(KTSG) - Do nhu cầu rất đa dạng của thị trường nhân lực cao cấp, vào đầu thập niên 1990 của thế kỷ trước, một số trường đại học hàng đầu ở trong nước đã chính thức mở hệ đào tạo văn bằng 2 cho những người đã tốt nghiệp đại học và cao đẳng, hoặc đã học xong chương trình đại học đại cương. Tuy nhiên cho đến nay, chưa có ai đứng ra tổng kết, đánh giá. Bài viết này xin chia sẻ vài ý kiến sau khi nhìn lại loại hình đào tạo này trong hơn 30 năm qua, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT).
- Hàng loạt trường đại học tăng mạnh học phí, có trường 80 triệu đồng/năm
- Thúc đẩy các nguồn lực cho giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ
Vào đầu thập niên 1990, đứng trước yêu cầu về nhân lực của hai lĩnh vực rất “hot” là kinh tế và CNTT, các trường như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Bách khoa TPHCM, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Kinh tế TPHCM, Đại học Ngoại thương… đã chủ động tuyển sinh văn bằng 2 cho các lĩnh vực này. Và cũng phải kể đến hoạt động này cho nghề nhà báo, nhằm đáp ứng nhu cầu của giới phóng viên, biên tập viên đang làm việc cho các cơ quan báo chí nhưng họ vốn xuất thân từ những ngành học khác.
Nhu cầu của thị trường; không dựa vào ngân sách nhà nước
Tất nhiên, người có nhu cầu học phải đóng học phí. Có đơn vị đào tạo cũng không tổ chức tuyển sinh đầu vào. Song có một thực tế như với ngành CNTT, ngành này chỉ chấp nhận đầu vào từ khối A (tổ hợp các môn Toán, Lý, Hóa) nên những người đã tốt nghiệp văn bằng 1 về y tế, sinh học chẳng hạn (vốn dĩ là khối B: Toán, Hóa, Sinh) buộc phải chấp nhận khi học xong có thể không được cấp bằng tốt nghiệp.
Thành phần theo học hệ đào tạo này hết sức đa dạng. Với rất nhiều người, theo học văn bằng 2 là họ thực sự học cho chính mình và tấm bằng tốt nghiệp không phải là điều kiện hay mục tiêu tiên quyết. Thậm chí, có không ít người bỏ học giữa chừng vì nhiều lý do, nhưng việc tiếp thu được các kiến thức mới dù chưa hoàn chỉnh, cũng hết sức giá trị để bổ trợ cho chuyên môn cũ của họ.
Cũng xin nói thêm là chính vì hệ đào tạo này hoàn toàn không dựa vào ngân sách nhà nước, nên nhiều trường khi ấy không dám mở đào tạo văn bằng 2 về thẩm mỹ công nghiệp - một lĩnh vực rất có tiềm năng nhưng chưa được nhiều người chú ý. Bởi nếu rủi ro mà học viên bỏ học giữa chừng thì nhà trường có thể không có đủ nguồn lực tài chính để duy trì hoạt động.
Một đặc điểm nữa so với hệ đào tạo văn bằng 1, đó là nhiều học viên của hệ đào tạo văn bằng 2 là những người đã đi làm, hoặc ít nhất cũng đã trưởng thành, nên quan hệ thầy trò cũng rõ ràng trong cơ chế thị trường. Không ít trường hợp, nhà trường phải thay đổi giảng viên theo kiến nghị của học viên, hoặc phải bổ sung các môn học mà học viên cho là cần thiết và họ chấp nhận đóng thêm học phí.
Nói riêng về đào tạo văn bằng 2 CNTT, nhiều người theo học đã có thể chuyển đổi công việc từ chuyên môn cũ sang hẳn lĩnh vực này và cạnh tranh chuyên môn với hệ văn bằng 1. Một số khác thì vẫn ở lại với công việc cũ mà họ đã chọn, nhưng tri thức về CNTT học được khi đó có thể tích hợp với chuyên môn gốc.
Theo vị hiệu trưởng một trường đại học, hệ đào tạo văn bằng 2 CNTT đã góp phần cho sự hình thành khoa CNTT ở rất nhiều trường đại học. Lý do đơn giản là vì các trường đã chủ động cử giảng viên theo học văn bằng 2 CNTT vì nhu cầu của chính nhà trường. Và khi đó, các trường không chỉ dừng lại ở việc thành lập trung tâm CNTT cho trường mà còn phải tiến tới chính thức tuyển sinh mã ngành này, bởi nhu cầu nhân lực CNTT là hết sức lớn và học viên sẵn sàng chi trả học phí.
Quan trọng không kém đào tạo sau đại học
Nhiều người nói không nên so sánh việc đào tạo văn bằng 2 với đào tạo sau đại học. Tuy nhiên, với góc nhìn của người viết bài này, đào tạo văn bằng 2 có tầm quan trọng không hề thua kém.
Điểm rất hay ở lĩnh vực CNTT là những người tốt nghiệp văn bằng 2 có thể “cầm trịch” việc ứng dụng CNTT và chuyển đổi số cho lĩnh vực chuyên môn cũ của họ. Công việc của họ chắc chắn không phải là ngồi viết từng dòng lệnh lập trình mà là xây dựng bài toán tổng thể cùng sự tích hợp hệ thống. Trên thực tế, điều này không dễ dàng nếu những người có tấm bằng thạc sĩ được giao nhiệm vụ.
Thậm chí, không ít giảng viên CNTT còn thân mật nói với người học rằng, khi đứng trên bục giảng thì họ là thầy, nhưng khi không ở vị trí đó thì họ cũng cần phải học hỏi chính những người học của mình về việc ứng dụng CNTT vào các lĩnh vực có nhu cầu. Nói cách khác, với CNTT, việc thầy phải học lại trò cũng là chuyện hết sức bình thường!
Có lẽ không thể muộn hơn nữa, cần có những tổng kết, đánh giá về hoạt động đào tạo văn bằng 2 đại học đã có bề dày lịch sử hơn 30 năm. Thực tế vẫn có phần hơi “bất công” khi đào tạo văn bằng 2 cơ bản vẫn chưa được các trường đại học coi trọng như đào tạo văn bằng 1. Và trong khi Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các đại học còn chưa tiến hành việc này, nên chăng chính các cựu sinh viên văn bằng 2 cần chủ động tổng kết, đánh giá từ thực tiễn của chính mình. Bên cạnh đó, các đại học cũng cần thay đổi cách ứng xử để hệ đào tạo văn bằng 2 được nhìn nhận một cách bình đẳng, ít nhất là với hệ chính quy văn bằng 1.
(*) Tổng thư ký Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ trẻ Việt Nam