Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đào tạo nghề cho nông dân: có khả thi?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đào tạo nghề cho nông dân: có khả thi?

Hồ Hùng

Nông dân đã quen suốt ngày lăn lộn với ruộng đồng nên việc đưa họ đến lớp học tập trung kéo dài lê thê không phải chuyện dễ. Ảnh: Hoàng Vũ

(TBKTSG) – Chính phủ đang chuẩn bị triển khai chương trình đào tạo nghề cho nông dân từ nay đến năm 2020 với tổng kinh phí khoảng 32.679 tỉ đồng.

Theo dự thảo kế hoạch, mỗi năm sẽ có khoảng 1 triệu nông dân được đào tạo nghề, trong đó khoảng 0,3 triệu người được đào tạo để trở thành nông dân “chất lượng cao”. Liệu có dễ để đưa nông dân đến trường và họ sẽ học những gì ở đó?

Dự kiến, nông dân có trình độ, có quyết tâm gắn bó với nông nghiệp sẽ phải xét tuyển hoặc thi tuyển để theo học chương trình đào tạo bài bản. Họ sẽ phải đến trường, được học theo giáo trình trong thời gian ba tháng, một năm… chứ không như những khóa học tập kinh nghiệm, hội thảo đầu bờ, tham quan… chỉ vài ba ngày như trước đây.

Nghe thông tin về chương trình này, ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, người gắn bó nhiều với nông nghiệp và nông dân, tỏ vẻ băn khoăn: “Phải xác định rõ, chúng ta đào tạo nghề nông cho nông dân để họ làm gì?”. Bởi theo ông, như với nông dân trồng lúa, đào tạo cho họ là không khả thi. “Nhiều nông dân thậm chí còn làm “thầy” của… thầy giáo nông nghiệp”, ông nói.

Chính ông Sơn Văn Luận, nông dân xã Tân Thành, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long, cũng nói: “Tôi chẳng có nhu cầu học! Nông dân ở đây bám theo nghề trồng hoa màu mấy chục năm nay, kinh nghiệm đầy mình rồi!”.

“Đừng đào tạo theo kiểu vãi chài!”, Tiến sĩ Dương Văn Ni, trường Đại học Cần Thơ, nói. Theo ông, đúng là nông dân nhiều người không muốn học, nhưng nhìn trên tổng thể thì nhu cầu vẫn có. “Nhưng mỗi người cần một thứ. Người thì cần nắm vững kỹ thuật bón phân; người khác lại muốn học sâu hơn về kỹ thuật gieo sạ… Do vậy, phải có kế hoạch tuyển chọn, ai cần cái gì thì đào tạo cái ấy chứ không thể đào tạo chung chung vì nếu học mà không ứng dụng được, nông dân sẽ quên ngay và lãng phí tiền đào tạo”.

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cũng thừa nhận, để chương trình khả thi thì phải có kế hoạch, mục tiêu cụ thể chứ không thể chung chung. “Đào tạo 2-3 ngày cũng là đã đào tạo? Rồi học về, từng nông dân được gì ích lợi cho công việc?”, ông thắc mắc.

“Phải có cơ sở phân tích, nghiên cứu về nhu cầu của nông dân. Bởi nâng cao trình độ cho người sản xuất là cần thiết, nhưng đào tạo sao cho hiệu quả mới là vấn đề. Có những thứ nghĩ rằng có nhu cầu, nhưng khi tiến hành thì không làm được”, Phó giáo sư Nguyễn Bảo Vệ, nguyên Trưởng khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng (Đại học Cần Thơ), góp thêm: “Tại sao vào đại học phải thi theo ngành, phải đạt điểm chuẩn? Đó cũng là cách để xác định đúng và đều trình độ, khả năng, nhu cầu để đào tạo chung một lớp cho hiệu quả. Còn nông dân, người thích trồng cây này, người muốn trồng thứ khác, rồi trình độ nào, nhu cầu nào… cũng ghép chung một lớp thì rất khó!”.

Trong khi đó, để rà soát và tuyển chọn được đúng người, đúng nhu cầu, theo ông Nhị: “Bộ máy chính quyền khó làm xuể”. Ngay cả chuyện đưa nông dân đến “trường” dài ngày, theo một số chuyên gia, cũng là điều khó thực hiện. Ông Nhị cho biết, An Giang từng “kéo” nông dân lên đào tạo chỉ vài ba ngày, thậm chí chi 10.000 đồng/người/ngày, nhưng số theo học chẳng là bao và nhiều người chẳng muốn nhận tiền vì sợ phải gánh trách nhiệm.

Ông Vệ cũng cho biết, ngay ở trường Đại học Cần Thơ, trước đây sinh viên phải học trên 320 tín chỉ, nhưng nay hạ xuống chỉ còn 138 tín chỉ cũng không ngoài mục tiêu giúp sinh viên dễ tiếp thu. Còn nông dân trình độ thấp hơn, họ làm sao thích nghi và tiếp thu được những bài giảng lê thê, những lớp học dài ngày?

Như vậy, nếu không có kế hoạch tuyển chọn, sắp xếp lớp và những giáo án, chương trình đào tạo phù hợp, không dễ để kéo nông dân đi học, nhất là mặt bằng học vấn của nông dân hiện nay không cao. Đây là vấn đề nan giải, nhất là khi cơ sở dạy nghề và đội ngũ giảng viên khó đáp ứng.

Mặt khác, nếu chương trình đưa ra chỉ tiêu cụ thể, không khéo lại có những học viên “ngồi nhầm chỗ” chỉ để đạt kế hoạch và “tiêu” hết kinh phí được rót xuống.

“Theo tôi, chỉ cần làm tốt chuyện khuyến nông là đủ. Nếu có cho nông dân đi học, thì cũng chỉ nên gói gọn trong vài ba ngày”, ông Nhị đề xuất.

Đồng tình ý kiến này, ông Ni góp thêm: “Chính đội ngũ khuyến nông mới cần ưu tiên đào tạo nhất. Chỉ cần cán bộ khuyến nông có đủ năng lực, hăng say làm việc… là có thể giúp ích rất nhiều cho nông dân”. Cũng theo ông Ni, hiện nay đội ngũ khuyến nông vừa thiếu lại vừa yếu, còn làm việc thì như đi làm… chính sách, chỉ thích chỉ đạo.

Trong khi đó, theo các chuyên gia, điều mà nông dân mong muốn nhất hiện nay là được Nhà nước hỗ trợ, xây dựng hệ thống thông tin, hoàn chỉnh mạng lưới tiêu thụ nông sản để nuôi trồng, canh tác đúng nhu cầu thị trường và sản phẩm bán được giá nhất. Còn nghề nông nghiệp, lâu nay nông dân đã làm khá tốt, hàng triệu tấn lúa, hàng trăm ngàn tấn cá da trơn… họ đều đủ khả năng sản xuất, có điều hiệu quả chưa như mong muốn cũng do khó khăn về thị trường tiêu thụ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới