinh tế đã giúp cải thiện tiền lương, tiền công của người lao động, đây cũng là nguồn thu đóng góp lớn nhất cho sắc thuế này.

Nếu bỏ qua thắc mắc vì sao năm nào thu ngân sách nhà nước cũng rơi vào cảnh “dự toán thấp, thực hiện cao” và những hệ lụy đằng sau thì có thể tạm “phấn khởi” với thành tích của ngành tài chính năm nay. Hàng trăm ngàn tỉ đồng vượt thu là nguồn lực đáng kể cho đất nước trong bối cảnh nhu cầu chi tiêu lớn, diễn biến kinh tế năm tới vẫn còn khó khăn và đối diện nhiều yếu tố bất định.

Vậy nhưng, sau niềm vui cho ngân sách, hơn lúc nào hết, Chính phủ, trực tiếp là Bộ Tài chính, cần xem xét tính hợp lý của mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế thu nhập cá nhân và người phụ thuộc; đồng thời phải “tính đúng, tính đủ” các khoản chi được giảm trừ vào thu nhập chịu thuế khi mà giá cả hàng hóa và nhiều chi phí của đời sống đã tăng mạnh.

Sau lần điều chỉnh gần nhất vào năm 2020, mức giảm trừ gia cảnh cho người đóng thuế thu nhập cá nhân hiện là 11 triệu đồng/tháng, người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. Mọi người dân đều cảm nhận rõ sự lỗi thời, lạc hậu của các định mức này!

Thực tế họ đang phải chi trả một mức giá mới khá cao cho hầu hết mặt hàng, dịch vụ, từ mớ rau, bát phở… Giá cả tăng “nhẹ nhàng” 3,02% trong 11 tháng đầu năm hay dưới 4% trong cả năm nay dường như chỉ là cảm nhận của riêng cơ quan thống kê mà thôi!

Một bất cập lớn nữa là các khoản chi được giảm trừ vào thu nhập chịu thuế hiện nay quá ít, chưa được tính đúng, tính đủ. Người lao động chỉ có bốn khoản giảm trừ là: giảm trừ gia cảnh; các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo; đóng bảo hiểm bắt buộc; và đóng góp quỹ hưu trí.

Những chi phí khác như học phí, tiền thuê nhà, chi phí y tế… đều không được giảm trừ, dù đây là những chi phí thiết yếu và mức chi không nhỏ. Chính điều này tạo gánh nặng rất lớn cho người lao động. Không những thế, người lao động còn phải chịu bất bình đẳng, bởi theo quy định hiện hành, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam được khấu trừ tiền học phí cho con, tiền mua vé máy bay về phép…

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân theo chỉ đạo của Chính phủ. Sửa đổi luật lần này nên theo hướng “khoan thư sức dân” – tức là nuôi dưỡng nguồn thu, giảm khó khăn cho người lao động. Mặt khác, thuế cũng là một công cụ chính sách để phân phối lại của cải trong xã hội hướng đến mục tiêu giảm bất bình đẳng xã hội.

Theo đó, cần tăng mức giảm trừ gia cảnh để người dân bớt gánh nặng tài chính; mở rộng các khoản chi tiêu được giảm trừ khi tính thu nhập chịu thuế như chi tiêu y tế, giáo dục, bảo hiểm tự nguyện… cho cả người đóng thuế và người phụ thuộc.

Làm được như vậy, người lao động sẽ có động lực lao động và đóng thuế tốt hơn; đồng thời vẫn giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của họ. Và khi chất lượng cuộc sống của người dân tốt hơn, sự thịnh vượng của người dân, của đất nước và mức độ hài hòa xã hội sẽ được nâng cao.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới