Thứ bảy, 25/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Dầu cọ và bảo vệ rừng

Nguyễn Vũ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Malaysia, Indonesia - hai nước xuất khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới, chiếm đến 85% sản lượng - đang phản đối lệnh cấm của EU, theo họ, sẽ gây khó khăn cho người dân nghèo nước họ. Trong khi đó, EU nói lệnh cấm là nhằm ngăn nạn phá rừng, là thủ phạm gây ra đến 10% khí thải gây hại cho khí hậu.

Thật ra, lệnh cấm của EU không chỉ đích danh dầu cọ; nó cấm nhập khẩu vào EU bất kỳ sản phẩm nào sản xuất trên đất rừng bị phá sau ngày 31-12-2020, kể cả các sản phẩm phái sinh. Chịu tác động có thể là nhiều loại sản phẩm như cà phê, gỗ, ca cao, cao su, nhưng rõ nhất là dầu cọ của Malaysia, Indonesia và các sản phẩm từ dầu cọ kể cả bánh kẹo. Sau khi từng nước EU phê chuẩn lệnh cấm, doanh nghiệp lớn có 18 tháng, doanh nghiệp nhỏ có 24 tháng để tuân thủ, vi phạm có thể bị phạt đến 4% doanh thu tại nước EU có xảy ra vi phạm.

Theo tờ New York Times, Bộ trưởng Môi trường Malaysia, Nik Nazmi Nik Ahmad phát biểu: “Chúng tôi không chất vấn nhu cầu chống lại nạn phá rừng. Nhưng thật không công bằng khi nhiều nước từng phá rừng của chính họ trong nhiều thế kỷ hay chịu trách nhiệm cho phần lớn chuyện phá rừng (làm đồn điền thời thuộc địa) ở nước chúng tôi nay có thể đơn phương áp đặt điều kiện”.

Tranh cãi chung quanh lệnh cấm nhập dầu cọ cho thấy một sự căng thẳng mới liên quan đến nỗ lực chống biến đổi khí hậu: các nước thu nhập thấp và trung bình đang bị buộc phải gánh chịu chi phí chuyển đổi đắt đỏ nhằm bảo vệ môi trường trong khi tác nhân gây biến đổi khí hậu chủ yếu là các nước giàu.

Ngoài ra có nhiều ý kiến cho rằng quy định của EU thực chất là nhằm bảo hộ nông dân châu Âu, giúp các nông dân trồng các loại cây lấy dầu khác có thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Ngược lại, việc tuân thủ quy định sẽ rất tốn chi phí và phức tạp đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, phải chứng minh sản phẩm của mình không dùng đất nông nghiệp mới chuyển từ đất rừng sang sau năm 2020.

Pamela Coke-Hamilton, Giám đốc điều hành Trung tâm Thương mại Quốc tế, một tổ chức của Liên hiệp quốc có nhiệm vụ giúp các nước nghèo trong lĩnh vực thương mại, nhận định: “Sẽ có rất nhiều người bị bất ngờ khi quy định mới bắt đầu có hiệu lực vào năm sau”. Bà cho biết nhiều nông dân nhỏ lẻ không hề biết về lệnh cấm, chứ chưa nói đến việc tuân thủ.

Rất có thể lệnh cấm của EU sẽ có tác dụng ngược. Nhiều nông dân rơi vào cảnh nghèo đói khi không thể xuất khẩu sản phẩm của họ và đói nghèo dễ thúc đẩy họ tiếp tục phá rừng để tìm kế sinh nhai. Phóng viên tờ New York Times để nguyên một tuần phỏng vấn nhiều nông trại ở bang Sabah trên đảo Borneo, Malaysia và phát hiện không hề có một nông dân nào biết đến quy định cấm phá rừng của EU.

Các nông trại nhỏ ở Malaysia, được định nghĩa là có diện tích dưới 40 héc ta, sản xuất chừng 27% tổng sản lượng dầu cọ của nước này. Các doanh nghiệp lớn với những nông trại cò bay thẳng cánh chiếm tỷ lệ lớn còn lại. Ngành sản xuất dầu cọ, thu hút lượng lao động chừng 4,5 triệu người ở hai nước Malaysia và Indonesia, đã giúp giảm nghèo ở nông thôn, thu ngoại tệ nhờ xuất khẩu và tạo ra công ăn việc làm cho nhiều cộng đồng.

Tuy nhiên ngành này cũng gây ra nạn phá rừng quy mô lớn để lập nông trại khi nhu cầu dầu cọ tăng cao. Theo Viện Tài nguyên Thế giới, từ năm 2001-2022, Malaysia mất một phần năm rừng nhiệt đới nguyên sinh và quá trình phá rừng này đồng thời tiêu hủy môi trường sống của hàng ngàn loài, đẩy nhiều động vật vào chỗ tuyệt chủng. Đã từng có những nỗ lực nhằm phát triển ngành dầu cọ bền vững, hạn chế nạn phá rừng. Lệnh cấm của EU cũng nhắm vào mục đích này; đối tượng phải chứng minh sản phẩm của mình không liên quan đến chuyện phá rừng là các nhà xuất khẩu.

Tuy nhiên, theo dõi nguồn gốc của từng sản phẩm, được thu gom từ hàng ngàn nông dân ở các vùng xa xôi, hẻo lánh là rất phức tạp chứ không đơn giản như các nhà làm luật EU suy nghĩ. Các thương nhân trung gian lại không muốn tiết lộ nguồn khách hàng vì sợ đối thủ cạnh tranh, vì thế trong nhiều trường hợp, nhà máy chế biến không thể xác định được nguồn gốc nguyên liệu đầu vào. Theo quy luật thị trường, các nông trại nhỏ chịu thua thiệt sẽ mất dần thị phần vào tay các doanh nghiệp lớn, có đủ nguồn lực để tuân thủ quy định mới.

Giám đốc của một công ty sản xuất dầu cọ thuộc loại lớn nhất thế giới ở Indonesia cho biết họ mua nguyên liệu từ hơn một triệu nông trại nhỏ. “Chỉ cần một nông trại không tuân thủ thì theo quy định của EU, toàn bộ lô hàng sẽ không đủ điều kiện xuất khẩu hay dùng để chế biến hàng xuất khẩu vào EU”. Để hạn chế rủi ro, họ sẽ chuyển sang mua nguyên liệu của nông trại lớn, đẩy nông dân nhỏ lẻ vào chỗ khó khăn.

1 BÌNH LUẬN

  1. Cuộc đời luôn phát sinh mâu thuẫn. Con người phải có trách nhiệm hóa giải. Dầu cọ, là cả một câu chuyện sinh tồn của người dân, nhất là người nghèo. Carbon, là cả một câu chuyện toàn cầu. Đòi hỏi phải có phương án xử lý phù hợp. Không đơn giản cứ hô cấm là cấm hoàn toàn. Giống như câu chuyện xe xăng và xe điện. Dòng xe nào cũng có nguy cơ rủi ro môi trường. Nếu là xe xăng, hàng triệu ống khói động cơ xả ra môi trường 24/7, làm sao có thể thu gom chất gây ô nhiễm và xử lý nổi ? Nếu là xe điện, thì tránh được tình trạng của xe xăng, chỉ cần tập trung vào xử lý pin sau khi sử dụng với công nghệ tối ưu. Rõ ràng, xử lý pin tập trung hiệu quả về môi trường là cao hơn nhiều so với xe xăng. Đây chính là lựa chọn mang tính khác biệt, quan trọng nhất.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới