Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đất hiếm không phải là “vũ khí” quá lợi hại của Trung Quốc

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đất hiếm không phải là “vũ khí” quá lợi hại của Trung Quốc

Lê Linh

(TBKTSG Online) – Trung Quốc thống lĩnh nguồn cung đất hiếm toàn cầu và đang đe dọa cắt giảm xuất khẩu sang Mỹ, làm dấy lên các lo ngại gây gián đoạn các chuỗi cung ứng ở Mỹ và nhiều nước khác. Các khoáng chất đất hiếm là thành phần quan trọng trong các sản phẩm công nghệ như điện thoại di động, tivi, máy sấy tóc, lò vi sóng, xe điện… và nhiều loại vũ khí.

Đất hiếm không phải là “vũ khí” quá lợi hại của Trung Quốc
Công nhân vận chuyển quặng đất hiếm để xuất khẩu tại một cảng ở TP. Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, trên thực tế, đất hiếm không phải là “vũ khí” quá lợi hại để Bắc Kinh trả đũa Mỹ trong cuộc chiến thương mại hiện nay vì Mỹ không sử dụng nhiều đất hiếm cho các mục đích mang tính chiến lược, hơn nữa, Mỹ vẫn có thể tìm nguồn cung từ các nơi khác chẳng hạn như châu Phi để thay thế nguồn cung từ Trung Quốc.

Đất hiếm là tập hợp 17 nguyên tố hóa học thường được tìm thấy cùng nhau trong những mẩu quặng phân bố ở một số khu vực trên thế giới. Sự thực là nhiều trong số 17 nguyên tố này như lanthanum và cerium không quá hiếm nhưng quy trình khai thác và chế biến chúng thường gây ô nhiễm nặng nề cho môi trường. Đó là một trong những lý do các hoạt động khai thác đất hiếm tập trung ở Trung Quốc.

Năm 2018, Mỹ nhập khẩu 160 triệu đô la Mỹ đất hiếm, 80% số đó đến từ Trung Quốc. Bắc Kinh giờ đây phát đi thông điệp rằng sẽ hạn chế xuất khẩu đất hiếm để trả đũa thương mại nhằm vào Mỹ.

Các thông tin đồn đoán về việc Trung Quốc sẽ ngưng xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ đã đẩy giá cổ phiếu của các công ty đất hiếm của Trung Quốc tăng phi mã, chẳng hạn cổ phiếu công ty China Minmetals Rare Earth đã tăng gần 50% kể từ đầu tháng 5.

Bắc Kinh dường như muốn các nhà đàm phán thương mại Mỹ biết rằng, đất hiếm có thể là vấn đề sống còn đối với các công ty công nghệ và sản xuất vũ khí của Mỹ. Song các chuyên gia cho rằng một lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ có thể gây gián đoạn hoạt động sản xuất của các công ty này nhưng khó có thể đe dọa họ đến mức rơi vào tình trạng tê liệt giống như trường hợp của hãng thiết bị ZTE (Trung Quốc) sau khi bị Mỹ cấm vận linh kiện và công nghệ hồi năm ngoái.

Tin tốt lành cho Washington là động thái hạn chế xuất khẩu đất hiếm của Bắc Kinh hồi năm 2010 để “trừng phạt” Nhật Bản nhưng rốt cục, không có tác dụng nhiều. Khi giá đất hiếm tăng, các nguồn vốn đầu tư của nước ngoài sẽ rót vào các mỏ đất hiếm ở những nơi khác trên thế giới, làm suy yếu vị thế gần như độc quyền của Trung Quốc.

Năm 2010, Trung Quốc nắm giữ gần như 100% sản lượng đất hiếm trên toàn cầu nhưng giờ đây, con số này đã rơi xuống mức 70% dù Trung Quốc vẫn chiếm lĩnh về thị phần chế biến đất hiếm. Hơn nữa, các công ty công nghệ Mỹ đã phát triển các giải pháp hạn chế sử dụng đất hiếm. Nếu giá đất hiếm tăng do Trung Quốc hạn chế xuất khẩu, các công ty công nghệ chắc chắn sẽ càng tìm thêm các phương án để thích ứng.

Quan trọng hơn hết, phần lớn nhu cầu đất hiếm của Mỹ không mang tính chiến lược về bản chất mà chủ yếu xuất phát từ các ứng dụng bình thường chẳng hạn như đất hiếm được sử dụng như chất xúc tác để tinh chế xăng dầu. Các chất xúc tác đó chiếm 60% nhu cầu đất hiếm của Mỹ vào năm ngoái. Các nhà máy lọc dầu vẫn có thể trả giá cao hơn để mua các chất xúc tác này từ nơi khác hoặc có thể từ bỏ sử dụng chúng mà không bị ảnh hưởng quá nghiêm trọng.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Mỹ có thể khó khăn hơn khi tìm nguồn cung đất hiếm thay thế Trung Quốc hoặc loại bỏ sử dụng đất hiếm. Nhu cầu của Bộ Quốc phòng Mỹ chỉ chiếm 1% toàn bộ nhu cầu đất hiếm. Tuy nhiên, các công ty công nghệ Mỹ và Lầu năm góc có thể vẫn muốn sẵn sàng các phương án ứng phó nếu giá đất hiếm tăng cao một khi Bắc Kinh quyết định cấm xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ.

Hôm 5-6, Jason Nie, kỹ sư vật liệu của Cơ quan Hậu cần quốc phòng (DLA) thuộc Lầu năm góc, cho biết DLA đang tiến hành đàm phán với công ty đất hiếm Mkango Resources ở Malawi (Đông Phi) và các công ty đất hiếm khác trên toàn cầu để mua các khoáng chất quan trọng như là một phần của kế hoạch đa dạng hóa nguồn cung, giảm sự phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc.

Mkango Resources vẫn đang trong quá trình phát triển một mỏ đất hiếm và xây dựng nhà máy chế biến đất hiếm ở Malawi. Công ty này chỉ đi vào hoạt động sau vài năm nữa.

DLA cũng đang đàm phán mua đất hiếm từ công ty đất hiếm Rainbow Rare Earths ở Burundi, một quốc gia Đông Phi khác, đồng thời chào mời các nhà đầu tư rót vốn vào một số dự án đất hiếm ở Mỹ.

Jason Nie nói: “Chúng tôi đang tìm kiếm bất kỳ nguồn cung nào bên ngoài Trung Quốc. Chúng tôi muốn đa dạng hóa. Chúng tôi không muốn chỉ dựa vào một nhà cung cấp duy nhất”.

Đón nhận các thông tin trên, giá cổ phiếu của Rainbow Rare Earths và Mkango Resources niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán London (Anh) ngay lập tức tăng vọt hơn 40% vào sáng 5-6.

DLA mua, cất trữ và vận chuyển hầu hết nguồn cung đất hiếm của Bộ Quốc phòng Mỹ từ các khoáng chất sử dụng trong các linh kiện máy bay chiến đấu cho đến các khoáng chất sử dụng để sản xuất các phéc-mơ-tuya của các bộ quân phục. Tính đến tháng 9-2016, DLA đang nắm giữ khối lượng đất hiếm dự trữ trị giá 1,15 tỉ đô la.

Hôm 4-6, Bộ Thương mại Mỹ cũng công bố báo cáo đưa ra 61 đề xuất chi tiết để củng cố sản lượng đất hiếm trong nước từ việc cung cấp các khoản vay lãi suất thấp cho các công ty quốc phòng để mua đất hiếm dự phòng cho đến mở rộng nguồn cung đất hiếm tại Mỹ.

Theo Wall Street Journal, Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới