Thứ ba, 26/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Dầu khí xa bờ hồi sinh

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Sau khi nằm phủ bụi trong nhiều năm, các giàn khoan dầu khổng lồ trên thế giới đang được đưa ra biển để phục vụ các dự án dầu khí xa bờ nhờ nhu cầu năng lượng và giá dầu tăng.

Tàu khoan dầu Deepwater Titan trị giá 1,2 tỉ đô la Mỹ của Công ty khoan dầu khí Transocean sẽ sớm khởi hành đến vùng nước sâu nhất của Vịnh Mexico ở Mỹ. Ảnh: WSJ

Tàu khoan dầu Deepwater Titan trị giá 1,2 tỉ đô la Mỹ của Công ty khoan dầu khí Transocean (Mỹ) nằm im lìm trong một xưởng đóng tàu ở Singapore trong 5 năm qua.

Deepwater Titan trông giống như một tàu du lịch bị bỏ hoang với một cần cẩu gắn trên boong nhưng con tàu có chiều dài gần ba sân bóng đá này sẽ sớm khởi hành đến vùng nước sâu nhất của Vịnh Mexico ở Mỹ. Ở đây, Deepwater Titan sẽ khoan ở độ sâu 13km dưới đáy biển để tìm kiếm dầu cho Tập đoàn năng lượng Chevron.

Cuộc săn lùng dầu mỏ ngoài khơi xa đang hồi sinh trong bối cảnh nhu cầu năng lượng toàn cầu tăng lên, nguồn cung dầu bị gián đoạn do cuộc xung đột Nga-Ukraine và giá dầu thô vẫn duy trì trên mức trước đại dịch Covid-19. Sau khi không được ai thuê vào cuối thập niên trước, các tàu khoan khổng lồ như Deepwater Titan cũng đang hoạt động ở vùng nước sâu dọc theo bờ biển Brazil.

Trong số khoảng 600 giàn khoan trên toàn thế giới đã có sẵn để cho các dự án ngoài khơi thuê, vào tháng 12-2022, khoảng 90% đang hoạt động hoặc đã được ký hợp đồng thuê, theo Công ty nghiên cứu thị trường Westwood Global Energy Group. Năm năm trước đó, tỷ lệ này là 63%.

Một số công ty hưởng lợi từ sự cơn bùng nổ hoạt động khoan dầu ngoài khơi là Transocean, Valaris và Noble Corp. Các nhà thầu này tính phí thuê tàu khoan hơn 400.000 đô la/ngày, tăng từ khoảng 300.000 đô la vào đầu năm ngoái và dưới 200.000 đô la hai năm trước. Các nhà phân tích dự báo, phí thuê tàu khoan sẽ vượt quá 500.000 đô la/ngày vào năm 2024.

“Trong hơn một năm rưỡi qua, các công ty dầu khí bắt đầu khoan thăm dò trở lại ở các dự án xa bờ và muốn sử dụng những giàn khoan hiệu quả nhất”, Giám đốc điều hành Noble, Robert Eifler nói.

Nhiều công ty dầu khí đặt cược vào các dự án khoan dầu xa bờ mới ở  Nam Mỹ và Trung Đông. Các tàu khoan dầu đang xuất hiện dày đặc ở các bờ biển Đại Tây Dương của Brazil và hai nước láng giềng Guyana và Suriname sau khi Tập đoàn dầu khí quốc gia Brazil Petrobras thúc đẩy sản xuất cũng như một số trữ lượng dầu lớn được phát hiện ở vùng biển lân cận Brazil trong năm gần đây.

Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đều phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động khoan dầu xa bờ để tăng công suất sản xuất dầu thêm 1 triệu thùng mỗi ngày vào năm 2027. Theo công ty nghiên cứu Evercore, có tới 80% công suất dầu mới của Saudi Arabia sẽ đến từ các dự án xa bờ.

Các công ty cho thuê giàn khoan cho biết, sẽ không mở rộng đầu tư vào thời gian này sau khi rút ra bài học từ các giai đoạn bùng nổ và sụp đổ trước đây, bao gồm cả đợt suy thoái năm 2014, khiến một số công ty phải tuyên bố phá sản.

Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn sẽ đối mặt với nhiều rủi ro. Các dự án xa bờ thường tốn kém chi phí đầu tư so hơn so với dự án khoan dầu trên đất liền. Nhu cầu dầu có thể giảm mạnh trong những năm tới nếu tiến trình chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch trên thế giới tăng tốc và nhiều nước thực hiện các chương trinh giảm khí thải nhà kính.

Doanh nghiệp cũng sẽ vấp phải sự phản đối của các tổ chức bảo vệ môi trường vốn đang lo lắng về tác động của hoạt động khoan dầu đối với khí hậu cũng như nguy cơ xảy ra các thảm họa bất ngờ. Vụ nổ trên giàn khoan Deepwater Horizon ở Vịnh Mexico vào năm 2010 đã gây ra vụ tràn dầu ngoài khơi tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Cơn bùng nổ dự án khoan dầu xa bờ có thể giúp thúc đẩy một số nước đang phát triển như Guyana. Trữ lượng dầu mỏ dồi dào có khả năng mang lại cho quốc gia Nam Mỹ hàng tỉ đô la doanh thu trong những thập niên tới.

Theo công ty nghiên cứu thị trường năng lượng Rystad Energy, Guyana có thể sẽ sản xuất 1,7 triệu thùng dầu/ngày vào năm 2035, trở thành nước sản xuất dầu xa bờ lớn thứ tư trên thế giới, sau Mỹ, Mexico và Na Uy.

Theo Rystad, vào năm 2000, các nguồn dầu từ các dự án xa bờ chiếm khoảng 35% sản lượng dầu toàn cầu. Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, các công ty khoan dầu đã tận dụng lãi suất thấp để vay các khoản tiền lớn và mở rộng đội tàu khoan.

Cơn bùng nổ nhu cầu khoan dầu xa bờ kết thúc vào năm 2014 khi giá dầu lao dốc do nguồn cung tăng vọt từ các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ và việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) từ chối cắt giảm sản lượng dầu mỏ. Theo Westwood, nhiều tàu khoan mới, chỉ mới 11 tuổi, đã được bán để “xẻ thịt” lấy phế liệu và tổng lượng tàu khoan mà các nhà thầu sẵn sàng cho thuê bị cắt giảm hơn 35%.

Tuy nhiên, thị trường cho thuê tàu khoan hiện đang hồi sinh khi hoạt động khoan dầu xa bờ được thúc đẩy nhờ đại dịch Covid-19 lắng xuống, giá cả và nhu cầu năng lượng tăng lên.

Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng sản xuất dầu đá phiến trên đất liều của Mỹ chậm lại, khuyến khích các nhà sản xuất dầu đầu tư vào các dự án xa bờ mới. Cuộc chiến ở Ukraine và các lệnh trừng phạt chống lại Nga cũng làm gián đoạn nguồn cung dầu khí, thúc đẩy các cuộc tìm kiếm các nguồn năng lượng mới trên khắp thế giới bao gồm các dự án dầu ngoài khơi xa.

Tình trạng khan hiếm tàu khoan đang khiến các công ty dầu mỏ phải trả thuê cao hơn. Theo Westwood, trong số 82 tàu khoan còn tồn tại sau đợt phân rã bán phế liệu của thập niên trước, chỉ có 4 tàu không hoạt động hoặc chưa ký hợp đồng cho cuối năm nay. Dù giá dầu đã giảm trong thời gian gần đây nhưng vẫn cao hơn mức trước đại dịch và cao hơn nhiều so với mức giá mà các công ty dầu khí cần để thu được lợi nhuận từ các giếng dầu ngoài khơi.

Các giàn khoan tự nâng (jackup rig), có thể tự đứng dưới đáy biển ở vùng nước sâu khoảng 150 mét cũng đang cháy hàng nhờ nhu cầu từ Trung Đông.

Kể từ đầu năm ngoái, Saudi Aramco, tập đoàn dầu khí quốc gia Saudi Arabia và Công ty dầu khí quốc gia Abu Dhabi (ADNOC) của UAE đã lùng sục khắp thế giới để tìm kiếm các giàn khoan tự nâng.

Tập đoàn này đã thuê giàn khoan từ các nhà thầu, mua từ các chủ nợ của các công ty cho thuê giàn khoan phá sản và đẩy giá thuê của các phiên bản cao cấp nhất lên đến 130.000 đô la/ngày, từ mức dưới 75.000 đô la vào năm 2021.

Theo WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới