Chủ Nhật, 25/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

“Dấu chân carbon” sẽ định vị công ty bạn!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

"Dấu chân carbon" sẽ định vị công ty bạn!

Hồng Phúc

Bà Min Hwa Hu Kupfer chia sẻ với các doanh nghiệp Việt Nam tại Diễn đàn “Carbon footprint”.

(TBKTSG Online) - Doanh nghiệp cần đo "dấu chân carbon" và công bố các chỉ số phi tài chính của mình bên cạnh các chỉ số tài chính để định vị mình trong một thị trường đang biến đổi.

Chủ tịch Hội đồng quản trị của Quỹ Vietnam Holding (VNH), người đã nhiều năm làm việc trong thị trường đầu tư tài chính toàn cầu, bà Min Hwa Hu Kupfer trong diễn đàn “Carbon footprint” (Dấu chân Carbon) tại TPHCM hôm qua 6-12 đã chia sẻ về xu thế tất yếu với các doanh nghiệp, trong đó đầu tư, tăng trưởng gắn chặt với trách nhiệm về môi trường và xã hội.

Đầu tư xanh là khái niệm không mới với thế giới song còn khá xa lạ với nhiều công ty Việt Nam, đây là lý do VNH tổ chức diễn đàn “Carbon footprint” nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp làm quen với phương pháp tính toán và thực hiện báo cáo carbon footprint của công ty mình, đồng thời để thảo luận xu thế toàn cầu về biến đổi khí hậu, định hướng chính sách và các giải pháp thực tiễn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong quản lý năng lượng và khí nhà kính.

“Tương tự với việc công bố thông tin tài chính, tất cả các thành phần kinh tế khi áp dụng các tiêu chuẩn hiện hành về báo cáo thông tin môi trường, bao gồm cả dấu chân carbon sẽ giúp cho thị trường tạo nên sự khác biệt giữa các doanh nghiệp tiên phong và các doanh nghiệp thụ động”, bà Min nói. “Điều này còn mở đường cho việc hình thành một thị trường carbon với quy mô lớn, đồng thời cho phép các tổ chức trung gian tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa, dịch vụ, và các công cụ tài chính bao gồm cả các khoản tín dụng carbon và các quyền phát thải carbon, để thay đổi sự kiểm soát của các doanh nghiệp theo hướng tự do hơn trong cách minh bạch hơn với mục tiêu mang lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan”.

Tại sao cần đo dấu chân carbon?

Tại sao nói doanh nghiệp cần đo dấu chân carbon và đo lường, công bố các chỉ số phi tài chính của mình, điều mà đã trở thành xu hướng tất yếu trong các công ty lớn trên thế giới?

“Nếu bạn nhìn thấy một người đi ô tô, đi một đoạn lại mở kính xe vứt rác ra ngoài bạn sẽ rất bất bình. Nhưng thực ra, khi chúng ta đi ô tô, cứ vài ki lô mét ta lại mở cửa sổ vứt ra đó 1kg carbon. Nếu ai cũng tiếp tục làm mọi việc như cũ, nhiệt độ thế giới sẽ tăng thêm 2 độ trong năm 2030”, Giám đốc điều hành Công ty quản lý quỹ Vietnam Holding, ông Vũ Quang Thịnh chia sẻ với các doanh nghiệp tại diễn đàn, “Nếu cơ thể bạn đang từ 37 độ tăng thêm 2 độ, bạn sốt đùng đùng và không thể hoạt động bình thường. Vậy khi nơi bạn sống, không khí bạn thở tăng thêm 2 độ, nước biển dâng lên và nhiều nơi bị ngập lụt, tuyết biến thành mưa, cả trăm khu nghỉ dưỡng không có tuyết mà trượt… Chúng ta phải tính toán và tìm cách giải quyết vì nếu không thì người khác sẽ tìm cách”.

Doanh nghiệp có liên quan gì trong chuyện đó? “Trong quá trình sản xuất kinh doanh, cùng với việc tạo ra công ăn việc làm cho xã hội, tạo ra lợi nhuận và đóng góp thuế, các doanh nghiệp cũng đang thải một lượng khí nhà kính vào trong khí quyển, góp phần làm cho trái đất nóng lên và gây nên những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Tôi cho rằng đã đến lúc doanh nghiệp phải hành động góp phần bảo vệ cuộc sống cho tương lai”, Phó tổng giám đốc Sở giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) bà Trần Anh Đào nói.

Ông Thịnh cho rằng, doanh nghiệp đang sử dụng nguồn lực của xã hội và thiên nhiên, nước, không khí, nhân lực từ xã hội. Nếu như anh đang sử dụng tiền của nhà đầu tư và ngân hàng, anh phải báo cáo với họ việc sử dụng vốn thì tại sao việc công bố thông tin chi tiết về môi trường, xã hội lại chưa được coi là bình thường?

Tính toán được

Và khi đo được, ta sẽ hiểu được tầm quan trọng của nó và vai trò của hành động của mình. Nếu như tất cả chúng ta đều quan tâm đến một môi trường sống có không khí trong lành và thực phẩm an toàn, thì doanh nghiệp chúng ta nên làm gì để không làm tổn hại đến môi trường sống? Các chuyên gia quốc tế và trong nước tại đây đã chia sẻ các công cụ để doanh nghiệp có thể sử dụng đo dấu chân carbon, chỉ số về môi trường và xã hội và chúng đã có sẵn trên thị trường, như báo cáo kiểm toán năng lượng, các công cụ kiểm kê nguồn lực doanh nghiệp sử dụng trong hoạt động (ví dụ hóa đơn điện nước) và khối lượng khí nhà kính do doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tạo ra hàng năm… tất cả đều tính toán được.

Ông Nick Beglinger, chuyên gia về chiến lược phát triển bền vững liên quan đến chính sách về biến đổi khí hậu, công nghệ sạch, năng lượng và định giá carbon, thành viên nhóm “Các nhà lãnh đạo cho thiên nhiên” của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), từng là Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp công nghệ sạch Thụy Sĩ đã trả lời các câu hỏi của doanh nghiệp Việt Nam. “Chính phủ cần đưa ra các giải pháp cụ thể và rõ ràng cho các doanh nghiệp (thì họ mới làm được). Để trở thành công ty hàng đầu ở Việt Nam, bạn có thể tính toán về giá phát thải carbon trong bản thân công ty bạn. Cách đơn giản là chúng ta nhờ chuyên gia tính giá về phát thải carbon khi đưa ra dự án đầu tư mới. Nếu dùng công nghệ sạch hay bẩn, điện, than và hay năng lượng tái tạo, gạch nung hay không nung, tường mỏng hay dày, dùng thiết bị thu nhiệt hay xả thẳng ra không khí… thì giá khác nhau là bao nhiêu, hiệu quả trong các năm tới thế nào. Đôi khi chi phí ban đầu lớn hơn nhưng chi phí vận hành sẽ giảm mạnh và ngược lại, nếu đầu tư rẻ thì sẽ phải trả thêm tiền điện để chạy điều hòa và cách âm...".

Ông Nick Beglinger khẳng định rằng những đồng tiền doanh nghiệp bỏ vào công nghệ xanh không phải gánh nặng chi phí mà đem lại lợi nhuận cao hơn công nghệ cũ về lâu dài. Các nhà đầu tư sẽ ưu tiên công ty sạch để đổ vốn vào, những người mua lớn như Unilever, Nike chỉ mua từ những nhà máy sử dụng công nghệ sạch. Trong một tương lai gần, thế hệ tiêu dùng thông minh sẽ quyết định bằng hành động tiêu dùng. Họ chỉ mua hàng từ những doanh nghiệp sạch. Các chỉ tiêu về môi trường, năng lượng, khí thải sẽ gắn kết với chỉ số cạnh tranh của doanh nghiệp. Chúng ta chuẩn bị tốt hơn cho bất kỳ những gì sẽ xảy ra trên thị trường.

“Một ngày không xa nữa, vào năm 2018, khi quý vị mua một cái áo, một đôi giày, trên đó sẽ gắn mác cho biết sự ra đời của cái áo này đã tiêu tốn bao nhiêu điện, nước, thải ra bao nhiêu CO2 và nhiệt… Các thương hiệu lớn đã cam kết năm 2018 sẽ gắn mác đó trên sản phẩm. Người mua hàng thế hệ mới sẽ quyết định các hành động của doanh nghiệp chứ không chỉ cổ đông và cơ quan quản lý”, chuyên gia về tiết kiệm năng lượng và biến đổi khí hậu, ông Nguyễn Đăng Anh Thi cho biết.

Song, không giống như nhiều doanh nhân lo ngại, huy động tài chính cho dự án dùng năng lượng sạch sẽ nhẹ nhàng hơn huy động vốn cho dự án bẩn rất nhiều. Ông Anh Thi cho biết, xu hướng đang diễn ra là nhà đầu tư hàng đầu ở các quốc gia tiên tiến quan tâm nhiều hơn đến phát triển bền vững và minh bạch và thông tin xã hội. Các nhà đầu tư thông minh sẽ đầu tư vào những công ty thông minh và sạch, ở đó người lãnh đạo có thể nhìn về phía trước và hành động đón đầu tương lai. Nếu bạn lờ đi các chuẩn mực này, bạn sẽ mất nhà đầu tư. Còn khi chỉ số ESG (chỉ số về cải thiện công bố thông tin môi trường, xã hội và quản trị) của công ty bạn được hiển thị trên bản đồ ESG toàn cầu, khi đó tầm của bạn sẽ khác.

Theo bà Min, doanh nghiệp phải đo lường và có hành động quản lý dấu chân carbon của mình vì cổ đông và nhà đầu tư ngày càng đòi hỏi điều này rõ ràng hơn. Nhà đầu tư của quỹ chúng tôi luôn cần các danh mục đầu tư ổn định và lâu dài vào các công ty có công thức đầu tư, vận hành tốt ở Việt Nam và các công ty đó phải có hồ sơ phát triển bền vững tốt. Bản thân VNH cũng tính toán dấu chân carbon của danh mục đầu tư và cường độ carbon thấp đó là những gì chúng tôi mong đợi.

“Chúng ta biết đo lường thì mới biết quý trọng. Tôi nhớ ông bà ta có câu nếu đo được thì mới làm được. Những người hiểu và quản lý tốt dấu chân carbon của mình giúp ta biết mình đang ở đâu, trở nên khác biệt trong con mắt của nhà đầu tư và xã hội, có một lợi thế cạnh tranh trong một thế giới ngày càng thay đổi ý thức về môi trường”, bà Min nói.

Việt Nam hiện có khoảng 2.000 doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng trọng điểm, trong đó 300 doanh nghiệp nằm trên địa bàn TPHCM.

“Nếu Việt Nam tiếp tục với kế hoạch 40GW nhiệt điện than, nếu toàn bộ khu vực thực hiện các kế hoạch dựa vào than đá vào thời điểm này, tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ kết thúc. Đó sẽ là một thảm họa đối với chúng ta và hành tinh này.”

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, ông Jim Yong Kim

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới