Thứ Bảy, 27/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đánh thức tinh thần điền chủ – doanh nhân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đánh thức tinh thần điền chủ – doanh nhân

Nguyễn Hữu Hiệp

Đánh thức tinh thần điền chủ - doanh nhân
Ông Thế Minh (bên trái) phân tích tình hình sản xuất – kinh doanh, và đề xuất các ngành chức năng cần thành lập “Chợ Nông sản tổng hợp” quy mô quốc gia.

(TBKTSG) – Cách đây hơn 100 năm, sử sách ghi lại trấn Biên Hòa “một hộc thóc giống thu hoạch được 100 hộc thóc”, trấn Vĩnh Thanh “một hộc thóc giống thu hoạch được 300 hộc”. Các nhà làm nông nghiệp suy nghĩ gì khi ngày nay sạ một giạ lúa giống thu hoạch bình quân khoảng 50 giạ lúa thì coi như đã đụng trần?

Điền chủ – tá điền xưa

Thời Nguyễn, “trọng nông” là quốc sách. Triều đình không chỉ tạo điều kiện cho người nông dân có ngưu canh điền khí, giống, vốn sản xuất mà còn miễn thuế trong những năm đầu, và tha thuế những năm thất mùa, nhằm khuyến khích mọi thành phần dân chúng ra sức khẩn hoang, trồng trọt để binh dân có đủ lúa ăn. Đến năm Quý Sửu (1853) vua Tự Đức cho phép lập đồn điền ở Nam kỳ, ai khai khẩn được bất kể là bao nhiêu, đều cho làm chủ sở hữu đời đời, nên diện mạo vùng đất sớm được thay đổi theo chiều hướng đáng mừng. Việc canh tác trên vùng đất mới thu đạt kết quả rất khả quan.

ĐBSCL đất đai màu mỡ nên không thể không kích thích “máu mở đất” của người nông dân. Sách Phủ Biên tạp lục ghi nhận: “Miền Gia Định có rất nhiều lúa thóc. Những người giàu có ở các địa phương, nơi thì có bốn, năm mươi nhà, nơi thì có hai, ba mươi nhà, mỗi nhà có hạng đầy tớ làm ruộng đến năm, sáu chục người. Mỗi gia đình có thể nuôi hơn ba, bốn trăm con trâu bò, cày bừa, trồng trọt, cấy, dắm, gặt hái bận rộn suốt ngày, không lúc nào nghỉ ngơi”. Chủ điền xem tá điền là “bạn”, đối xử tử tế nên cuộc sống đôi bên rất hài hòa, yên ấm. Đây là một nét văn hóa đặc trưng trong đời sống người dân nông thôn miền Nam ngày trước.

Để đảm bảo cái ăn cho nhân dân, triều đình có lịnh cấm bán lúa gạo cho thương nhân nước ngoài, thành thử ta chỉ có thể biết được tình hình sản xuất và năng suất lúa một vụ thời ấy. Theo Gia Định thành thông chí, về sản xuất: “Ở trấn Phiên An và trấn Biên Hòa, những ruộng cày bằng trâu thì một hộc thóc giống thu hoạch được 100 hộc thóc. Trấn Vĩnh Thanh ruộng chằm không dùng trâu cày, đợi đến cuối mùa hạ sang mùa thu, nước mưa đầy tràn, chặt phá cỏ lác, cỏ năn, bừa cỏ, đắp bờ, trang đất cắm mạ, một hộc thóc giống thì thu được 300 hộc thóc”.

Các nhà làm nông nghiệp bây giờ suy nghĩ gì khi sạ một giạ lúa giống thu hoạch bình quân khoảng 50 giạ lúa thì coi như đã đụng trần? Còn về xuất khẩu, nếu ngày nay Việt Nam đứng hàng thứ hai trên thế giới thì trước đây, từ năm 1925 hạt gạo của Nam kỳ thời thuộc Pháp đã từng dẫn đầu thế giới?

Sau những năm dài chiến tranh, ngành nông nghiệp liên tục tạo ra những sức bật mới, lúa gạo hàng hóa ngày càng nhiều, không chỉ góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia mà còn dư thừa xuất khẩu. Song, xét về thu nhập, nếu so với các thành phần kinh tế khác, cuộc sống của người nông dân dường như vẫn… giậm chân tại chỗ.

Còn nhớ, điền chủ thời Pháp thuộc, ngoại trừ những tay “điên tiền” sinh thói chơi ngông kiểu “công tử Bạc Liêu”, vẫn có không ít người yêu nước thương nòi, sẵn lòng bán đi một phần hoặc toàn bộ gia sản, nhằm tạo vốn liên kết với những người cùng chí hướng mở ra hàng chục cách thế sản xuất – kinh doanh đầy sáng tạo, để gây quỹ ủng hộ các tổ chức chống Pháp. Trong số đó đáng kể nhất là Trần Chánh Chiếu, là người đứng đầu “cuộc Minh Tân” với các hoạt động công khai hô hào duy tân cứu nước.

Ông đứng ra thành lập tờ báo lấy tên Nông cổ mín đàm (uống trà bàn chuyện làm ruộng và đi buôn). Tôn chỉ của tờ báo kinh tế đầu tiên bằng chữ quốc ngữ này là, song song với việc hướng dẫn nông dân cách thức vệ sinh phòng bệnh hoặc trồng trọt chăn nuôi, báo còn nhắm vào việc thông tin số lượng và giá lúa gạo bán đi các nước; hướng dẫn các thương nhân Việt Nam cách giao thương buôn bán và khuyến khích, kêu gọi họ đoàn kết để cạnh tranh với các thương nhân Hoa kiều và Ấn kiều đang thao túng thị trường.

“Cuộc Minh Tân” nhận được sự hưởng ứng và ủng hộ rất nhiệt tình của người dân.

Làm sao khôi phục được giới này?

Ngày nay, không ít người tích tụ được cả trăm, thậm chí cả ngàn công đất ruộng, nhưng công việc làm ăn của các vị điền chủ này không mấy hiệu quả so với số vốn đầu tư. Hàng năm tuy giá lúa có nhích lên nhưng hễ lúa tăng thì y như rằng, các thứ vật tư phân bón, thuốc trừ sâu… cũng tăng cao, có khi nhấn chìm giá lúa.

Làm sao để có được những điền chủ như ngày xưa? Theo tôi, động thái trước hết là cần phải thể hiện lòng biết ơn đối với người nông dân, bởi họ đóng vai trò rất quan trọng trong xã hội. Một khi nông dân cảm nhận được cung cách đối xử tử tế của xã hội thì, việc thực thi các vấn đề khác chắc chắn sẽ diễn ra không mấy khó khăn, nhất là hai “mơ ước” mà chính bà con nông dân cũng đang trông chờ, hưởng ứng. Đó là tổ chức hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới và chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Hiện, tuy có chính sách ưu đãi doanh nghiệp nhưng do Nhà nước không quan tâm đến các đặc điểm về địa lý, sự trắc trở về giao thông, nên các doanh nghiệp trong và ngoài nước chỉ tập trung đầu tư ở những địa phương gần đô thị lớn, còn các tỉnh xa hoặc cách trở sông nước, các vùng sát đường biên giới với Campuchia như Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An và Tây Ninh, tuy có tiềm năng rất lớn về ngoại thương nhưng trên thực tế vẫn không phát triển được kinh tế cửa khẩu một cách xứng tầm. Đơn giản, hoặc vì xa bến cảng, hoặc do xa trung tâm tiêu thụ, việc vận chuyển vừa phải chịu phí cao, vừa quá mất thời gian.

Trong chuyện này, để bớt lệ thuộc tầng lớp trung gian, như lời đề nghị của ông Thế Minh, chủ nhà máy xát Ngọc Vũ ở Bình Thạnh Đông, Phú Tân, An Giang, là rất đáng quan tâm thực hiện: “Nên thành lập chợ nông sản tổng hợp cấp quốc gia. Để qua đó, chuyển thẳng thông tin đến tận nông dân, điền chủ, giúp họ tiếp cận thị trường trong và ngoài nước hầu kịp “trở bộ” với việc kinh doanh nông sản, vật tư sao cho có lợi nhất. Chợ này cũng cần liên kết với siêu thị hoặc hệ thống cửa hàng bán lẻ một cách bài bản”.

Kinh doanh thì phải có lời, kinh doanh nông nghiệp cũng vậy. Một khi tinh thần điền chủ – doanh nhân được đánh thức bằng cách giải quyết từ vấn đề cơ bản trong kinh doanh, thì kinh tế nông nghiệp Việt Nam ắt sẽ có thêm nhiều sức bật mới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới