(KTSG) - Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA) của EU đang tạo ra bước ngoặt lớn trong việc kiểm soát những “người gác cổng” trong lĩnh vực công nghệ.
- Thế lưỡng nan của luật chống độc quyền: sáng tạo và công bằng
- Thế khó của các nhà làm luật chống độc quyền
Với cơ chế kiểm soát thông qua DMA, Ủy ban châu Âu (EC) đã chỉ định bảy “người gác cổng” (gatekeeper) bao gồm Alphabet, Amazon, Apple, Booking, Microsoft, ByteDance, Meta Platforms và 24 “dịch vụ nền tảng cốt lõi” thuộc sở hữu và quản lý của các tập đoàn này. Động thái này cho thấy EC đang quyết liệt can thiệp vào thị trường dữ liệu nhằm ngăn chặn các hành vi lạm dụng của các tập đoàn sở hữu vị thế ưu việt.
DMA và vai trò của người gác cổng
DMA đưa ra khung pháp lý tiền kiến, tức đưa ra các dự đoán về hành vi lạm dụng có thể xảy ra để ngăn chặn từ trước. Đạo luật này tìm cách đảm bảo rằng một số nền tảng trực tuyến - được định nghĩa là “dịch vụ nền tảng cốt lõi” không tham gia vào các hành vi lạm dụng, với mục đích chung là tránh các hành vi gây hại trong thị trường dữ liệu. DMA đảm bảo thị trường nội bộ EU hoạt động bình thường bằng cách đưa ra các quy tắc, tức về khả năng cạnh tranh và tính công bằng trong lĩnh vực dữ liệu này.
DMA quy định rằng “người gác cổng” là những công ty cung cấp “dịch vụ nền tảng cốt lõi” và đáp ứng các tiêu chí cụ thể. Những doanh nghiệp này cần đạt doanh thu hàng năm ít nhất 7,5 tỉ euro (7,95 tỉ đô la Mỹ) trong ba năm liên tiếp hoặc có vốn hóa thị trường ít nhất 75 tỉ euro (79,5 tỉ đô la Mỹ), cùng với tối thiểu 45 triệu người dùng cuối hoặc 10.000 người dùng doanh nghiệp tại EU trong ba năm liền kề.
Đối với những công ty dù không đáp ứng được các tiêu chí trên, EC vẫn có thể tiến hành điều tra thị trường nếu có nghi vấn, nhằm xác định liệu dịch vụ đó có thể được coi là dịch vụ nền tảng cốt lõi theo quy định của DMA hay không.
Khi các công ty đáp ứng được các tiêu chí về quy mô và ảnh hưởng được quy định trong DMA, họ phải tuân thủ những nghĩa vụ bắt buộc, bao gồm cả những hành vi nên và không nên làm. Những quy tắc này được thiết lập dựa trên các vụ lạm dụng gần đây trong thị trường dữ liệu, điển hình là việc Amazon Marketplace sử dụng dữ liệu không công khai của các doanh nghiệp khác để cạnh tranh, hay Apple App Store hạn chế các nhà phát triển quảng cáo ưu đãi ngoài cửa hàng ứng dụng của mình trong vụ với Spotify. Trước khi DMA xuất hiện, Amazon đã từng bị EC phạt 746 triệu euro (887 triệu đô la Mỹ) và Apple nhận án phạt 1,84 tỉ euro (2 tỉ đô la Mỹ) vì các vi phạm này.
Trong trường hợp người gác cổng từ chối tuân thủ bộ quy tắc của DMA, các công ty này sẽ phải đối mặt với hậu quả pháp lý nghiêm trọng, bao gồm các khoản phạt cực lớn kèm theo là các biện pháp bổ sung khác.
Động thái của những người gác cổng
Lo ngại về việc bị trừng phạt theo quy định mới, những người gác cổng đã thực hiện một loạt thay đổi trong cách thức hoạt động ở thị trường EU để phù hợp với DMA.
Chẳng hạn, Apple Inc. đã bắt đầu cho phép người dùng hệ điều hành iOS tải ứng dụng từ các cửa hàng ứng dụng thay thế, không còn bị ràng buộc duy nhất vào App Store và Apple Pay.
Trong trường hợp không tuân thủ, các công ty sẽ phải đối mặt với mức phạt khổng lồ lên đến 10% tổng doanh thu toàn cầu và có thể lên đến 20% trong trường hợp vi phạm nhiều lần.
Meta Platforms cho phép người dùng tại EU hủy liên kết thông tin giữa Instagram, Facebook và Messenger. Người dùng có thể lựa chọn sử dụng Instagram và Facebook miễn phí với quảng cáo hoặc đăng ký trả phí để ngừng xem quảng cáo, được gọi là mô hình “trả phí hoặc đồng ý”. Ngoài ra, Meta Platforms cũng sẽ cho phép ứng dụng nhắn tin WhatsApp tương tác với các dịch vụ nhắn tin khác.
Alphabet (công ty mẹ của Google) đã cho phép người dùng quyền từ chối chia sẻ dữ liệu trên một số hoặc tất cả dịch vụ của mình.
TikTok đã cho ra mắt tính năng API Data Portability cho phép người dùng ủy quyền chuyển thông tin của họ và các ứng dụng của bên thứ ba.
Amazon cho phép các nhà quảng cáo và nhà xuất bản ở EU có quyền truy cập vào các báo cáo mới cung cấp thông tin chi tiết về phí quảng cáo. Ngoài ra, công ty này cũng yêu cầu khách hàng cung cấp sự đồng ý để sử dụng thông tin cá nhân cho quảng cáo cá nhân hóa. Amazon đã phát triển một trang trợ giúp mới để giải thích các bản cập nhật này, đảm bảo khách hàng có quyền kiểm soát thông tin cá nhân của mình.
Tối hậu thư gửi đến những gã khổng lồ công nghệ
Những thay đổi của những người gác cổng đang cho thấy dấu hiệu tích cực, góp phần tạo nên một thị trường công bằng hơn, nơi sự cạnh tranh lành mạnh được bảo đảm. Tuy nhiên, sự thay đổi này không có nghĩa là các công ty đã hoàn toàn tuân thủ các quy tắc của DMA.
Với sự lo ngại các biện pháp thay đổi của người gác cổng không đáp ứng được việc tuân thủ hiệu quả DMA, EC đã mở các thủ tục tố tụng để chống lại Apple, Meta Platforms và Alphabet. Điều này được xem như một biện pháp phòng vệ trước các quy định của DMA, hơn là một sự thay đổi toàn diện.
Vào tháng 6-2024, Apple đã chính thức trở thành công ty đầu tiên bị buộc tội vi phạm các quy tắc DMA của EU do đã ngăn cản các nhà phát triển ứng dụng tự do hướng người dùng đến các kênh thay thế để nhận ưu đãi và nội dung. Tiếp theo đó, vào tháng 7, Meta Platforms phải đối mặt với cáo buộc của EC do mô hình “trả phí hoặc đồng ý” không tuân thủ Điều 5(2) DMA. Cuối cùng, đối với Alphabet, EC đang gấp rút chuẩn bị phán quyết sơ bộ để chống lại công ty này, dự kiến sẽ được ban hành vào cuối tháng 10.
Các công ty trên sẽ có thời gian để phản hồi đánh giá sơ bộ của EC trước khi phán quyết cuối cùng chính thức được đưa ra vào tháng 3-2025. Đây được xem là “tối hậu thư” mà EC gửi đến Apple, Meta Platforms, Alphabet cũng như những người gác cổng khác. Trong trường hợp không tuân thủ, các công ty này sẽ phải đối mặt với mức phạt khổng lồ lên đến 10% tổng doanh thu toàn cầu và có thể lên đến 20% trong trường hợp vi phạm nhiều lần. Doanh thu hàng năm của Apple năm ngoái là 383 tỉ đô la Mỹ, Meta Platforms là 134 tỉ đô la Mỹ và Alphabet là 307 tỉ đô la Mỹ .
Hơn nữa, trong trường hợp không tuân thủ có hệ thống, EC cũng có quyền áp dụng các biện pháp khắc phục bổ sung như buộc phải bán một doanh nghiệp hoặc một phần doanh nghiệp đó hoặc cấm người gác cổng mua thêm các dịch vụ liên quan đến việc không tuân thủ.
Tương lai của DMA
Hiện tại, EC cũng đang tiến hành các cuộc điều tra khác nhằm xác định liệu các điều khoản hợp đồng mới của Apple dành cho nhà phát triển ứng dụng và cửa hàng ứng dụng bên thứ ba có vi phạm Điều 6(4) DMA, cũng như hành vi tự ưu tiên của Amazon có vi phạm Điều 6(5) DMA hay không. Điều này cho thấy sự quyết tâm của EC trong việc thực thi nghiêm ngặt các quy định của DMA, không một tập đoàn nào, dù lớn mạnh đến đâu, có thể đứng ngoài các nguyên tắc cạnh tranh công bằng.
Sự ra đời của DMA là một “cú đánh mạnh” đối với các tập đoàn công nghệ lớn, buộc họ phải tuân thủ các chuẩn mực mới trên thị trường số. Cho đến hiện tại, DMA đang thực hiện tốt chức năng của mình, giúp người dùng không bị mắc kẹt trong các hệ sinh thái công nghệ độc quyền và bảo vệ sự cạnh tranh công bằng trên thị trường EU. Các biện pháp nghiêm ngặt này hứa hẹn sẽ tiếp tục thúc đẩy một môi trường số cởi mở và minh bạch hơn. Tuy nhiên DMA chỉ mới được đưa vào áp dụng gần đây, các học giả cũng như cơ quan điều tra cạnh tranh vẫn cần một thời gian nữa để đánh giá tính hiệu quả của quy tắc này.
Gợi mở cho Luật Dữ liệu Việt Nam
Hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình xây dựng và lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Dữ liệu nhằm thiết lập khung pháp lý hiệu quả cho các hoạt động dữ liệu trong nước. Trong khi đó, các nền tảng công nghệ lại là những kho lưu trữ dữ liệu khổng lồ, nắm giữ lượng lớn thông tin người dùng, trở thành trung tâm quyền lực trong thế giới số. Do đó, Việt Nam cần học hỏi những kinh nghiệm từ EU để xây dựng một cơ chế pháp lý phù hợp, giúp quản lý tốt hơn các nền tảng công nghệ lớn, đồng thời bảo vệ người dùng trước các rủi ro về quyền riêng tư và dữ liệu.
Việc học hỏi từ DMA của EU không chỉ giúp Việt Nam kiểm soát các nền tảng công nghệ lớn mà còn tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh, nơi các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể phát triển mà không bị chi phối bởi những người gác cổng lớn.
(*) Khoa Luật, trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước, Đại học Kinh tế TPHCM