Đất nông nghiệp Mỹ lên cơn sốt nhờ giá lương thực tăng
Chánh Tài
(KTSG Online) – Tại khu vực Vành đai nông nghiệp của nước Mỹ, gồm các bang vùng Trung Tây như Iowa, Ohio, Illinois, Nebraska và Minnesota, loại ‘hàng hóa’ nóng sốt nhất hiện nay là ...đất. Giá bán và cho thuê đất nông nghiệp ở vùng này đang tăng nhanh nhờ nhu cầu được thúc đẩy bởi các thị trường ngũ cốc tăng giá, các khoản trợ cấp lịch sử của chính phủ Mỹ và các mức lãi suất thấp.
Giá đất nông nghiệp ở Mỹ tăng mạnh trong năm ngoái nhờ giá các mặt hàng nông nghiệp như lúa mì, bắp, đậu nành tăng vọt. Ảnh: WSJ |
“Nóng” đấu giá đất nông nghiệp
Tại vùng Trung Tây của nước Mỹ, những cuộc ngã giá để mua bán đất nông nghiệp đang diễn ra quyết liệt ở những trung tâm cộng đồng ở các thị trấn nhỏ, cổng trực tuyến và bãi đỗ xe, nơi người mua chỉ cần ngồi trong xe rồi nháy đèn pha hoặc vẫy tay qua cửa xe để đặt giá.
Ở những nơi đó, người điều khiển đấu giá rao bán những lô đất nông nghiệp cho những nông dân đang sốt sắng mở rộng diện tích trồng trọt để tận dụng giá hàng hóa nông nghiệp đang ở mức cao nhất trong gần một thập kỷ. Các hợp đồng bắp kỳ hạn ở Mỹ đã tăng 68% trong năm qua, lên mức cao nhất trong 8 năm. Trong khi đó, các hợp đồng đậu nành kỳ hạn cũng tăng giá 77% trong năm qua, lên mức cao nhất trong 6 năm.
“Dường như, chúng tôi thiết lập đỉnh cao mới qua mỗi tháng trong các cuộc đấu giá đất nông nghiệp mà chúng tôi chủ trì”, Mike Norgaard, người đồng sở hữu Công ty Northwestern Farm Management, chuyên bán và cho thuê đất nông nghiệp ở các bang như Iowa và Minnesota, nói.
Các công ty quản lý đất nông nghiệp cho biết ngày càng có nhiều người săn lùng đất trồng trọt và một số lô đất đang được bán với giá cao hơn mức giá vào thời kỳ bùng nổ đất nông nghiệp cách đây một thập kỷ. Giá trị đất nông nghiệp của Mỹ tăng vọt trong thập kỷ trước năm 2015 với mức tăng hơn ba lần ở các bang nông nghiệp như Iowa và Nebraska, theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ. |
Tuy nhiên, kể từ đó, giá trị đất nông nghiệp ở các bang này đã giảm khoảng 15% do giá cả lương thực sụt giảm, khiến một số nông dân phá sản. Giờ đây, cú đảo chiều mạnh mẽ của nền kinh tế nông nghiệp đang thổi sức sống mới vào thị trường đất nông nghiệp.
Giá đất nông nghiệp ở Mỹ đang tăng nhờ giá lương thực tăng vọt kể từ mùa thu năm ngoái, theo các báo cáo cua 3 chi nhánh khu vực của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ.
Giá đất nông nghiệp ở các bang Illinois, Indiana, Iowa, Michigan và Wisconsin tăng 6% trong năm ngoái, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2012.
Nhiều ngân hàng ở Mỹ dự báo giá đất nước nông nghiệp sẽ tiếp tục tăng trong năm nay. Một cuộc khảo sát ý kiến của các chuyên gia đất nông nghiệp ở bang Iowa trong tháng 3 cho thấy giá đất nông nghiệp ở bang này đã tăng gần 8% kể từ tháng 9 năm ngoái.
Đà tăng giá mạnh mẽ của các mặt hàng hóa nông nghiệp như bắp, đậu nành, lúa mì... trong thời gian gần đây đã thuyết phục Matt Jerzak, một nông dân ở bang Minnesota, rằng đây là thời điểm hợp lý để mua thêm 263 hecta đất nông nghiệp để mở rộng nông trại rộng hơn 1.600 hecta hiện nay của gia đình ông dù giá mỗi hecta đang đắt hơn khoảng 5.000 đô la so với năm ngoái.
Các nông dân nhỏ lẻ khó cạnh tranh
Các giao dịch mua bán với giá trị lớn như vậy vượt quá tầm với của những nông dân trẻ như Jordan Goblish, người đang trồng bắp và đậu nành cách khu nông trại của Jerzak khoảng 80 km. Goblish thuê phần lớn đất ở khu nông trại mà ông đang canh tác. Anh đang lùng thuê đất trồng trọt kể từ khi một trong những chủ đất của anh quyết định lấy lại đất cho thuê để tự canh tác trong năm nay, khiến diện tích ở khu nông trại của anh giảm chỉ còn một nửa so với trước đây.
Goblish đã tìm đọc tin rao cho thuê đất nông nghiệp trên trên các báo địa phương và đăng tin rao thuê đất nông nghiệp trên trang rao vặt Craigslist và trang Facebook Marketplace. Song anh không đủ sức chi trả những khoản tiền thuê quá lớn. Các nông trại gần nông trại của anh đang cho thuê mỗi acre (đơn vị mẫu Anh, tương đương 0,4 hecta) với mức giá 300 đô la trở lên, cao hơn 100 đô la so với các hợp đồng thuê hiện tại của anh. “Chẳng có cách nào tôi có thể hòa vốn ở các mức giá thuê này”, Goblish nói.
Nhiều nông dân đang phải chiều lụy các chủ đất để được thuê đất lâu dài, chẳng hạn giúp cào tuyết trước nhà họ vào mùa đông, tặng các giỏ quà vào các dịp lễ và thưởng tiền cho họ vào những năm trúng mùa, được giá, thu lợi nhuận lớn. Các chủ đất thường là những nông dân sở hữu nhiều đất nông nghiệp hoặc hậu duệ của họ hoặc các nhà đầu tư gồm các quỹ lương hưu hay quỹ phòng hộ.
Nhiều chủ đất duy trì mối quan hệ dài hạn với bên thuê đất, khiến cho những nông dân mới khởi nghiệp khó tìm các lô đất mới để thuê. Ngay cả khi đã thuê được một lô đất, các hợp đồng thuê có thể đàm phán lại mỗi năm, khiến các nông dân không bảo đảm duy trì được diện tích khu nông trại của họ, vốn được thuê từ nhiều chủ đất, trong dài hạn.
Sau khi nhận được khoản trợ cấp 40.000 đô la từ gói cứu trợ của chính phủ Mỹ vào năm ngoái, nông dân Rick Brooks ở bang Ohio đã trích tổng cộng 6.000 đô la để “biếu” 3 chủ đất mỗi người 30 đô la cho mỗi acre đất mà ông đang thuê của họ. “Bạn phải lưu ý làm cho họ vui”, Brooks nói.
Cuộc cạnh tranh thuê đất của các nông dân diễn ra gay gắt một phần là vì quỹ đất nông nghiệp của Mỹ ngày một thu hẹp. Theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, kể từ năm 1950, diện tích trồng trọt của Mỹ đã giảm 25%, tương đương 123 triệu hecta. Trong khi đó, giới đầu tư cũng đang rót tiền vào đất nông nghiệp. Nhiều quỹ lương hưu và phòng hộ ở Mỹ đang thâu tóm đất nông nghiệp vì xem đó là một phương án đầu tư thay thế cho cổ phiếu và trái phiếu. Phần lớn trong số 364 triệu hecta đất nông nghiệp của Mỹ hiện nay tập trung trong tay của một số ít chủ nông trại. Khoảng 75% đất trồng trọt của Mỹ đang thuộc quyền kiểm soát của 13% chủ nông trại. Giá trị đất nông nghiệp tăng cao, khiến các nông dân nhỏ lẻ không đủ sức đặt tiền cọc để mua hay cạnh tranh thuê đất nông nghiệp. |
Theo Wall Street Journal