Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Đạo đức trong quan hệ quốc tế – liệu có tồn tại?

Thiên Kim

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Trên các mạng xã hội hay trên một số kênh truyền thông, chúng ta không hiếm khi gặp những ý kiến cho rằng trong quan hệ quốc tế giữa các quốc gia, những nguyên tắc đạo đức không có vai trò quan trọng…

Quan điểm này được nhiều người ủng hộ vì cho rằng nó mang tính “thực tế”, dựa trên những phân tích lý trí về mối tương quan lực lượng, về lợi ích quốc gia... Những người có quan điểm này thường chỉ trích thái độ lo lắng hay phẫn nộ về khủng hoảng khí hậu, về chiến sự ở Ukraine hay ở dải Gaza, vì theo họ, sự phản ứng này dựa trên các nguyên tắc đạo đức (ví dụ như cho rằng Nga tấn công Ukraine hay Hamas giết hại dân thường Israel là những hành vi gây phẫn nộ) chứ không dựa trên việc phân tích tình hình thế giới.

Theo những người này, cần phải có cái nhìn “thực tế” hơn về mối quan hệ giữa các quốc gia, loại bỏ những phân tích dựa trên đạo đức, cảm xúc khi đánh giá vấn đề. Họ cho rằng đây là “chủ nghĩa hiện thực”, thể hiện sự “sáng suốt” khi nhận thức và phân tích tình hình quốc tế.

Tuy nhiên, theo giáo sư, triết gia người Pháp Raymond Aron, thái độ này được gọi là “chủ nghĩa hiện thực giả tạo”. Theo ông, những nguyên tắc đạo đức luôn tồn tại trong quan hệ giữa các quốc gia, thậm chí trong cả các cuộc giao chiến. Không có gì khó hiểu khi những hình ảnh đau lòng trong các cuộc đụng độ làm cho chúng ta cảm thấy dường như không còn giới hạn đạo đức nào trong chiến tranh. Đó là bởi vì nhiều người đã quên sự tồn tại của luật nhân đạo quốc tế - công cụ tốt nhất để làm giảm thiểu tác động tàn khốc của chiến tranh.

Luật nhân đạo quốc tế chính là minh chứng cho việc các nguyên tắc đạo đức vẫn tồn tại, ngay cả trong thời chiến.

Trước hết, xin nhắc lại rằng trong ngành khoa học quan hệ quốc tế (ngành khoa học phân tích các mối quan hệ giữa các quốc gia, ra đời từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất), có hai luồng quan điểm chính: chủ nghĩa lý tưởng và chủ nghĩa hiện thực. Hai trường phái này có điểm chung là coi quan hệ quốc tế là một hệ thống tạo thành bởi nhiều đơn vị khác nhau (quốc gia) mà người ta có thể xây dựng các mô hình ứng xử.

Đối với chủ nghĩa hiện thực, các quốc gia ở trong tình trạng tranh chấp liên tục và luôn tìm cách để nâng cao sức mạnh quốc gia, đặc biệt là sức mạnh quân sự. Những nhà tư tưởng như Nicolas Machiavel, Karl von Clausewitz hay Carl Schmitt phân biệt chính trị và đạo đức, vì thế không có chiến tranh chính nghĩa, hay phi nghĩa. Các nguyên tắc đạo đức không phải là không tồn tại trong chủ nghĩa hiện thực, mà nói đúng hơn đã bị coi là ít quan trọng hơn so với chính trị.

Jean-Jacques Rousseau có viết trong Khế ước xã hội rằng “Chiến tranh không hề là mối quan hệ giữa hai con người, mà là mối quan hệ giữa hai quốc gia”. Nếu như công lý là một nguyên tắc đạo đức toàn cầu, thì chiến tranh là câu trả lời cụ thể cho một mối quan hệ giữa hai quốc gia. Kể từ năm 1945 thì chủ nghĩa hiện thực đặc biệt có ảnh hưởng lớn tới chính sách đối ngoại của nhiều quốc gia.

Ngược lại, chủ nghĩa lý tưởng tin vào khả năng hợp tác quốc tế hòa bình giữa các quốc gia. Được phát triển từ học thuyết chính trị của cựu Tổng thống Mỹ Thomas Woodrow Wilson (mà dẫn đến kết quả là sự hình thành của Hội Quốc Liên, tiền thân của Liên hiệp quốc), chủ nghĩa lý tưởng hướng tới việc xây dựng một thế giới phụ thuộc lẫn nhau, với ví dụ minh họa rõ rệt nhất là Liên minh châu Âu hiện nay. Học thuyết về sự phụ thuộc giữa các quốc gia ngày càng được phát triển kể từ những năm 1980, mà việc hiện thực hóa học thuyết này thể hiện qua hàng loạt các hiệp ước hợp tác quốc tế, về kinh tế, thương mại hay thông tin, tài chính…

Dù là chủ nghĩa hiện thực hay chủ nghĩa lý tưởng, cả hai trường phái nói trên đều dựa trên mong muốn xây dựng một thế giới hòa bình, hợp tác. Chủ nghĩa hiện thực đề cao việc đánh giá tương quan lực lượng, các ràng buộc thực tế, lợi ích quốc gia chứ hoàn toàn không có nghĩa là loại bỏ các nguyên tắc về mặt đạo đức.

Chính vì thế, luật nhân đạo quốc tế được xây dựng để biến các nguyên tắc đạo đức thành ràng buộc giữa các quốc gia. Chúng ta có thể nói đến bốn Công ước Geneva ký kết vào năm 1949 về giao tranh trên bộ, trên biển, tù binh và thường dân. Bốn công ước này gắn với quyền của những người được coi là “ngoài cuộc chiến” (thường dân, tù binh chiến tranh và quân nhân bị thương và bệnh tật), cụ thể là quy định về việc bảo vệ và cải thiện tình trạng của các đối tượng này trong cuộc chiến: người bị thương, đau ốm phải được cấp cứu, chữa trị; tù nhân phải được đối xử nhân đạo; thường dân phải được tiếp cận với hoạt động hỗ trợ nhân đạo...

Ngoài ra, còn tồn tại một số quy định đặc biệt khác, như việc bảo vệ tài sản văn hóa, cơ sở vật chất y tế hay các cơ sở vật chất đặc biệt (nhà máy điện, đập thủy điện…). Các quốc gia thành viên ký kết các công ước nói trên phải tuân thủ các nguyên tắc đặt ra. Việt Nam cũng là quốc gia ký kết các công ước này vào năm 1957.

Đối với các quốc gia hiện đại ngày nay, các cuộc đụng độ vũ trang không còn được coi là vùng “vô luật” nơi các nguyên tắc đạo đức không tồn tại. Các quy định quản lý chiến tranh được xây dựng qua các hoạt động ngoại giao và ký kết ở tầm quốc gia. Gần đây nhất, Hiệp ước về buôn bán vũ khí đã được ký kết vào năm 2013, mà trong đó có điều khoản quy định cấm quốc gia thành viên bán vũ khí cho một quốc gia khác nếu như có “tồn tại nguy cơ những vũ khí này được sử dụng để gây ra diệt chủng, tội ác chống lại nhân loại, vi phạm đặc biệt nghiêm trọng các Công ước Geneva 1949... hoặc những tội ác chiến tranh khác”.

Tất nhiên là luật nhân đạo quốc tế không hề có mục đích… chấm dứt chiến tranh. Nó chỉ có mục đích đảm bảo một sự nhân đạo tối thiểu trong các đụng độ vũ trang. Chiến tranh là một thực tế khó tránh, vì thế tốt nhất là làm sao có thể đảm bảo có ít hậu quả thảm khốc nhất. Nếu như theo luật nhân đạo quốc tế mọi tấn công vào mục tiêu thường dân đều bị cấm, thì việc tấn công vào mục tiêu quân sự mà gây tổn thất cho thường dân lại được coi là… hợp pháp.

Những hình ảnh về cuộc chiến ở Afghanistan, Libye, Cộng hòa Công gô, Syria hay Ukraine cho thấy không hiếm khi các bên trong cuộc chiến vi phạm luật nhân đạo quốc tế. Tất nhiên, với những tội ác như tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người, thủ phạm có thể bị xét xử sau này trước tòa án có thẩm quyền.

Có thể nói, luật nhân đạo quốc tế được các quốc gia xây dựng nên để đặt ra các giới hạn về đạo đức trong chiến tranh. Cho dù truyền thông thường đưa những tin về hậu quả thảm khốc đối với thường dân trong chiến tranh, thì trên thực tế luật nhân đạo quốc tế đã và đang đóng vai trò quan trọng trong các cuộc chiến, giảm thiểu các hành vi vi phạm và các tội ác chiến tranh.

Đặc biệt, nhờ vào luật nhân đạo quốc tế, các hoạt động hỗ trợ nhân đạo được đưa đến thường dân trong vùng chiến tranh, hay các gia đình được đoàn tụ dễ dàng hơn, được tiếp cận sự giúp đỡ của Hội Chữ thập đỏ, hay người bị thương được chữa trị, chăm sóc, các bệnh viện không bị tấn công, ném bom.

Luật nhân đạo quốc tế vì thế chính là minh chứng cho việc các nguyên tắc đạo đức vẫn tồn tại, ngay cả trong thời chiến. Các quốc gia hiện đại đang ngày càng hướng tới việc xây dựng một thế giới hòa bình hơn, cho dù chiến tranh, ở một mức độ nào đó, là không thể tránh khỏi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới