Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đạt được hiệp định lịch sử về khí hậu toàn cầu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đạt được hiệp định lịch sử về khí hậu toàn cầu

Thái Bình

(TBKTSG Online) – Đại diện của 196 quốc gia tham dự Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu tại Paris (COP 21) đã phê chuẩn một hiệp định mang tính lịch sử về khí hậu, nhắm tới giảm lượng khí thải nhà kính – tác nhân gây nên hiện tượng trái đất nóng lên.

Đạt được hiệp định lịch sử về khí hậu toàn cầu
Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon, Ngoại trưởng L. Fabius và Tổng thống Pháp F. Hollande công bố hiệp định Paris về khí hậu đã đạt được. Ảnh Reuters

Chiều qua ngày 12-12 giờ Paris, tức rạng sáng nay 13-12 giờ Việt Nam, hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu tại Paris (COP 21) đã phê chuẩn hiệp định sau 13 ngày đàm phán căng thẳng, trong đó có phiên đàm phán không ngừng nghỉ suốt 48 giờ qua.

Hiệp định có tính ràng buộc về pháp lý, sẽ kích hoạt một tiến trình trong đó các quốc gia phải thay đổi căn bản phương thức sản xuất và tiêu thụ năng lượng, giảm dần sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, thay thế bằng các loại năng lượng sạch hơn.

“Lịch sử sẽ ghi nhớ ngày hôm nay. Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu là một thành tựu vĩ đại cho trái đất và các dân tộc”, Tổng thư ký Liên hiệp quốc (LHQ) Ban Ki-moon tuyên bố trong tiếng hoan hô của hội nghị.

Hiệp định Paris là trường hợp hiếm hoi có được sự đồng thuận gần như của tất cả các nước, giàu và nghèo, theo các thể chế chính trị khác nhau nhưng đều bày tỏ sự ủng hộ các biện pháp, các chương trình chống biến đổi khí hậu.

Hiệp định không chỉ ghi nhận cam kết của các nước trong việc giảm phát thải do sử dụng nhiên liệu hóa thạch mà còn đặt ra khuôn khổ luật lệ để giám sát và xác nhận việc thực thi các cam kết đó cũng như cung cấp sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho các quốc gia đang phát triển. Các nước giàu và phát triển sẽ đóng góp mỗi năm khoảng 100 tỉ đô la Mỹ vào quỹ hỗ trợ này.

Chính phủ Hoa Kỳ chẳng hạn, cam kết đến năm 2030, lượng khí thải phát ra sẽ giảm khoảng 26-28% so với thời kỳ tiền công nghiệp và cam kết đóng góp tài chính để hỗ trợ các nước nghèo chống biến đổi khí hậu.

Hiệp định có cơ chế theo dõi và giám sát việc thực thi các cam kết này của từng quốc gia.

Mục tiêu tổng quát của hiệp định là giảm mức độ ô nhiễm và khí thải gây hiệu ứng nhà kính sao cho nhiệt độ của trái đất không tăng cao hơn 2 độ C (3,6 độ F) so với thời kỳ tiền công nghiệp. Các đại biểu dự hội nghị còn đề xuất tham vọng đạt được mức giảm nhiều hơn, chỉ tăng khoảng 1,5 độ C, nếu có thể.

Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, Chủ tịch hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu (COP 21), ca ngợi hiệp định này là “một bước ngoặt lịch sử”, có thể giúp 7,3 tỉ người trên trái đất tránh được những hậu quả khủng khiếp do tình trạng trái đất nóng lên gây ra trong những thập kỷ tới. Trong các phiên thảo luận ông Fabius luôn kêu gọi các đoàn đại biểu gác lại bất đồng để cùng tránh một thảm họa môi trường chung.

Đây là hiệp định toàn cầu đầu tiên kêu gọi các quốc gia – giàu cũng như nghèo – hành động để cắt giảm lượng phát thải khí CO2 và các chất khí gây hiệu ứng nhà kính khác, có biện pháp rà soát mỗi 5 năm một lần để cắt giảm thêm nữa, có biện pháp khuyến khích các chính phủ và doanh nghiệp tư nhân nhanh chóng phát triển các công nghệ mới giúp đối phó với biến đổi khí hậu. 

“Giờ đây thị trường đã nhận được tín hiệu rõ ràng để triển khai sức mạnh toàn diện của tài năng con người trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu”, ông Ban Ki-moon nói và đánh giá hiệp định này là “đầy tham vọng, tin cậy, linh hoạt và bền vững”.

(tổng hợp)

Đọc thêm:

– Hội nghị khí hậu toàn cầu COP 21 lùi ngày bế mạc

– COP 21: Giờ G sắp điểm, thương lượng vẫn căng thẳng

– Chỉ còn 5 ngày để đạt thỏa thuận về khí hậu toàn cầu

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới