Chủ Nhật, 24/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Đất, đất, đất và đất

Nguyễn Vĩnh Nguyên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - “... nên đất đai bị nguyền rủa vì ngươi” (Sáng Thế Ký)

Ảnh: N.K

Đất

Bây giờ, người mẹ đứng cuối lô đất.

Khuôn mặt bà sầu thảm như bầu trời chùng nặng mây đen trước một cơn mưa. Nhưng giá mà mây đen có thể như bức màn phủ xuống và cất đi giùm bà bi kịch này. Giá mà có một cơn mưa nào có thể đổ xuống và cuốn trôi cơn ác mộng này.

Bi kịch khiến ruột gan bà bị giày xéo từng giờ, từng ngày. Còn đau đớn nào hơn khi phải chứng kiến sự chia rẽ giữa các con trên chính mảnh đất gia đình một thời nghèo khó, chắt chiu mà êm ấm.

Bà đứng đó, gầy guộc, xiêu vẹo, tàn tạ trong bộ bà ba cũ, vành nón kéo sụp.

Cán bộ địa chính đang mở dây thước cùng máy móc định vị, đo đạc. Hai con của bà đứng hai bên lô đất, mặt mày hằm hằm nộ khí. Dĩ nhiên là mắt họ quay về hai phía khác nhau, nhưng dù quay về phía nào thì con mắt thứ ba ghen tị hơn thua trong họ vẫn đang canh chừng, dõi theo tay thước của người đại diện pháp luật trong cuộc phân xử. Thâm tâm họ chờ đợi sự công bằng không phải đến từ người mẹ như ngày xưa chia nhau món quà chợ, mà là một sự công bằng đến từ người ngoài. Mỗi người trong số họ cũng sẵn sàng trào máu ngờ vực sự công minh nơi tay thước của cán bộ địa chính khi sự phân xử không theo ý muốn của mình.

Họ tuyệt nhiên không nhìn về hướng người mẹ. Sự sáng suốt của bà trong cuộc phân chia không làm họ thỏa mãn. Tình thương thì nằm ngoài mọi tranh chấp.

Và người ta thấy bà khuỵu xuống ở cuối lô đất trong khi cuộc tranh cãi bùng nổ. Cán bộ địa chính đã phải cho nhổ cây cọc lên để đo đạc lại lần nữa, bởi một trong hai người con của bà cho rằng thửa đất của anh vẫn còn thiếu mấy phân.

Cuối cùng thì bà phải ký và lăn tay trên một tập hồ sơ trong khi hai núm ruột của bà đang đứng vòng tay ngoảy về hai hướng trên phần đất gia đình. Trên bản di chúc được soạn lại, vết lăn tay còn tươi. Những nét vân tay nhợt nhạt cuộn vào một vòng tâm mịt mờ. Cán bộ địa chính đã an ủi bà rằng, các con cháu bà chưa đâm chém nhau đã là một phúc lành, vậy nên bà đừng buồn nữa. Rồi anh kể nhiều vụ anh em, cha con, cháu chắt chung huyết thống đã đổ máu trên phần đất gia đình. Trong khổ đau, người ta chẳng biết làm gì ngoài vỗ về nhau rằng còn có những câu chuyện có mức độ đau khổ hơn nữa kia.

Người ta dìu bà ra khỏi khu đất. Trời nắng như đổ lửa. Trên con đường làng, những mảnh vườn hai bên được găm đầy cọc xi măng, đôi chỗ kéo lưới B40, kẽm gai. Những mảnh ruộng bỏ hoang đang bị xé nát.

Có nhiều người mẹ trong tình cảnh của bà sáng nay, biết đâu được.

Những toán người đứng chỉ trỏ lô nọ thửa kia. Không ai biết đâu là cò đất đâu là chủ đất. Ai cũng sôi nổi trong cuộc “hành hình” những thửa đất và hành hình luôn những gì thuộc về thiêng liêng, huyết thống.

Bán, mua, lướt sóng..., làng quê vui nhộn bất thường. Nhà nhà sắm xe hơi để ở trước cổng. Dân quê bây giờ sắm xe bạc tỉ như mua khoai, chỉ để lái đi uống cà phê và chiều chiều lượn vài vòng, de tới de lui, bấm còi tin tin, phàng phàng... rồi phủ bạt ngoài sân. Cái công thức có tiền thì cứ phải “xe hơi nhà lầu” trở nên máy móc và lắm lúc khôi hài.

Làng quê thay đổi. Người ta khác nào cúi xuống là nhặt vàng trong đất. Còn người mẹ trưa nay đang ở đâu? Bà đang ngủ hay thức?

Đất

Một hôm, trong khu vườn đất hương hỏa xuất hiện một nấm mộ tươi, tức là mộ mới xây. Mộ mọc lên chỉ sau một đêm. Chuyện quái lạ khiến ai nấy nghe đều nổi gai ốc.

Cho đến khi người của cơ quan nhà nước kéo xuống mở cuộc điều tra bỏ túi để lập biên bản thì mới biết đứa cháu vì tranh chấp đất đai trên phần đất hương hỏa của gia đình với ông chú ruột, đã bí mật hốt cốt ông già nó về chôn trong khu vườn. Chuyện đã rồi, người nhà nước sẽ lập ban thẩm định về nhiều vấn đề, từ ảnh hưởng đến môi trường cho đến cải táng không đúng quy định. Nhưng điều mà người nhà nước sẽ không sao xử được, đó là cuộc tranh chấp đang bùng nổ vô phương cứu chữa trong lòng những kẻ chung huyết thống.

Chuyện rùng rợn kia bùng lên ở một miền quê nghèo đang đổi thay trong cơn cuồng lốc của bất động sản.

Ngày trước, nương đồng còn mênh mông, nhà này ngăn cách với nhà kia bằng những rào cây dâm bụt. Ngày nay, nhà mái Thái, cổng La Mã, biệt thự phong cách “Tây - Tàu kết hợp” mọc lên nhiều vô kể. Nhà này ngăn với nhà kia bằng những tường rào kiên cố. Không có chuyện con gái nhà này thò tay hái ngò để ngó anh con hàng xóm nhà kia mà nhớ thương đứt ruột nữa đâu.

Ai cũng nói thằng cháu “chơi lớn” quá, cha nó chết rồi mà nó còn lôi vào cuộc tranh chấp không kiêng dè. Chung quy tại đất đai có giá, cái giá của đất đai làm rẻ rúng nhân tâm. “Vì đất, có gì mà người ta không dám làm”, người kể lại chuyện này nói, giọng cay đắng.

Đất

Bà chị nông dân lái chiếc Wave gạt chân chống rồi vội vàng xách túi nylon đen bước vào phòng giao dịch ngân hàng.

Máy lạnh thổi phà phà trong chiều nắng tháng Ba cao nguyên đầy gắt gỏng. Cô nhân viên xinh đẹp nói qua vách kính ở bàn giao dịch: “Hôm nay chị muốn gửi bao nhiêu?”. Bà chị nông dân quệt mồ hôi trên trán, phẩy phẩy tay nón cho nguội cơn nóng đến từ bên trong. Bà bỏ lên bàn cái túi nylon đen cột túm căng đầy: “Cái cốp xe chị bé quá không đựng được nhiều. Nay chị gửi từng này, mai chị gửi thêm”.

Giao dịch đâu đó xong xuôi, bà chị nông dân bước ra khỏi ngân hàng với mấy cuốn sổ tiết kiệm. Chân dép rổ đi hớt hải như trong ngày thu hoạch cà phê. Nhưng đó chỉ là lối so sánh giàu hoài niệm. Đố biết ngày mai bà chị nông dân có còn là nông dân?

Và... đất

Bạn nói ở quê bạn, cán bộ nhà nước, giáo viên thậm chí học trò đều biến thành “cò”. Cò thì có cò lớn, cò bé. Cò lớn thì lướt đất nhoay nhoáy, nghĩa là cọc xong chẳng cần sang tên, cứ vậy mà chuyển cho hàng trăm cò con, kiếm lời tích tắc. Cò bé thì nắm thông tin và đi môi giới, mỗi tháng chỉ cần vài ba miếng chuyển nhượng là tiền huê hồng hơn đứt lương cán bộ công nhân viên, chẳng phải nghĩ ngợi gì nhức óc.

Nhưng bạn cũng nói rằng, bạn thấy có nghề này làm ăn được không kém gì cò. Mấy tay làm nghề này ngày càng “chảnh chọe bà cố”, hét giá trên trời mà việc làm vẫn không xuể.

Nghề gì?

Nghề làm trụ cọc và giăng dây rào đất.

Đất sốt, nghề này “hót hòn họt”. Trụ đổ không kịp theo tốc độ xuống tiền của người mua đất. Rào, rào, rào và rào tới tấp.

****

Những chuyện trên được ghi lại rời rạc trên con đường lang thang qua những vùng quê đang sốt đất từ miền cao nguyên đến duyên hải miền Trung. Vì là những chuyện thoáng qua nên xin để lửng những cái kết. Một số câu chuyện có cái kết buồn thảm bẽ bàng quá, người viết giữ cho riêng mình, không muốn đưa vào đây. Chợt nhớ lại trong Sáng Thế Ký có viết rằng, người ta khởi sinh từ đất, nhưng đất không được phúc lành. Rằng, “đất đai sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi”.

2 BÌNH LUẬN

  1. Cuộc đời này có tồn tại được hay không thì phải gắn với đất, với cây. Có đất mới có cây. Có cây thì mới có cuộc sống. Có cây thì đất mới tốt, ngày càng phì nhiêu. Vậy nên mới có bài ca rất hay là “Tình cây và đất”. Rất tiếc, đây lại chính là hai thứ mà ta đang khai thác theo kiểu “tận diệt” nhiều nhất có thể. Cây trên rừng thì chặt. Cây dưới đồng bằng cũng không yên, hoặc bị đốn hoặc bị hãm hại cho tàn héo, như thông ở Đà Lạt, Lâm Đồng. Đất thì đua nhau chia năm xẻo bảy. Mạnh ai nấy bán, phân lô, chia nền… Chỉ đến khi không còn đất, còn cây thì chắc đã quá muộn rồi.

  2. Các cấp buông lỏng quản lý dẫn đến hệ lụy là đất rừng, đất nông nghiệp bị xẻ thịt, phân lô bán nền tràn lan, không theo quy hoạch. Chả có nước nào mà đất tăng dựng đứng như ở VN, mỗi năm 30%, 40%, hỏi sao người người buôn đất, nhà nhà đi bán đất, nguồn vốn xã hội đổ hết vào đất. Phải kiểm soát giá đất tăng mỗi năm không quá 15% thì mới ổn được.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới