(KTSG Online) – Việc Fed cắt giảm lãi suất là một tín hiệu đáng mừng, nhưng giảm nhiều hơn kỳ vọng thì các chuyên gia lại đưa thêm những lo ngại mới. Đó không chỉ là áp lực tỷ giá vào cuối năm mà còn là khả năng phục hồi của kinh tế Việt Nam sau nhiều sự kiện gần đây.
- Không gian chính sách nới rộng nhờ áp lực tỷ giá giảm mạnh
- Xu hướng chính sách tiền tệ giai đoạn cuối năm 2024
- Làn sóng nới lỏng chính sách tiền tệ đang đến
Tỷ giá về vùng “an toàn”
Như kỳ vọng giảm lãi suất của thị trường, trong cuộc họp Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) vừa qua, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định cắt giảm 50 điểm lãi suất cơ bản, đưa xuống vùng mục tiêu 4,75-5% với đa số thành viên tán thành (chỉ một thành viên bỏ phiếu giảm 25 điểm cơ bản).
Fed cũng đã bỏ phiếu cắt giảm lãi suất dự trữ vượt mức (IOER) 50 điểm cơ bản xuống 4,9% trong khi vẫn giữ nguyên gói thắt chặt định lượng (QT). Động thái này diễn ra trong bối cảnh lạm phát của Mỹ vẫn cao hơn một chút so với mức lạm phát mục tiêu 2%.
Theo ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB (Singapore), quyết định này được xem là bất ngờ với dự báo của UOB (con số đưa ra là 25 điểm cơ bản) trong bối cảnh kinh tế vẫn khá ổn định và lạm phát đang hạ nhiệt.
Việc Fed cắt giảm lãi suất mang đến cơ hội bình ổn thị trường ngoại hối và sâu hơn nữa là không gian thị trường tiền tệ và thị trường vốn trong nước. Tuy nhiên, tác động của việc giảm lãi suất này có vẻ như đã phản ánh vào thị trường trước đó.
Tiền đồng có thời điểm mất giá gần 5%, đi cùng đó là hàng loạt chính sách hút bớt thanh khoản khỏi hệ thống, sự hỗ trợ từ chính sách ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Áp lực này bắt đầu giảm dần từ cuối tháng 6.
Theo đó, tiền đồng đã hồi phục hơn 3,1% so với đô la Mỹ kể từ mức thấp nhất trong quí 2-2024, trong bối cảnh lạm phát tháng 8 giảm xuống đáng kể (từ 4,4% xuống 3,45% so với cùng kỳ).
Tương tự, áp lực của thị trường tiền tệ cũng đã giảm dần đáng kể. Giữa tháng 9, NHNN đã giảm lãi suất trên thị trường mở (OMO) 25 điểm cơ bản, xuống mức 4%/năm. Đây lần thứ hai NHNN giảm lãi suất trong vòng 1 tháng, đưa lãi suất này về mức đầu năm.
Thị trường ngoại hối gần đây ghi nhận tình trạng tỷ giá có xu hướng giảm nhẹ và giao dịch với biên độ hẹp. Cuối tuần trước, tỷ giá ngân hàng chào bán ở quanh vùng 24.700 đồng/đô la Mỹ. Trong báo cáo bình luận sau khi Fed giảm lãi suất, nhóm phân tích vĩ mô của VinaCapital cho rằng mức mất giá của tiền đồng hiện chỉ còn dưới 1,5% so với hồi đầu năm, được đánh giá là vẫn nằm trong “vùng an toàn” của NHNN.
Những rủi ro mới về phục hồi tăng trưởng
Sự kiện giảm lãi suất của Fed vào giữa tháng 9 chỉ mới là sự khởi đầu, diễn biến giảm tiếp theo và xu hướng ứng phó của các ngân hàng trung ương mới là điều cần theo dõi thêm hiện nay, sau khi các kỳ vọng giảm lãi suất đầu tiên gần như đã phản ánh vào thị trường.
Giới quan sát đang chú ý vào hai cuộc họp tháng 11 và tháng 12 tới đây, với kỳ vọng sẽ là hai đợt cắt giảm lãi suất nữa trong năm nay với tổng 50 điểm cơ bản. Trong năm 2025, tốc độ cắt giảm vẫn được dự báo duy trì ở mức 25 điểm cơ bản mỗi quí. Ngược lại, lãi suất chính sách dài hạn đã được điều chỉnh tăng nhẹ lên 2,9% từ mức 2,8% trước đây.
Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Giám đốc Nghiên cứu Phân tích, Khối khách hàng cá nhân, Công ty chứng khoán Maybank, biểu đồ lãi suất dự kiến mà Fed đưa ra trong cuộc họp mới đây có điểm khác biệt với hồi tháng 6, đó là Fed sẽ cắt giảm lãi suất nhanh hơn trong ngắn hạn nhưng duy trì lãi suất cao hơn trong dài hạn.
Điều này dường như hàm ý rằng tỷ giá chưa thể giảm sâu và giảm nhanh thêm từ mặt bằng hiện nay. Theo báo cáo của Khối thị trường tài chính, ngân hàng ACB, khoảng thời gian từ nay đến cuộc họp tiếp theo của Fed có thể là “quãng nghỉ cần thiết cho sự phục hồi của đồng đô la”. Trong khi đó, tiền đồng sẽ chịu áp lực trong bối cảnh nhu cầu đô la thanh toán quốc tế và thanh khoản tiền đồng sẽ tăng lên vào cuối năm, dẫn dắt xu hướng tiếp theo của tỷ giá.
Hướng đi tiếp theo sẽ là một thử thách mới với nhà điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam. Việc Fed giảm lãi suất có thể làm tăng khả năng (và áp lực) đối với việc xem xét nới lỏng chính sách của NHNN, đặc biệt là sau cơn bão số 3 và áp lực tăng giá (có thể mạnh hơn sau sự gián đoạn đối với sản lượng nông nghiệp, vì thực phẩm chiếm 34% trọng số CPI), theo đại diện của UOB.
“NHNN có thể sẽ áp dụng một cách tiếp cận có mục tiêu hơn để hỗ trợ các cá nhân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng trong khu vực của họ, thay vì triển khai một công cụ rộng rãi trên toàn quốc như cắt giảm lãi suất”, ông Suan Teck Kin bình luận.
Trái với thời điểm cách đây 3 tháng khi có nhà phân tích lo ngại lãi suất điều hành có thể tăng nhẹ, hầu hết các chuyên gia hiện nay nhận định rằng, NHNN có lý do để giữ nguyên lãi suất chính sách chứ không hẳn là giảm theo đà giảm của đồng đô la Mỹ.
Ở góc độ khác, một thách thức nữa là triển vọng phục hồi kinh tế. Theo nhóm phân tích vĩ mô của VinaCapital, việc cắt giảm lãi suất cao hơn kỳ vọng của Fed lần này cũng đồng thời mang đến hàm ý lo ngại về kinh tế Mỹ chậm lại, từ đó giảm nhu cầu tiêu dùng của Mỹ đối với các sản phẩm “made in Vietnam” như máy tính xách tay, điện thoại di động và các loại hàng hóa khác. Xuất khẩu nói chung và xuất khẩu sang Mỹ nói riêng (tăng gần 30% trong 8 tháng đầu năm 2024) là yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay.
Giải pháp là Việt Nam cần tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và và đẩy nhanh sự phục hồi của thị trường bất động sản, sẽ giúp tránh những tác động tiêu cực từ sự sụt giảm tăng trưởng xuất khẩu. “Tập trung vào hai lĩnh vực này sẽ trực tiếp thúc đẩy nền kinh tế, và một thị trường bất động sản sôi động hơn chắc chắn sẽ cải thiện tâm lý tiêu dùng và chi tiêu của người dân, vốn có phần bị trầm lắng trong năm 2024”, báo cáo của VinaCapital bình luận.
Trong cuộc họp với các ngân hàng thương mại thảo luận chuyện hỗ trợ cho nền kinh tế sau cơn bão Yagi, lãnh đạo NHNN nêu quan điểm dù cơn bão số 3 gây ra nhiều thiệt hại nặng nề, ngành ngân hàng vẫn phải bảo đảm nguồn vốn cho các lĩnh vực cần đảm bảo sự tăng trưởng với mục tiêu năm nay là 6,8%. Mục tiêu tăng trưởng này vừa được Việt Nam và nhiều định chế quốc tế khác, nâng lên gần đây.