(KTSG) - Lúc toàn cầu hóa đang ở đỉnh cao, không ai nghĩ đến khả năng một nước nào đó lại quyết định đánh thuế 10% lên mọi hàng hóa nhập khẩu, bất kể từ nước nào. Thế nhưng đó chính là đề xuất của ứng cử viên tổng thống Mỹ, Donald Trump, thậm chí gần đây còn muốn nâng lên thành 20% nữa.
- Giảm thuế nhập khẩu gạo ở Philippines gây áp lực tăng giá trên thị trường quốc tế
- Chính phủ sửa đổi, bổ sung thuế nhập khẩu theo Hiệp định ASEAN – Hàn Quốc
Lập luận chủ yếu của ông Trump cho rằng hệ thống thương mại thế giới hiện nay là bất công cho nước Mỹ, hàng hóa nhập khẩu tạo ra thâm hụt thương mại, lấy mất công ăn việc làm, nâng giá đô la Mỹ, làm Mỹ khó lòng xuất khẩu sang nước khác. Giải pháp theo ông là phải đánh thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ tất cả các nước, với thuế suất từ 10-20%; riêng với Trung Quốc, thuế suất sẽ cao hơn, từ 50-60%.
Với cử tri, ông Trump nhấn mạnh loại thuế đánh lên hàng nhập khẩu là thuế áp cho nước ngoài, không ảnh hưởng gì đến người tiêu dùng nước Mỹ. Tuy nhiên, các nhà kinh tế phản bác lập luận này, cho rằng bên chịu thuế trước hết là nhà nhập khẩu Mỹ, sau đó sẽ chuyển giao gánh nặng này lên người tiêu dùng Mỹ. Viện Kinh tế Quốc tế Peterson tính toán cho thấy mức thuế ban đầu mà ông Trump muốn áp dụng (60% lên hàng Trung Quốc và 10% lên hàng thế giới) sẽ làm các gia đình trung lưu ở Mỹ phải tiêu tốn thêm chừng 1.700 đô la/năm. Trung tâm Tiến bộ Mỹ đưa ra con số cao hơn, chừng 2.500 đô la tăng thêm cho mỗi gia đình Mỹ trung lưu. Còn nếu tăng thuế ở mức 20%, con số này sẽ lên mức 3.900 đô la.
Vấn đề là mức thuế ông Trump muốn áp sẽ ảnh hưởng đến các nước như thế nào? Trước đây đã từng có tiền lệ vào năm 1971 khi Tổng thống Mỹ Richard Nixon áp thuế 10% lên hàng nhập khẩu. Tuy nhiên tình hình lúc đó khác bây giờ, vì lúc đó đô la Mỹ được các đối tác thương mại Mỹ định giá quá cao, gây khó khăn cho hàng Mỹ trên thị trường quốc tế. Mức thuế 10% của ông Nixon chỉ duy trì trong bốn tháng, sau đó bị bãi bỏ. Nay ông Trump nhiều lần nói sẽ sử dụng mối đe dọa áp thuế cao để các đối tác thương mại phải nhượng bộ.
Thế nhưng mức thuế chung 10% (ngoại trừ Trung Quốc) sẽ không phân biệt được đâu là đồng minh Mỹ muốn thu hút, đâu là nước đối địch cần kiềm chế. Nó cũng không phân biệt được các loại hàng hóa thiết yếu cho nền kinh tế Mỹ với hàng hóa tiêu dùng bình thường. Một mức thuế chung như vậy sẽ chẳng giúp Mỹ đối phó với nước tuân thủ các hiện định thương mại và nước vi phạm.
Phản ứng của các nước đương nhiên sẽ là trả đũa với mức thuế tương tự áp lên hàng nhập từ Mỹ. Trong thực tế, nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump đã chứng kiến châu Âu, Trung Quốc, Canada, Mexico và Ấn Độ trả đũa chính sách thuế của ông Trump bằng thuế của chính họ. Shigeto Nagai, một chuyên gia kinh tế của hãng tư vấn Oxford Economics, nói với tờ New York Times nếu ông Trump áp thuế 10% thì các nước, kể cả Nhật Bản, sẽ áp thuế trả đũa với mức tương tự. Điều này sẽ dẫn tới một kết quả xấu cho cả Mỹ và các nước: một sự kết hợp vừa suy thoái kinh tế vừa lạm phát cao.
Năm 2023, Mỹ nhập khẩu 427 tỉ đô la hàng hóa từ Trung Quốc và gần 2.700 tỉ đô la từ các nước còn lại trên thế giới. Vì thế mức thuế áp lên hàng nhập khẩu sẽ gây ra một cú sốc lớn cho nền kinh tế thế giới và cho cả nước Mỹ. Chẳng hạn mức thuế ông Trump từng áp dụng lên hàng Trung Quốc vào năm 2018 đã thay đổi cán cân ngoại thương thế giới, theo phân tích của Quỹ Tiền tệ quốc tế. Trung Quốc chuyển hướng xuất khẩu vào các nước khác nhiều hơn trong khi Mỹ mua hàng của các nước khác cũng nhiều hơn.
Ông Trump thường cho rằng thuế đánh lên hàng nhập khẩu vào Mỹ sẽ làm sản xuất nội địa của Mỹ tăng mạnh để bù đắp vào chỗ hàng nhập khẩu giảm, tạo ra công ăn việc làm cho dân Mỹ. Ông cũng cho rằng doanh thu thuế tăng thêm sẽ tạo điều kiện để ông giảm thuế cho dân Mỹ. Một nghiên cứu của liên minh vì một nước Mỹ giàu mạnh thường được trích dẫn, trong đó khẳng định thuế nhập khẩu sẽ làm chỉ số giá tiêu dùng tăng thêm nửa điểm phần trăm nhưng sẽ được trung hòa bởi các chính sách giảm thuế cho dân Mỹ.
Tuy nhiên hầu như các nhà kinh tế đều chia sẻ nhận định, thuế đánh lên hàng nhập khẩu sẽ tạo ra nhiều hiệu ứng tiêu cực hơn là tích cực. Thuế sẽ dẫn tới đối đầu thương mại, kể cả chiến tranh thương mại, gây tổn hại cho mọi nước, hạn chế dòng chảy thương mại toàn cầu, phá vỡ các chuỗi cung ứng hàng hóa, kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế nói chung và chắc chắn sẽ tạo ra áp lực lạm phát.