Thứ bảy, 22/02/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Đằng sau nỗi sợ chốn đông người

TS. BS. Phạm Minh Triết

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Rất nhiều người đã trải qua chứng sợ khoảng rộng mà không biết rằng nó có tên gọi, có nguyên nhân và có cách điều trị. Điều quan trọng nhất là đừng tự trách mình hay nghĩ rằng đó là do bản thân yếu đuối. Đây là một chứng rối loạn tâm lý có thể được cải thiện nếu có phương pháp phù hợp và sự kiên trì.

Tôi nhận được tin nhắn qua Zalo từ một người lạ: “Em tên Liên (tên bệnh nhân đã được thay đổi), là người quen của bác sĩ K., muốn được bác sĩ điều trị rối loạn lo âu cho em”.

Một lần bị mắc kẹt

Liên hiện đang sinh sống ở Đức. Trong một lần đi chơi ở một nước lân cận, cô bị trúng thực nặng, nôn ói và tiêu chảy liên tục đến mức mất nước nghiêm trọng. Liên phải nhập viện khẩn cấp, nhưng bệnh viện nhỏ ở đó không có đủ phương tiện chẩn đoán và điều trị. Các bác sĩ nói rằng cô cần được điều trị với một loại thuốc, nhưng do thiếu nguồn cung, họ không thể cung cấp ngay lập tức. Cô nằm trên giường bệnh, cơ thể yếu ớt, đầu óc quay cuồng, cảm giác như bị bỏ rơi ở một nơi xa lạ.

Những nhân viên y tế xung quanh nói một thứ ngôn ngữ mà cô hoàn toàn không hiểu, khiến cô càng thêm hoang mang. Mọi thứ trở nên mơ hồ, thời gian trôi qua chậm chạp, còn Liên thì chỉ cảm thấy mỗi giây phút trôi qua đều là một cuộc chiến để giữ lấy sự sống.

Rất nhiều người đã trải qua chứng sợ khoảng rộng mà không biết rằng nó có tên gọi, có nguyên nhân và có cách điều trị.

“Lúc đó em thực sự hoảng loạn. Em cảm giác mình bị mắc kẹt, không thể thoát ra khỏi nơi đó, không thể tìm được ai để giúp mình. Em muốn về nhà, muốn được một ai đó quen thuộc đến bên cạnh, nhưng không ai có thể giúp em ngay lập tức. Em sợ rằng nếu em yếu đi, nếu em bất tỉnh, em sẽ không bao giờ tỉnh lại nữa. Đêm đó, em nằm bất động, nhìn lên trần nhà, cảm giác như mình bị nhấn chìm trong một nỗi sợ hãi vô hình, không thể cầu cứu ai, không thể thoát ra khỏi hoàn cảnh này. Chưa bao giờ em cảm thấy cô đơn và bất lực đến thế”, Liên nhắn.

Liên đã hồi phục sau đó và trở về Đức, nhưng cảm giác sợ hãi không biến mất mà còn lớn dần lên mỗi ngày. Cô bắt đầu có những cơn lo âu dữ dội mỗi khi ra ngoài, đặc biệt là khi đi trên xe điện hoặc đến nơi đông người.

“Em cảm thấy như mình không còn là chính mình nữa. Trước đây, em vẫn tự do đi lại, tận hưởng cuộc sống, nhưng bây giờ, chỉ cần nghĩ đến việc đi siêu thị hay bước lên xe điện là tim em đã đập loạn nhịp. Có lần, em vừa đặt chân lên toa tàu thì cảm giác như cả thế giới sụp xuống, đầu óc quay cuồng, mồ hôi túa ra khắp người. Em muốn bỏ chạy nhưng chân cứng đờ. Em không thể làm gì ngoài việc ôm lấy ghế, chờ cơn hoảng loạn qua đi…”.

“Lâu dần, em sợ hãi đến mức chỉ muốn ở nhà, tránh xa tất cả. Em đã thử tự nhủ rằng không có gì đáng sợ, rằng mọi thứ vẫn bình thường, nhưng cơ thể em không nghe theo. Ngực em như bị thắt chặt, hơi thở ngắn và dồn dập, tay chân lạnh toát. Em sợ nếu mình ngất đi giữa đám đông, chẳng ai giúp em cả. Ở nhà có lẽ là an toàn nhất…”.

Nhưng rồi, cô bật khóc: “Nhưng mà em còn phải kiếm sống nữa, ở nhà hoài sao được?”.

Chứng sợ khoảng rộng - không phải là hiếm gặp

Những gì Liên đang trải qua không phải là hiếm gặp. Chứng sợ khoảng rộng (Agoraphobia) hình thành khi một người kinh qua một trải nghiệm hoảng loạn tột cùng và bắt đầu sợ rằng nó có thể lặp lại. Liên không chỉ sợ nơi đông người mà sợ chính cảm giác bị mắc kẹt, bị bỏ lại mà không có ai giúp đỡ. Đây không phải là nỗi sợ đơn thuần về đám đông hay xã hội, mà là nỗi ám ảnh về tình huống không có đường thoát.

Đó là lý do cô né tránh không gian công cộng, phương tiện giao thông, thậm chí cả những hoạt động thường ngày như đi siêu thị hay đi dạo quanh khu phố. Cô không muốn mình một lần nữa rơi vào trạng thái mất kiểm soát mà không thể tìm được sự giúp đỡ.

Tình trạng này có thể xảy ra với bất kỳ ai từng có trải nghiệm tương tự. Một người từng ngất xỉu trên xe buýt có thể không bao giờ dám bước lên phương tiện công cộng nữa. Một sinh viên từng có cơn hoảng loạn trong lớp học có thể bắt đầu sợ đến trường. Một bà mẹ từng cảm thấy choáng váng khi đi siêu thị có thể dần thu mình lại, từ chối ra khỏi nhà. Chứng sợ khoảng rộng không đơn thuần chỉ là nỗi sợ ở nơi đông người, mà là nỗi lo lắng về việc không thể kiểm soát được bản thân trong một môi trường mà họ cho là không an toàn.

Nguyên nhân của chứng sợ khoảng rộng có thể bắt nguồn từ nhiều yếu tố khác nhau. Một số người có hệ thần kinh giao cảm quá nhạy cảm, dễ kích hoạt phản ứng căng thẳng quá mức khi đối diện với một tình huống gây sợ hãi. Một số khác có yếu tố di truyền, khi trong gia đình có người mắc rối loạn lo âu hoặc rối loạn hoảng sợ, nguy cơ phát triển chứng sợ khoảng rộng cao hơn. Đặc biệt, những trải nghiệm tiêu cực như cơn hoảng loạn dữ dội ở nơi công cộng, sự kiện căng thẳng kéo dài, hay cảm giác bị mất kiểm soát trong tình huống nguy cấp đều có thể góp phần gây ra rối loạn này.

Bạn không đơn độc, đừng ngại tìm kiếm sự giúp đỡ

Việc điều trị đòi hỏi sự kiên trì và tiếp cận đúng cách. Trong những trường hợp nghiêm trọng, thuốc có thể giúp kiểm soát triệu chứng ban đầu, nhưng phương pháp quan trọng nhất vẫn là điều trị tâm lý. Liên bắt đầu hành trình phục hồi bằng cách tập thiền chánh niệm và thư giãn cơ mỗi tối để giảm căng thẳng. Sau đó, cô thực hiện từng bước tiếp xúc có kiểm soát với những tình huống gây lo âu. Ban đầu, cô chỉ đứng trước ga tàu mà không bước vào. Một tuần sau, cô thử lên tàu nhưng chỉ đi một trạm rồi xuống. Cô cũng thực hành đi siêu thị vào những giờ vắng khách, sau đó dần tăng thời gian ở lại.

Sau hơn một năm kiên trì, cô đã có thể đi tàu điện mà không còn cảm giác sợ hãi tột độ, có thể ra ngoài gặp gỡ bạn bè mà không lo bị hoảng loạn. Dù đôi khi vẫn có những ngày lo âu, nhưng cô đã học được cách kiểm soát bản thân, không để nỗi sợ lấn át.

Rất nhiều người đã trải qua chứng sợ khoảng rộng mà không biết rằng nó có tên gọi, có nguyên nhân và có cách điều trị. Điều quan trọng nhất là đừng tự trách mình hay nghĩ rằng đó là do bản thân yếu đuối. Đây là một rối loạn tâm lý có thể được cải thiện nếu có phương pháp phù hợp và sự kiên trì.

Chứng sợ khoảng rộng không phải là bản án chung thân. Nó có thể vượt qua được với sự kiên trì, sự hỗ trợ phù hợp và từng bước đối diện với nỗi sợ. Nếu bạn hoặc người thân đang mắc phải tình trạng này, đừng ngần ngại tìm kiếm sự giúp đỡ. Hãy bắt đầu từ những thay đổi nhỏ và nhớ rằng mỗi bước tiến, dù nhỏ bé, cũng là một chiến thắng. Bạn không đơn độc, và sự hồi phục luôn là điều có thể.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới