Chủ Nhật, 29/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Đấu giá 2.000 héc-ta quanh Vành đai 3 như thế nào để có hơn 100.000 tỉ đồng?

Thái Huy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Sở Tài nguyên và Môi trường vừa đề xuất thu hồi, đấu giá một phần đất thuộc Dự án đường Vành đai 3 khoảng 2.000 héc-ta đi qua TPHCM để tạo nguồn lực cho tái đầu tư phát triển. Tuyến đường Vành đai 3 chạy qua 4 tỉnh, thành (TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An) hiện đang là những nơi có tốc độ đô thị hóa nhanh và tăng trưởng nóng nhất của Đông Nam bộ.

Vành đai 3 liên kết TPHCM với Đồng Nai, Bình Dương, Long An tạo nên vùng kinh tế năng động nhất nước. Ảnh đồ họa: baogiaothong.vn

Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM (TN&MT), việc thi công các trục giao thông chạy qua các tỉnh, thành xưa nay đã từng có tiền lệ, vừa công bố quy hoạch là sốt đất, kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng tăng đột biến. Vì thế để cơ chế kiểm soát và chế tài về xây dựng, khai thác đất ở TPHCM hiệu quả hơn, sở này vừa đề xuất thu hồi, đấu giá một phần đất thuộc Dự án đường Vành đai 3 để tạo nguồn lực cho tái đầu tư phát triển.

Cơ quan này nhận định, khả năng đấu giá thành công cao và tài chính thu được là lớn. Do đó TPHCM cần khẩn trương xây dựng quy hoạch 1/500 vành đai phố thị chạy dọc theo một bên hoặc hai bên trục đường, bao gồm thiết kế chi tiết không gian - cảnh quan, thiết kế kinh tế - xã hội, từ đó minh bạch mục đích, nhu cầu sử dụng, mật độ xây dựng, hệ số xây dựng, chiều cao, số tầng, khối đế, số tầng hầm, khoảng lùi, diện tích cây xanh, kết nối giao thông… cho người tham gia đấu giá biết và cân nhắc lựa chọn đầu tư.

Hiện có khoảng 2.000 ha đất lân cận, liền kề với tuyến đường vành đai 3. Khu vực này chủ yếu là đất nông nghiệp, rất ít nhà ở. Nếu triển khai thu hồi được, bán đấu giá đối khoảng 2.000 ha đất tại đây thì dự toán với mức giá hiện tại, ngân sách sẽ thu được hơn 100.000 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, do thời gian thực hiện đấu giá có thể trong 3 năm theo tiến độ dự án, nên cần lựa chọn thí điểm một số mảnh, thửa để đấu giá, sau đó dựa trên kết quả đấu giá, rút kinh nghiệm để chỉ định thầu. Theo Sở TN&MT, thành phố nên tính toán phương án cho thuê 50-70 năm đến 99 năm như các nước, đề phòng những biến động không lường trước như mở rộng đường, thêm nhiều công trình mới như cầu vượt, cầu bộ hành, hầm chui… và tránh phát sinh thêm kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng, phức tạp về an ninh trật tự.

Để thực hiện các nội dung này, Sở TN&MT đề xuất TPHCM gấp rút xây dựng cơ chế kiểm soát và chế tài về xây dựng, khai thác và sử dụng đất cả khi đấu giá xong, khi đất đã có chủ. Điều này giúp hạn chế tình trạng đầu cơ bất động sản, tránh việc tìm mọi cách để đấu giá, tranh giành đất, bỏ đất hoang hóa… Qua đó khống chế được các phát sinh tiêu cực: sốt đất, xây dựng phá vỡ quy hoạch chung, xây dựng sai công năng, kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng tăng đột biến...

Cũng theo đề xuất của Sở TN&MT, để 98km của tuyến Vành đai 3 trở thành vành đai kinh tế - xã hội sinh động, TPHCM cũng cần chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp với 3 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An xây dựng những quy định thống nhất, đồng bộ về quy hoạch và quản lý, cùng nhau làm tăng giá trị của dự án.

Tháng 6-2022, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư cho dự án đường vành đai 3. Vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài 76,34 km (đoạn qua TP.HCM 47,51 km; Đồng Nai 11,26 km; Bình Dương 10,76 km; Long An 6,81 km). Theo tính toán, tổng mức đầu tư của dự án hơn 75.300 tỉ đồng. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới