Thứ bảy, 10/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Đánh giá cổ phiếu Vinatex trước ngày IPO

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đánh giá cổ phiếu Vinatex trước ngày IPO

T.Thu

Đánh giá cổ phiếu Vinatex trước ngày IPO
Ngành dệt may Việt Nam được dự báo sẽ hưởng lợi nhiều từ các hiệp định thương mại Việt Nam đang đàm phán. Ảnh minh họa: Quốc Hùng.

(TBKTSG Online) – Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) vừa đưa ra bản phân tích cơ hội và rủi ro đối với cổ phiếu của Vinatex sẽ chào bán lần đầu ra công chúng vào ngày 22-7 sắp tới.

Theo phân tích của SSI, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) có lợi nhuận chủ yếu đến từ đầu tư tài chính (nắm giữ cổ phần của các công ty con…), cổ tức thấp cho nhà đầu tư và phải mất nhiều thời gian Vinatex mới thu được lợi nhuận từ những khoản đầu tư lớn hiện nay, nhưng doanh thu chắc chắn tăng.

Tập đoàn Dệt May Việt Nam sẽ IPO vào ngày 22-7

Vinatex dự kiến đấu giá cổ phần tại Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) vào ngày 27-7. Với vốn điều lệ 5.000 tỉ đồng, tương ứng 500 triệu cổ phần, trong đợt IPO này Vinatex sẽ bán ra 24,4% vốn điều lệ (1.220 tỉ đồng) với gần 122 triệu cổ phần, giá khởi điểm là 11.000 đồng/cổ phiếu.

Đây là đợt IPO doanh nghiệp có lượng phát hành lớn nhất từ đầu năm đến nay.

Cơ hội

Theo SSI, tiềm năng tăng trưởng doanh thu vững chắc là một trong những điểm mạnh của Vinatex. Ngành dệt may Việt Nam nói chung và Vinatex nói riêng sẽ tiếp tục có lợi từ thị trường xuất khẩu đang tăng trưởng (trong năm 2013, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam sang Mỹ tăng 14,6%, sang EU 3% và Nhật Bản 33%).

Tiềm năng tăng trưởng của ngành dệt may Việt Nam sẽ còn cao hơn nữa nhờ các hiệp định thương mại tự do (FTA), như FTA Việt Nam – EU, Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Vinatex dự kiến doanh thu của công ty mẹ sau cổ phần hóa trên 3.941 tỉ đồng trong năm 2014, và dự báo trong năm 2015 trên 6.408 tỉ đồng (tăng 62,5% so với năm 2014) và 2016 là trên 9.105 tỉ đồng (tăng 42%). 

Lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt trên 366,7 tỉ đồng trong năm 2014, và 545 tỉ đồng trong 2015 (tăng gần 49% so với 2014), trên 777,3 tỉ đồng trong 2016 (tăng gần 43%).

Tại thị trường trong nước, mặc dù hiện Vinatex chỉ chiếm có 3% thị phần, nhưng đang ngày càng mở rộng với mạng lưới phân phối 82 siêu thị ở 26 tỉnh thành cùng với 4.000 điểm giao dịch. Ngoài ra, Vinatex đang quản lý các viện trường, dạy nghề dệt may, chất lượng lao động có thể được đảm bảo.

Vinatex cũng ít đầu tư ngoài ngành, và vừa qua đã thu về 916 tỉ đồng từ việc thoái vốn tại những lĩnh vực không liên quan đến hoạt động kinh doanh cốt lõi.

Ngoài ra, theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt, mức giá 11.000 đồng/cổ phiếu của Vinatex không chênh lệch nhiều so với giá trị sổ sách trên mỗi cổ phần của tập đoàn này sau khi định giá lại. "Với vị thế và lợi thế cạnh tranh của Vinatex cũng như những thuận lợi mà ngành dệt may Việt Nam đang có, việc đầu tư với mức chênh lệch này cũng không hẳn là quá rủi ro. Tuy nhiên, với sự hạn chế về thông tin trước khi doanh nghiệp cổ phần hóa, không có đủ cơ sở để khẳng định đây thực sự có phải là một khoản đầu tư hứa hẹn tiềm năng sinh lời tốt hay không", Rồng Việt cho biết trong bản phân tích đăng trên trang web của công ty chứng khoán này. 

Rủi ro

Theo SSI, rủi ro đối với cổ phiếu của Vinatex là tập đoàn này có lợi nhuận không hấp dẫn, vì hầu hết các nguồn doanh thu của Vinatex đến từ hoạt động gia công (may mặc) vốn có biên lợi nhuận thấp.

Do ít sản xuất, nên công ty mẹ Vinatex có doanh thu từ hoạt động cốt lõi khá thấp (116 tỉ đồng trong năm 2013), mà thu nhập chủ yếu đến từ đầu tư tài chính (423 tỉ đồng trong năm ngoái), nhờ nắm giữ cổ phần của các công ty con, công ty liên kết, … (Nhiều công ty con, liên kết của Vinatex vẫn chủ yếu gia công hàng may mặc cho các đối tác nước ngoài - PV).

Do đó, tính từ 2010 đến 2013, doanh thu của Vinatex luôn thấp hơn lợi nhuận. Trong năm 2013, doanh thu từ hoạt động cốt lõi là 116 tỉ đồng, còn lợi nhuận trước thuế của công ty mẹ là 234 tỉ đồng. (Được biết, mức lợi nhuận này chỉ tương đương lợi nhuận của một trong các công ty con của Vinatex - PV)

Ngoài ra, Vinatex cũng phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu. Mặc dù đã có chuỗi cung ứng từ kéo sợi, dệt, nhuộm, cắt-may, nhưng tập đoàn chưa thể tự chủ được nguyên liệu. Do đó, trong năm 2013, doanh thu toàn tập đoàn là 2,9 tỉ đô la Mỹ, nhưng Vinatex phải nhập khẩu khoảng 1,5 tỉ đô la Mỹ.

Vinatex hầu như có thể tự cung cấp các loại sợi, nhưng nhập khẩu phần lớn nguyên liệu bông từ Trung Quốc và Thái Lan. Do đó, lợi nhuận từ kéo sợi của tập đoàn sẽ chịu tác động từ biến động giá bông thế giới và tỷ giá.

Ngoài ra, trong giai đoạn 2014-2017 Vinatex dự kiến đầu tư 11.500 tỉ đồng để mở rộng hoạt động sản xuất và phát triển nguồn nguyên liệu trong nước, như trồng bông, kéo sợi, dệt, nhuộm... để giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Đây là cơ hội cho các nhà đầu tư lớn muốn trở thành nhà thầu, bạn hàng hoặc đối tác của Vinatex. Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt, các khoản đầu tư này có thể được tài trợ bằng nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) với mức lãi suất rất thấp.

Tuy nhiên, theo SSI, việc đầu tư vào phát triển nguồn nguyên liệu sẽ đòi hỏi kiến thức chuyên sâu, và mất thời gian dài mới thu được lợi nhuận từ đầu tư này. Ngoài ra, Vinatex sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp FDI đang đầu tư cũng như sản xuất nguyên liệu dệt may tại Việt Nam.

Vinatex dự kiến duy trì mức trả cổ tức 5,1% trong năm nay, 6,1% và 7,1% trong năm 2015 và 2016.

Vinatex hiện có 4 công ty TNHH MTV, 12 công ty con và 44 công ty liên kết. Năng lực sản xuất của cả Tập đoàn là 76.500 tấn sợi, 58.000 tấn vải và 38 triệu đơn vị hàng may mặc. Theo thông tin từ Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt, Vinatex dự kiến thoái vốn tại một số công ty thành viên, chỉ giữ lại 10 công ty con và nắm giữ dưới 50% tại 20 doanh nghiệp trong đó có những công ty dệt may hàng đầu như Phong Phú, Việt Tiến, Nhà Bè, Hanosimex, May 10, May Đức Giang…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới