Thứ Hai, 20/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đặt con người ở vị trí trung tâm của quá trình chuyển đổi số

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Với quan điểm lấy con người là trung tâm, chủ thể, động lực cho mục tiêu sự phát triển, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng cần phát huy hài hòa kinh tế, văn hóa với tinh thần muốn phát triển chuyển đổi số, công nghệ số thì phải có xã hội số, công dân số.

Tại Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về công nghiệp 4.0 với chủ đề “Phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội bền vững thời kỳ hậu Covid-19, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong kỷ nguyên số” do Ban Kinh tế trung ương tổ chức sáng sáng 6-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết việc thích ứng và phát triển của mỗi quốc gia trong kỷ nguyên số và toàn cầu hóa là vấn đề lớn, vừa cấp bách, vừa lâu dài. Đặc biệt khi tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư ngày càng sâu rộng tới mọi mặt của đời sống kinh tế và xã hội.

Thủ tướng cho rằng cần có xã hội số, công dân số nếu muốn chuyển đổi số. Ảnh: Nhật Bắc.

Về định hướng trong thời gian tới, Thủ tướng cho biết Chính phủ đang tập trung chỉ đạo hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chương trình tổng thể phòng, chống đại dịch Covid-19 và chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.

Về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, Thủ tướng cho biết một số trụ cột như tập trung nâng cao năng lực y tế; bảo đảm an sinh xã hội; hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; xây dựng hạ tầng chiến lược, trong đó có hạ tầng chuyển đổi số; xây dựng và hoàn thiện thể chế; phát huy tối đa nguồn lực con người là trung tâm, chủ thể, là động lực và mục tiêu của sự phát triển…

Theo Thủ tướng, nội lực luôn là yếu tố cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định của quá trình hồi phục và phát triển. Còn ngoại lực là yếu tố quan trọng và đột phá.

Theo đó, nội lực gồm 3 trụ cột chính là con người, thiên thiên, và truyền thống văn hóa – lịch sử. Ngoại lực bao gồm công nghệ, vốn, năng lực quản trị và đào tạo nguồn nhân lực.

Với quan điểm lấy con người là trung tâm, chủ thể, động lực cho mục tiêu sự phát triển, Thủ tướng cho rằng cần phát huy hài hòa kinh tế, văn hóa với tinh thần muốn phát triển chuyển đổi số, công nghệ số thì phải có xã hội số, công dân số.

Vì vậy, thể chế sẽ được xây dựng, hoàn thiện theo hướng tập trung tháo gỡ vướng mắc trong bối cảnh thế giới diễn biến bất định, khó lường. Trọng tâm là đột phá trong xây dựng chiến lược, gồm hạ tầng chiến lược, đặc biệt là giao thông, viễn thông.

“Vẫn còn những vùng lõm về phủ sóng, nên khó mấy cũng phải làm, đặc biệt điện và sóng cho vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo. Trách nhiệm không chỉ Chính phủ mà các địa phương cần quan tâm. Không có điện, không có sóng thì không có công nghệ số”, Thủ tướng nói.

Trước đó, ông Nguyễn Kim Sơn – Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – cho rằng muốn đào tạo nhân lực đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cần phải có một nền giáo dục 4.0. Nếu nền giáo dục không đạt được trình độ như vậy thì khó kỳ vọng đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao.

Để thực hiện việc này, ông cho biết ngành giáo dục sẽ ưu tiên thực hiện một số công việc trong năm 2022.

Thứ nhất, quy hoạch mạng lưới các trường đại học với mục tiêu phát triển mạnh mẽ và ưu tiên các trường thuộc khối công nghệ, kỹ thuật, đặc biệt là nhóm đào tạo về IT và AI, nhưng phải bảo đảm về số lượng cơ sở đào tạo và chất lượng đào tạo.

Thứ hai, đẩy mạnh xã hội hóa trong giáo dục, khuyến khích các doanh nghiệp lớn phát triển các trường đại học đào tạo về khối kỹ thuật và công nghệ.

Ngoài ra, tăng cường kết hợp giữa doanh nghiệp với trường đại học.

Bên cạnh đó, ngành giáo dục sẽ triển khai đổi mới giáo dục phổ thông, củng cố chất lượng dạy học để ứng phó với dịch bệnh và tăng cường các kỹ năng số, văn hóa số cho học sinh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới